Tâm sự của hộ kinh doanh cá thể 'ngại lớn': Thành doanh nghiệp, cơ cấu phức tạp, chúng tôi vỡ nợ trước khi thành công!
Ông Lê Văn Nguyên - một chủ cơ sở sản xuất hộ kinh doanh cá thể về tranh thêu tay, đồng thời cũng là Chủ tịch hiệp hội tranh thêu tay tại Thanh Trì, Hà Nội lên tiếng trong hội thảo “Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp – thực trạng và các giải pháp hỗ trợ” do VCCI tổ chức mới đây.
Cơ sở sản xuất của ông Nguyên, cũng giống như mọi hộ kinh doanh cá thể khác trên đất nước này, đang được coi như những 'hạt giống vàng'. Trong mục tiêu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra là đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, 'nâng tầm' các cơ sở hộ kinh doanh nhỏ lẻ thành doanh nghiệp được nhắc đến như giải pháp chủ chốt.
Đứng trước cơ hội để 'nâng tầm' cơ sở sản xuất, và cũng hiểu những lợi ích nếu cơ sở của mình trở thành doanh nghiệp, thế nhưng ông Nguyên vẫn tỏ ra không quá mặn mà. Theo ông thì thực ra chủ trương chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp đã ra đời từ thời điểm 10 năm trước, tuy nhiên vẫn chưa làm được do các hộ kinh doanh vẫn còn mối nghi ngại.
Đến nay, dường như những nghi ngại của 4,7 triệu hộ kinh doanh cá thể như ông Nguyên vẫn còn nguyên: Họ muốn mình trở nên chuyên nghiệp, nhưng ai biết được liệu những thanh tra, thuế vụ…có ‘quan tâm đặc biệt’ đến họ khi danh xưng ‘doanh nghiệp’ đã định hay không?
'Doanh nghiệp sinh ra để kinh doanh, nhưng cứ phải tốn rất nhiều thời gian để đối phó với cán bộ thuế
Ông Lê Văn Nguyên đồng ý rằng nếu một cơ sở sản xuất trở thành doanh nghiệp thì sẽ có lợi thế trong các cuộc thương thảo với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, vị này cũng bộc bạch về ‘thiệt hại lớn nhất’ nếu như một cơ sản xuất như của ông trở thành doanh nghiệp.
Theo ông chủ của hộ kinh doanh cá thể tranh thêu tay này thì lý do lớn nhất chính là lo ngại các thủ tục hành chính liên quan đến thuế, thứ hai mới là lo ngại rằng hộ kinh doanh cá thể của mình sẽ khó đứng vững nếu mang danh xưng 'doanh nghiệp'.
Một làng nghề tranh thêu tay
Làm việc với cơ quan thuế trong hình dung của ông Nguyên sẽ rất 'mệt mỏi'. Đó sẽ là quá trình một bên thì 'tìm tòi' cho ra điểm để thu thế, còn một bên thì lo đối phó với cán bộ thuế. Rõ ràng, doanh nghiệp sinh ra không phải để làm công việc rất tốn thời gian này.
“Doanh nghiệp thì vô tình mất rất nhiều thời gian vào việc đối phó với cán bộ thuế, còn Nhà nước thì rất mất thời gian để đi thu thuế. Hai khoảng trống đó gây thiệt hại cho tất cả các bên, mà trong khi đó, doanh nghiệp có nhiệm vụ chính là kinh doanh sinh lời” – Ông Nguyên nói.
Mang ấn tượng này từ khi là cơ sở sản xuất, vậy câu hỏi là các hộ kinh doanh cá thể liệu còn mặn mà với 2 chữ ‘doanh nghiệp’ hay không? Vị chủ cơ sở sản xuất tranh thêu tay ở Thanh Trì chia sẻ:
“Doanh nghiệp nước ngoài vì sao năng suất tốt như vậy, vì họ không mất động tác thừa có chi phí lớn như vậy. Doanh nghiệp kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể Việt Nam không dám lớn lên chính vì thủ tục hành chính.
Chúng tôi sinh ra để kinh doanh sản xuất sinh lời, nhưng cái sinh lời đầu tiên là ở tinh thần tư tưởng. Tinh thần tôi suốt ngày lo bị soi mói, bị chỉ ra lỗi sai thì làm sao phát triển nghiên cứu được thị trường này khác”.
'Thành doanh nghiệp, cơ cấu phức tạp, chúng tôi vỡ nợ trước khi thành công!'
Một điểm khác khiến các hộ kinh doanh cá thể ‘sợ’ chuyển mình thành doanh nghiệp được ông Nguyên chia sẻ là do cấu trúc một doanh nghiệp phức tạp hơn hộ kinh doanh cá thể rất nhiều.
“Không chỉ mất thời gian đối phó với thuế, mà còn những vấn đề khác. Bản chất hộ kinh doanh cá thể là không có chuyên môn về các lĩnh vực về thuế hay kế toán” – Ông Nguyên nói.
Theo vị này, các hộ kinh doanh cá thể trong nền kinh tế có thể sống khỏe và dồi dào như ngày nay chính là vì tính đơn giản của nó, ví dụ như một ông chủ quán ăn thôi cũng có thể làm được rất nhiều vai trò: từ giám đốc đến kế toán, nhân công hay bảo vệ…
Vì thế, nếu muốn chuyển đổi mà thủ tục vẫn yêu cầu như đối với doanh nghiệp bình thường, ví dụ 'kế toán phải có 2 năm kinh nghiệm trở lên' (theo lời ông Phan Đức Hiếu – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) thì các hộ kinh doanh e rằng sẽ khó mà đáp ứng.
“Nếu đưa thành một hệ thống, một doanh nghiệp, với phòng thị trường, rồi phòng kế toán các loại thì chúng tôi vỡ nợ trước khi thành công” – Ông Nguyên e ngại.
Từ những toan tính ấy, các hộ kinh doanh sẽ có lựa chọn để xem mình có nên chuyển đổi hay không. Ngay trước hội trường, ông Nguyên nói thành thật: “Sự lựa chọn thông minh để cho hộ kinh doanh tồn tại là không thành lập doanh nghiệp vội, mặc dù họ biết lợi thế khi mình trở thành doanh nghiệp”.
Những số liệu được VCCI công bố về các hộ kinh doanh cá thể trong nền kinh tế đã gây bất ngờ
Theo đó, tính đến thời điểm này Việt Nam có 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể (Theo Tổng cục Thống kê) hoặc 1,7 triệu hộ tham gia kê khai thuế (Theo Tổng cục Thuế).
Số lượng hộ vẫn đang tăng đều, nhất là từ năm 2007 đến nay, tuy mức tăng không đột phá nhưng rất đều đặn. Doanh thu của các hộ cũng tăng khiến cho mức đóng góp vào tiền thuế lên đến 12.000 tỷ