Tân Hoàng Minh “quay xe”, đất vàng Thủ Thiêm có khả năng rơi vào tay các ông chủ gốc Hoa?

11/01/2022 21:10 PM | Kinh doanh

Động thái mới nhất của chủ tịch Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng, khiến số phận khu đất vàng Thủ Thiêm trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.

Ngày 11/1, theo thông tin báo chí, Chủ tịch Đỗ Anh Dũng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bất ngờ xác nhận việc chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá đất Thủ Thiêm.

Lý do chấm dứt hợp đồng được ông Dũng đưa ra là vì nhận thấy việc trúng đấu giá với kết quả 2,45 tỷ đồng/m2 sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung.

Đáng chú ý, trước đó, ông Dũng từng tuyên bố quyết tâm tham gia đấu giá vì lòng tự hào dân tộc trỗi dậy, không muốn để đất vàng rơi vào tay nước ngoài.

"Nếu tôi bỏ cuộc, thì lô đất 3-12 này là lô đất được đánh giá đẹp nhất Thủ Thiêm sẽ thuộc về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Trong suy nghĩ của tôi lúc đó trào lên lòng tự hào dân tộc, danh dự của các tập đoàn đầu tư bất động sản trong nước, mà tôi là một trong những số đó. Nên tôi đã quyết tâm trả giá cao hơn 3% (700 tỷ đồng) để giành quyền trúng đấu giá lô đất này", ông Dũng nhấn mạnh.

Theo quy chế đấu giá thông thường, nếu Tân Hoàng Minh chấm dứt hợp đồng mua lô đất thì sẽ bị mất cọc gần tỷ đồng. Công ty trả giá cao thứ nhì sẽ được mua lô đất với giá đã trả nếu vẫn có nhu cầu mua lô đất trên.

Được biết, trong phiên đấu giá ngày 10/12/2021, với lô đất 3-12, Công ty Capital One Financial(*) chính là đơn vị đã trả giá cao thứ hai, sau Công ty Ngôi Sao Việt của Tân Hoàng Minh. Hai đơn vị liên tục rượt đuổi gay cấn và đến lần thứ 69, Capital One Financial đưa ra mức giá 23.800 tỷ đồng. Chưa kịp đợi đấu giá viên thông báo "23.800 tỷ đồng lần thứ nhất", Chủ tịch Đỗ Anh Dũng lập tức kêu giá 24.500 tỷ đồng, khi đó Capital One Financial mới chấp nhận thua cuộc.

(*) Capital One Financial được thành lập vào tháng 9/2018, có trụ sở tại tòa nhà Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM với số vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, gồm ba cổ đông người gốc Hoa là Tổng Giám đốc Trương Hồng Võ (nắm 40%); Lâm Xương Diệu (26,7%) và Lý Vĩ Hiền (33,3%). Doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư.

Tuy nhiên, báo Tuổi trẻ dẫn lời một chuyên gia tư pháp, trường hợp này không áp dụng quy định đơn vị trả giá cao thứ hai sẽ được mời mua tài sản đấu giá bởi phiên đấu giá đã chấm dứt, các bên đã ký hợp đồng mua tài sản đấu giá và UBND TP cũng đã có quyết định công nhận kết quả đấu giá.

"Việc đơn vị trả giá cao thứ hai được mua tài sản đấu giá chỉ áp dụng khi đơn vị trúng đấu giá từ chối mua ngay sau khi trúng đấu giá kèm theo điều kiện giá được trả cao thứ hai cộng với số tiền đặt cọc đấu giá bằng hoặc cao hơn giá mà đơn vị trúng đấu giá vừa từ chối", vị chuyên gia giải thích.

Như vậy kể cả Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Ngôi Sao Việt (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) từ chối mua tài sản đấu giá ngay tại phiên đấu giá thì cũng không thể mời đơn vị thứ 2 mua tài sản đấu giá bởi giá mà Tân Hoàng Minh trúng đấu giá cao hơn lần trả giá trước đó đến 700 tỷ đồng, trong khi số tiền đặt cọc để đấu giá quyền sử dụng lô đất 3-12 chỉ gần 600 tỷ đồng.

Nhật Anh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
XEM