Tâm tư từ 2 startup đang kiên cường sống sót trong đại dịch Covid-19 – theMay và Barista School: Doanh thu chỉ đủ cho doanh nghiệp sống qua ngày, nhưng founder trưởng thành nhanh hơn bao giờ hết
Sau rất nhiều xoay xở và vẫy vùng, hiện cả theMay lẫn Vietnam Barista School vẫn đang sống sót. Với 2 founder Thanh Vân và Kim Ngọc, ngoài những tác động xấu về doanh thu hay nhân sự, thì Covid-19 phần nào khiến họ trưởng thành nhanh hơn bao giờ hết, cảm giác không có gì là không thể vượt qua.
Có thể nói, trong thời đại dịch như thế này, startup chính là thành phần doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất. Trừ những startup có các quỹ đầu tư đồng hành cùng hoặc trong ngành thiết yếu như y tế, hàng tiêu dùng hoặc nội dung số; còn lại đều đang chật vật để tồn tại, theMay và Vietnam Barista School đều đang thế.
Vietnam Barista School là một trong những trường học dạy nghề barista có tiếng tại Việt Nam, ngoài là thành viên của Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới (SCA), các học viên của trường này còn đạt nhiều giải thưởng quốc tế trong nghề như Vô địch thế giới bộ môn Cảm quan mùi vị…Thế nên, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ danh tiếng gầy dựng được bấy lâu, Vietnam Barista School vẫn đang vững vàng trước giông bão.
"Trong đợt bùng phát Covid-19 lần đầu tiên, do đặc thù nghề - chủ yếu là thực hành, nên trường của tôi không thể dạy online, mà chịu khó dạy 1-1 dù như thế là tốn chi phí rất nhiều. Nhưng chúng tôi không tăng học phí để khuyến khích học viên vừa học vừa đi làm.
Chủ nhà có giảm tiền thuê nhà nhưng không nhiều, giáo viên cũng phải giảm lương nhưng cũng không nhiều. Ngoài ra, để bớt gánh nặng cho trường, chúng tôi nhưng chia thành nhiều đợt chi trả cho giáo viên, quan trọng là giữ tinh thần cho nội bộ, mọi người cùng chia sẻ", chị Nguyễn Huỳnh Kim Ngọc kể.
Theo đó, kể từ đầu năm đến đây, trường chị dạy học bình thường khoảng tầm 3 tháng, còn đâu đều phải hoạt động trong điều kiện giãn cách vì Covid-19.
Mặt tiêu cực là trường phải gồng gánh nhiều chi phí khác nhau trong khi giảm doanh thu nghiêm trọng nên buộc phải tìm cách cắt giảm nhiều chi phí, như điện nước và vài phúc lợi cho nhân sự, thậm chí cắt giảm nhân sự.
Và để có thêm nguồn doanh thu để tiếp tục duy trì doanh nghiệp, chị Kim Ngọc đã đẩy mạnh thêm mảng tuyển dụng và set-up các hệ thống quán cũng như dạy chứng chỉ SCA (chứng chỉ Barista toàn cầu) cho các bạn du học sinh hồi hương rất nhiều ở đợt này. Ngoài ra, Covid-19 còn là dịp để trường sàng lọc nhân sự, sàng lọc hao phí trong vận hành.
Chị Nguyễn Huỳnh Kim Ngọc - founder Vietnam Barista School.
"Trước đó, chúng tôi đề ra chiến lược là sẽ đẩy mạnh các chương trình học bổng dành cho SCA để nâng cấp thị trường; nên nhân dịp này ứng dụng triệt để trong mùa này luôn. Khi Covid-19 diễn ra, rất nhiều du học sinh đã hồi hương, cung cấp cho chúng tôi lượng học viên tiềm năng dồi dào. Mặc dù sỉ số không như mong đợi, khi mỗi lớp chỉ có thể dạy từ 1 đến 2 học viên, song bù lại chúng tôi có thể chăm chút cho học viên kỹ hơn rất nhiều.
Do chương trình đào tạo SCA dạy trong ngắn hạng nhưng học viên có được kiến thức tốt và bằng cấp giá trị quốc tế nên chúng tôi dạy môn này rất ổn định", founder Vietnam Barista School nêu cụ thể.
Kể từ đầu năm đến giờ, hàng quán đóng cửa nhiều mà mở không ít – dù không biết chính chính xác, nhưng có lẽ số lượng quán mở bằng ½ đóng. Hơn nữa nhiều người di chuyển - về quê hoặc chuyển ngành, nên nhu cầu nhân sự trong ngành F&B tăng khá cao. Trước cơ hội đó, Vietnam Barista School đã tăng cường tuyển dụng chắc hơn cho các quán. Nhân dịp này xem như Vietnam Barista School giúp thị trường sàng lọc nhân sự trong ngành.
Ngoài đào tạo, Brista School cũng tiến hành set-up cho các chủ đầu tư và làm R&D cho các tập đoàn hoặc chuỗi lớn. "Dịp này chúng tôi cũng nhận nhiều đơn đặt hàng, tuy nhiên vì cam kết trong hợp đồng nên không công bố danh tính đối tác được. Bên cạnh đó, tôi cũng có thời gian nói chuyện với thị trường nhiều hơn, nên mới có cơ hội biết nhu cầu nhân sự của cà phê nó biến động như thế nào", chị Kim Ngọc tiết lộ.
Trong đợt giãn cách vừa rồi, cả trường đã làm cà phê đóng chai ủng hộ các đơn vị tình nguyện ở các khu cách ly và bệnh viện, nên cũng được báo chí nhắc đến nhiều. Lý do khiến Vietnam Barista School làm cà phê đóng chai thay vì đựng trong cốc là vì đóng chai có thể giữ nguyên hương vị thơm ngon của cà phê – do cà phê không bị oxi hóa và được tiệt trùng – không sợ bị lây dính vi khuẩn xấu.
"Đợt này nghiêm trọng hơn do mức độ lây lan phủ rộng hơn. Tuy nhiên, 3 tháng vừa rồi nhờ chúng tôi chăm sóc khách hàng chăm chút hơn nên tỷ lệ học viên thích kiểu học 1-1 và muốn học tiếp lên rất nhiều. Do đó, nhìn chung doanh thu từ học phí không lo lắng lắm. Vẫn là trường tốn chi phí cho việc vệ sinh và khử trùng khu vực dạy và học, cũng như chuẩn bị rất nhiều thứ bảo hộ khi lớp đang diễn ra nên tốn kém.
Tôi nghĩ mình làm ăn chăm chút 1 tí cho sản phẩm và cho khách hàng thì tới khi có chuyện hữu sự, ai cũng thông cảm và hỗ trợ. Học viên của trường luôn dễ thương nhiệt tình, kêu đi giao cà phê tận trại cách ly ở Thủ Đức là mọi người rủ nhau đóng thùng rồi tự chở đi", chị Kim Ngọc chia sẻ.
Những chai cà phê được Vietnam Barista School dành tặng các bác sỹ - tình nguyện viên ở các khu cách ly lần trước.
Tâm thế của cả chị Kim Ngọc và Barista School bây giờ là phải đảm bảo an toàn đầu tiên và giữ tinh thần tích cực là quan trọng nhất.
"Bài học lớn nhất mà cả tôi và trường nhận được trong Covid-19 là luôn phải giữ tinh thần lạc quan. Nhờ lạc quan mà chúng tôi đã ổn định được tinh thần đội ngũ để xử lý từng khó khăn. Tôi tin doanh nghiệp mình là 1 trong số ít đơn vị trả lương đầy đủ cho nhân viên trong thời gian nghỉ dịch và nhận được sự đồng thuận của tập thể nhân viên trong việc chèo chống qua cơn bão.
Thay đổi lớn nhất của trường nghe cũng khá "kỳ cục": đáng lẽ công ty lo cho nhân viên nhưng đằng này toàn nhân viên lo cho công ty; ví dụ như ba má mấy bạn nhân viên nấu cơm cho ban giám đốc, nhân viên viết email đòi xin giảm lương. Nhiều người không tin nhưng nó đã xảy ra ở Vietnam Barista School. Ai lần đầu nghe đều tưởng mình nói xạo!
Giờ kêu các bạn nhân viên ở nhà nghỉ, tụi nó khóc lên khóc xuống; ngay cả con nhỏ bầu bì bên này cũng kêu là cho em nghỉ 2 tháng đẻ thôi, đừng cho em nghỉ luôn. Thế nên, tôi cảm thấy mình rất may mắn vì có một tập thể tuyệt vời như thế dù lo tiền muốn chết!", chị Kim Ngọc tiếp tục bày tỏ.
Theo chị Kim Ngọc, chính Covid-19 đã khiến các founder như chị trưởng thành lên nhanh chóng: mới đầu kêu giãn cách là chị mặt đơ ra; cơ mà sau khi bình tĩnh lại thì ổn, cảm giác nó cứ qua như 1 cơn gió! Tuy nhiên, dù đã xác định là ‘sống với lũ’ trong suốt năm 2020 và "đủ ăn đủ tiêu" là vui rồi, nhưng chị cũng mong là đại dịch qua mau hoặc đừng bùng phát trên diện rộng.
Với tuổi đời còn khá non trẻ, khi mới ra mắt cách đây 2 năm lại hoạt động trong ngành không thiết yếu – thời trang, nên hành trình sống sót của theMay thoạt trông chật vật hơn Vietnam Barista School.
Vũ Thị Thanh Vân – founder theMay
"Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến theMay, vì khách hàng mục tiêu của cửa hàng đa phần là khách du lịch vãng lai khu vực Tân Định – TP. HCM. Vì dịch, khách du lịch vắng đi rất nhiều nên cửa hàng theMay cũng không có khách.
Trong thời gian dịch, chúng tôi có chuyển hướng marketing đến khách Việt Nam nhiều hơn. Theo đó, tôi nhận ra khách Việt hiện cũng đang đón nhận dòng sản phẩm truyền thống pha hiện đại như theMay nhiều hơn tôi nghĩ trước đây. Cảm giác mình không bị trật pha với khách hàng Việt Nam nhiều như thời mới ra mắt thương hiệu năm 2018. Qua đợt dịch lần 1, thành quả lớn nhất của theMay là định hướng lại được thương hiệu và chúng tôi đã áp dụng những gì ‘ngộ’ ra được đó lên bộ sưu tập mới vừa ra mắt", Vũ Thị Thanh Vân – founder theMay cho biết.
Ngoài ra, Covid-19 còn là cơ duyên để founder này thấy được theMay đang thiếu ở đâu và thừa ở đâu, rồi từ đó củng cố lại nội lực của cả team và định vị lại thương hiệu.
Theo chị Thanh Vân, theMay trước dịch bị thiếu định hướng và mục tiêu ngắn hạn, toàn mơ ước giấc mơ hơi dài và hơi xa. Nên khi có khủng hoàn đến là doanh nghiệp chao đảo!
"Tôi còn nhận ra một điều, lúc chưa khó khăn, tôi chưa phát huy hết nội lực của team. Khi tinh thần nhân viên khá thoải mái, mọi người làm việc năng suất không cao như có thể. Lúc bị đẩy vào tâm bão, team lại rất đồng lòng. Nên thật ra, tôi thấy đồng đội mình có nội lực rất tốt chỉ là mình chưa biết cách khai thác.
Thêm nữa, ngoài việc xây dựng hình ảnh thương hiệu, founder cũng phải tìm ra hướng đi linh động với nhiều hoàn cảnh, nhiều tệp khách hơn", chị Thanh Vân nhận định.
Cũng theo chị Thanh Vân, chị hơi lúng túng khi dịch bùng nổ đợt 2 ở cuối tháng 7, vì chị mong đợi đến khoảng tháng 9 hoặc 10 mới thế; nhưng nhờ có kinh nghiệm từ trước nên chị cũng không còn bị mất phương hướng nữa.
TheMay mới ra mắt bộ sưu tập mới – lần đầu kết hợp với một nền văn hóa khác, ngoài Chăm.
Bộ sưu tập Moonlight của theMay.
"Trải qua 2 năm hình thành và phát triển sản phẩm gắn liền với nét mộc mạc từ thổ cẩm Chăm, theMay nhận thấy đã đến lúc mình cần tiếp thêm những làn gió văn hóa mới đến với khách hàng. Và mối cơ duyên được đặt chân đến làng Glar - làng dệt thổ cẩm Ba-na đã truyền cảm hứng cho theMay hiện thực hoá ý nguyện này.
TheMay cùng các nghệ nhân làng Glar phối màu theo cách hiện đại hơn trên nền hoa văn truyền thống, sáng tạo nên những sản phẩm đa dạng, mang tính ứng dụng cao với 5 gam màu chủ đạo: xanh lá, đen, vàng, tím, đỏ.
Với thiết kế lấy cảm hứng từ những hình tượng mộc mạc, gần gũi với người dân Ba-na như râu bắp, hoa mua, giọt nắng... Bộ sưu tập Moonlight nhẹ nhàng và đằm thắm như chính cái tên vậy. Cách điệu từ hình dáng ruộng bậc thang đặc trưng của miền núi bằng những nếp xếp thổ cẩm dệt tay tạo hình gợn sóng tỉ mỉ.
Thổ cẩm dệt tay được phối màu hiện đại trên nền hoa văn truyền thống. Thiết kế mang phong cách Nổi Bật (Bold) với kết cấu to bản, sử dụng nhiều đá bán quý.
Sunshine tạo giác sang trọng và đặc biệt cho người mặc, phù hợp cho những sự kiện cần sự chỉnh chu, cầu toàn. Sunshine sẽ mang lại ánh dương rực rỡ giúp bạn toả sáng trên mỗi bước chân đi", theMay đã giới thiệu như thế về 2 Bộ sưu tập mới của mình.
Mục tiêu đầu tiên của chị Thanh Vân khi ra 2 bộ sưu tập cho mùa hè là muốn kiếm một ít vốn rồi "bế quan tỏa cảng" để sinh em bé, nhưng dịch bùng đợt 2 đã khiến kế hoạch của chị bị phá sản. Nên KPI cho các chiến dịch marketing, từ chỉ tiêu bán hàng sang làm thương hiệu. "Trong thời cao điểm của dịch, ai cũng bóp chi tiêu, giờ mà ra chỉ tiêu sale thấy mông lung quá", founder theMay than thở.
Kể từ đầu năm đến giờ, do đã chuyển marketing hết cho thị trường Việt Nam, nên doanh thu cũng đủ để theMay thoi thóp sống qua mùa dịch. Tức là, cho tới thời điểm này thì họ vẫn cầm cự được, còn nếu kéo dài lâu nữa hoặc dịch bùng nổ lớn thì chưa biết sao.