Tầm nhìn đầu tư của tỷ phú giàu nhất châu Á: Từ chối đổ xô vào cơn khát “vàng trắng” và cuộc chơi mà Trung Quốc vốn thắng trận

24/01/2022 20:01 PM | Kinh doanh

Natri hiện là khoản cược lớn của tỷ phú Ambani trong cuộc đua xe điện.

Từ điện thoại thông minh cho đến ô tô của Tesla, pin lithium-ion xuất hiện ở khắp mọi nơi. Nhưng khi người đàn ông giàu nhất châu Á dùng 100 triệu bảng Anh (136 triệu USD) để mua sắm, ông quay lại với một lựa chọn khiêm tốn: Natri.

Natri-ion là một lựa chọn không tồi để tỷ phú Mukesh Ambani khởi động siêu nhà máy pin năng lượng của mình. Vỏ trái đất chứa lượng natri nhiều gấp 300 lần so với lithium. Mặt khác, tỷ lệ sử dụng xe điện trên toàn cầu đang cao đến mức mà không chỉ lithium mà niken, coban và mọi thứ khác được dùng cho pin xe điện đều trở nên khan hiếm.

BloombergNEF dự đoán cơn đói kim loại dùng để sản xuất pin lithium-ion sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030. Lần đầu tiên sau thời gian dài, các bộ pin có thể đắt hơn trong năm 2022.

Công ty hàng đầu Reliance Industries của Ambani đang trong đợt thúc đẩy tham vọng năng lượng sạch trị giá 76 tỷ USD. Vì vậy, việc ông ủng hộ công nghệ rẻ như pin axit chì truyền thống và yêu cầu các thành phần có nguồn gốc dễ tìm là điều dễ hiểu. Các khách hàng nhạy cảm của Ambani ở Ấn Độ hoặc các thị trường mới nổi khác sẽ không bận tâm về thành phần của pin, miễn là công suất không quá tệ vì giá rẻ.

Khi nhắc đến lượng điện năng lưu trữ trong mỗi cục pin, Ambani hy vọng khoảng cách với pin lithium-ion sẽ được thu hẹp và tiền của ông sẽ đóng vai trò là cầu nối cho nó.

Ambani không chỉ rót 100 triệu bảng Anh vào Sheffield và Faradion tại Oxford, ông còn đầu tư 25 triệu bảng Anh để đẩy nhanh việc triển khai thương mại cho công ty công nghệ có 16 nhân viên và 31 bằng sáng chế. Công nghệ này sẽ được sử dụng trong siêu nhà máy Reliance ở Jamnagar, Gujarat.

Ashwin Kumaraswamy, một nhà đầu tư mạo hiểm tại công ty quản lý tài sản Mercia và là đồng sáng lập của Faradion, cho biết lithium sẽ không có đủ và coban thậm chí còn hiếm hơn. Với natri, công ty chỉ mới khai thác được chút đỉnh. Công ty khởi nghiệp đã độc quyền làm việc về natri-ion trong một thập kỷ. Họ tuyên bố sẵn sàng phân phối thương mại được khoảng 160-170 Wh trên mỗi kg natri.

Để đưa những con số đó vào viễn cảnh tương lai, công ty Contemporary Amperex Technology của Trung Quốc công bố pin natri-ion của mình vào mùa hè năm 2021. Nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới cho biết sản phẩm thế hệ đầu của họ sẽ cung cấp 160 Wh trên mỗi kg và một chuỗi cung ứng công nghiệp cơ bản sẽ sẵn sàng vào năm 2023. Nói cách khác, Ambani không tham gia vào cuộc chơi mà người Trung Quốc vốn đã thắng trận.

Các siêu nhà máy pin đang mọc lên như nấm từ Nevada đến New York, từ Thượng Hải đến Tây An và từ Berlin đến Budapest. Nhưng quốc gia đông dân thứ hai thế giới lại rất ít đầu tư vào công nghệ. Toshiba, Suzuki và Denso đã chung tay thành lập một nhà máy pin lithium trị giá 180 triệu USD ở Gujarat để cung cấp cho Maruti Suzuki India – nhà sản xuất ô tô lớn nhất Ấn Độ.

Tuy nhiên, nhìn chung các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ không có bất kỳ kế hoạch sản xuất pin nào và có thể đang tìm kiếm các nguồn cung bên ngoài từ các nhà sản xuất độc lập. Báo cáo của Kotak Institutions Equities, một công ty môi giới có trụ sở tại Mumbai, cho biết các nhà sản xuất dường như đang tuân theo cùng một chiến lược vốn hiệu quả với họ trong lĩnh vực xe động cơ đốt trong.

Đây là một tin tốt cho Ambani. Với 300 triệu USD, thị trường pin xe điện hiện tại trong nước có thể rất nhỏ, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Khi nhắc đến xe tay ga, một phương tiên giao thông cá nhân phổ biến của tầng lớp trung lưu, các khoản trợ cấp của chính phủ khiến xe điện có giá cả phải chăng hơn so với xe xăng.

Trong 20 năm, tất cả xe hai bánh và hơn 70% doanh số bán xe ô tô sẽ là xe điện. Đến năm 2052, nhu cầu về pin sẽ bùng nổ đến 585 tỷ USD/năm. Theo ước tính của Kotak, khả năng tạo ra của cải trên thị trường chứng khoán từ pin ở Ấn Độ là 1.000 tỷ USD. Bằng cách đầu tư khi người khác không quan tâm, Ambani có thể chớp lấy một "miếng bánh" béo bở.

Chính phủ Ấn Độ nhiều khả năng đưa ra những chính sách hỗ trợ cho pin "Made in India". Xét cho cùng, nếu Ấn Độ không tự sản xuất pin, khoản tiết kiệm bằng đồng tiền mạnh hàng năm từ việc giảm phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông (3-4% GDP) sẽ trở thành vô ích. Các nhà phân tích của Kotak chỉ ra rằng thay vì nhập khẩu dầu thô, Ấn Độ có thể chuyển sang nhập khẩu pin.

Và đây mới chỉ là vấn đề về ô tô. Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 tại Glasgow, thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng của đất nước từ các nguồn phi nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, năng lượng gió và mặt trời cũng cần pin để lưu trữ nhiều hơn. Hơn nữa, pin cần được vận chuyển đến những nơi xa.

Không giống như lithium-ion, một chất dễ gây cháy, natri-ion ít có khả năng phát nổ khi vận chuyển. Bằng sáng chế của Faradion cho việc này có thể mang lại lợi thế cho Reliance.

Natri, muối của trái đất, khó có thể là dấu chấm hết cho tham vọng của Ambani trong lĩnh vực pin. Nhưng như một điểm khởi đầu, công nghệ này còn nhiều điều để nhắc đến, cả về vị tỷ phú và Ấn Độ.

Tham khảo Bloomberg

Theo Khánh Ly

Cùng chuyên mục
XEM