Tại sao Warren Buffett làm Bộ trưởng tài chính Mỹ lại không thích hợp bằng Donald Trump?
Ông Buffet là một doanh nhân điển hình không kém so với Donald Trump nhưng không thể khẳng định việc đặt nền kinh tế Mỹ vào tay nhà tỷ phú này sẽ an toàn hơn vào tay ứng cử viên Trump.
Không chỉ là một nhà đầu tư nổi tiếng, tỷ phú Warren Buffett còn có liên quan mật thiết đến giới chính khách tại Mỹ.
Vào giữa thập niên 70, ông Buffett đã thường xuyên tham gia những bữa tiệc tối của giới chính khách Washington. Đến thập niên 80, ông dành thời gian cuối tuần để chơi golf với Tổng thống Mỹ thời đó là Ronald Reagan.
Năm 2003, vị tỷ phú này giúp đỡ diễn viên Arnold Schwarzenegger trở thành thống đốc bang California. Đến năm 2008, cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là John McCain và Barack Obama đều nói bóng gió rằng họ muốn đưa Warren Buffett trở thành bộ trưởng tài chính.
Năm 2016 này, nhà đầu tư Buffett hiện ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong chính đàn Mỹ, nhất là khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang ngày một gay cấn.
Trong bức thư thường niên gửi cổ đông của Berkshire Hathaway, ông Buffett đã đề cập nhiều hơn đến nền kinh tế vĩ mô của Mỹ cũng như có những quan điểm về nền kinh tế số 1 thế giới.
Không dừng lại ở đó, ông Buffett còn xuất hiện cùng ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton tại Omaha cũng như có những quan điểm chỉ trích vị ứng viên còn lại là Donald Trump.
Vị thế và ảnh hưởng của ông Warren Buffet là vô cùng rõ ràng đối với người Mỹ và khả năng nhà đầu tư này tham gia chính quyền Washington là vô cùng lớn. Quỹ đầu tư Berkshire Hathaway của Warren Buffett có mức vốn hóa thị trường đạt 363 tỷ USD, lớn thứ 6 thế giới.
Bản thân tỷ phú Buffett cũng giàu gấp 20 lần so với ứng cử viên Trump. Danh tiếng của nhà đầu tư này cũng tăng mạnh khi có đến 40.000 người tham dự đại hội thường niên của Berkshire vào tháng 4/2016, cao gấp 8 lần so với 20 năm trước.
Kể từ khi huyền thoại Steve Jobs của Apple ra đi, nhà đầ tư Buffett được coi là một trong những tượng đài lớn còn sót lại đại diện cho những doanh nhân thành đạt nổi tiếng thế hệ cũ ở Mỹ. Nhắc đến ông Buffett, chắc chắn người Mỹ sẽ nghĩ đến sự truyền thống, công bằng và sự điển hình của chủ nghĩa tư bản.
Một doanh nhân giỏi, nhưng như vậy là chưa đủ
Dẫu vậy, tỷ phú Buffett không phải là một “vị Thánh” khi kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ tồi tệ hơn nếu ông làm bộ trưởng tài chính.
Hãy lấy ví dụ việc Berkshire hợp tác với hãng 3G nổi tiếng của Brazil vào năm 2013 trong các thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A). Kể từ khi liên minh này hoàn thành việc M&A giữa Kraft và Heinz năm 2015, trong đó Berkshire nắm giữ 27% cổ phần của công ty sáp nhập mới, có đến 10% số lao động của cả 2 công ty đã bị sa thải.
Rõ ràng, vị tỷ phú xứ Omaha không quan tâm nhiều đến cuộc sống của người lao động mà đặt lợi ích của doanh nghiệp cũng như cổ đông lên trước.
Cũng vào năm ngoái, nhà quản lý quỹ Daniel Loeb đã lên tiếng chỉ trích ông Buffett về tính giả tạo: “Ông ta cho rằng mọi người nên đống thuế nhiều hơn trong khi chính bản thân mình lại thích dùng các phương pháp né thuế”.
Lời chỉ trích của ông Loeb có lý khi số tiền đóng thuế của Berkshire tỷ lệ nghịch với đà tăng trưởng lợi nhuận. Năm 2015, số tiền nộp thuế của công ty này chỉ bằng 13% tổng lợi nhuận trước thuế và trở thành một trong những công ty đóng thuế ít nhất trong số những tập đoàn lớn ở Mỹ.
Xếp hạng đóng thuế của 10 tập đoàn lớn nhất Mỹ (theo % lợi nhuận năm 2015)
Một ví dụ khác là vào năm 2008, dù tỷ phú Buffett phê bình các nhà đầu tư phố Wall về việc đẩy giá thị trường lên mức quá cao nhưng chính bản thân ông lại ủng hộ cho Goldman Sachs tại thời điểm đó. Mới đây, tổ chức tài chính này đã chính thức thừa nhận lừa dối nhà đầu tư và khách hàng về tình hình bong bóng thị trường năm 2008.
Khi đó Berkshire là cổ đông chiến lược của Moody và chính hãng xếp hạng tín nhiệm này đã đánh giá sai lầm Goldman để nhà đầu tư chịu thiệt.
Tỷ phú Buffett thường trực tiếp đưa ra những quan điểm của mình đối với các công ty mà ông đầu tư. Trong tháng 7 vừa qua, vị tỷ phú này đã tham gia điều hành cùng với 12 ông chủ của các công ty mà mình đầu tư nhằm nâng cao kết quả kinh doanh.
Một trong những lời khuyên mà ông Buffett thường đưa ra với các công ty này là áp dụng nguyên tắc kế toán GAAP. Tuy nhiên, trớ trêu thay là Berkshire lại khuyến nghị nhà đầu tư sử dụng các nguyên tắc kế toán của riêng họ dựa trên những “giá trị nội tại”. Đây là sự đối lập khó hiểu trong phong cách điều hành quản lý của ông Buffett.
Người vợ đầu tiên của tỷ phú Buffett đã nằm trong hội đồng quản trị cho đến khi bà này mất vào năm 2004 và nhiều khả năng con trai của ông Buffett sẽ lên làm chủ tịch hội đồng quản trị Berkshire đời tiếp theo.
Rõ ràng, ông Buffet là một doanh nhân điển hình không kém so với Donald Trump nhưng không thể khẳng định việc đặt nền kinh tế Mỹ vào tay nhà tỷ phú này sẽ an toàn hơn vào tay ứng cử viên Trump.
Bảo thủ và thích độc quyền
Đặc biệt, nhiều chuyên gia cho rằng giữa tỷ phú Trump và ông Buffett có một điểm chung là thích sự độc quyền.
Sau khi có những kết quả đầu tư đáng thất vọng vào ngành dệt may trong thập niên 60-70, tỷ phú Buffett đã quyết định chuyển hướng sang mảng giày dép và hàng không. Thời điểm đó, nhà đầu tư này cho rằng mình nên chi tiền vào những mảng được bảo hộ bởi chính phủ hoặc có sự thống trị trên thị trường hơn là đầu tư vào một ngành kinh doanh bình thường có cạnh tranh tự do.
Trong thập niên 80-90 sau đó, ông đầu tư vào những thương hiệu quốc tế đang thống trị thị trường như Gillette hay Coca Cola. Tiếp sau đó, Berkshire giữ vững quan điểm đầu tư này khi chi tiền cho hàng loạt những thương hiệu có vị trí độc tôn trên thị trường.
Quan điểm này của ông Buffett là thích hợp cho lợi ích các cổ đông nhưng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tễ vĩ mô của Mỹ. Những thương hiệu chiếm vị trí độc tôn trên thị trường thường có tỷ lệ tái đầu tư không cao như những công ty nhỏ hơn. Thêm vào đó, tính cạnh tranh trên thị trường sẽ bị suy giảm nếu nhà đầu tư chỉ thích những doanh nghiệp lớn.
Dưới sự ảnh hưởng của Buffett, giới đầu tư và kinh doanh phố Wall đã thay đổi. Năm 2015, 500 công ty lớn nhất trên sàn S&P chỉ tái đầu tư 45% lợi nhuận nhằm bảo vệ mức lợi nhuận cận biên và cắt giảm chi phí. Đây là một tín hiệu xấu cho đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Rõ ràng, quan điểm về kinh tế của Buffett thích hợp cho nhà đầu tư và kinh doanh hơn là để điều hành nền kinh tế Mỹ. Tỷ phú Buffett được đánh giá là nhà đầu tư cẩn thận, truyền thống, ưa thích kiểu kinh doanh độc quyền nhóm nhưng nước Mỹ hiện nay lại đang chứa nhiều rủi ro trong nền kinh tế.
Các doanh nghiệp đang tái đầu tư ít hơn trước và sự cạnh tranh trên thị trường cũng không còn được sôi nổi như xưa. Giá cả hàng hóa đang rẻ đi nhưng trong đó chưa nguy cơ tiềm ẩn giảm phát như Nhật Bản hay Châu Âu.
Với những vấn đề như vậy, tờ Economist cho rằng một con ngưởi nổi tiếng với quan điểm bảo thủ như ông Buffett khó lòng thay đổi được nền kinh tế Mỹ.