Tại sao VinFast và Selex Motors đều hướng tới phân khúc xe máy điện vận chuyển?
Các nhà sản xuất xe máy điện ở Việt Nam đang cho thấy những cách xâm nhập thị trường khác nhau. Nếu Dat Bike đánh vào các khách hàng cá nhân với việc đề cao thiết kế và tính thẩm mỹ, cá tính cho các sản phẩm xe máy điện thì Selex Motors chọn đánh vào phân khúc logistic - xe điện chuyên giao vận, còn VinFast đang chuẩn bị những bước cuối cùng cho việc tạo ra một mạng lưới "xe ôm điện" rộng rãi vào thời gian tới đây.
Dat Bike, nhà sản xuất xe điện từng tham gia Shark Tank chọn thâm nhập thị trường xe hai bánh với phân khúc xe điện có mức giá tương đối cao (trên 50 triệu đồng/sản phẩm). Điểm khiến Dat Bike được lòng khách hàng là mẫu mã thiết kế trẻ trung, cá tính với tông màu cam, nâu.
Trong khi đó, 2 nhà sản xuất khác là VinFast và Selex Motors lại đang nhắm tới con đường "bán sỉ" thông qua việc cung ứng xe điện cho các dịch vụ giao nhận và vận tải hành khách. Chiến lược này sẽ giúp nhà sản xuất phủ được thị trường với tốc độ nhanh hơn, phù hợp với những đơn vị có khả năng sản xuất, cung ứng lớn.
Đầu tiên, phải nhắc đến Selex Motors với định hướng ngay từ đầu về chiến lược sản xuất xe điện phục vụ giao vận.
Nói về lý do lựa chọn lĩnh vực logistic - vận tải để tập trung khai thác, đồng sáng lập kiêm CEO Selex Motors Phước Nguyên cho biết: "Giao thông vận tải là lĩnh vực sẽ chấp nhận chuyển đổi sang xe điện đầu tiên và sớm nhất. Xe điện có rất nhiều ưu điểm phù hợp với nhu cầu di chuyển. Cụ thể, giao thông vận tải là lĩnh vực sử dụng nhiều phương tiện giao thông nhất, thải ra nhiều khí thải nhất và người dân cũng quan tâm đến vấn đề tiết kiệm chi phí. Chính vì vậy công ty tập trung vào lĩnh vực này".
Tháng 11/2022, tại Nhà máy sản xuất ở Gia Lâm (Hà Nội), Selex Motors đã tổ chức thành công lễ ra mắt Hệ sinh thái xe máy điện tối ưu cho giao vận đầu tiên tại Đông Nam Á. Đồng thời, công ty cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với Lazada Logistics để đưa vào hoạt động ít nhất 100 xe trong năm 2023.
Ngoài bắt tay với Lazada Logistics – đơn vị tiên phong trong lĩnh vực Logistics Thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam, cũng trong sự kiện, Selex Motors đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Denso Vietnam về việc phát triển và kinh doanh giải pháp giao vận đồ đông lạnh sử dụng xe máy điện.
Với chiến lược và tầm nhìn trở thành hệ sinh thái xe máy điện tối ưu cho giao vận, Selex Motors phải chọn một hướng đi rõ ràng cho sản xuất ngay từ đầu.
Thứ nhất, dòng xe công ty sản xuất - Selex Camel có những đặc điểm, thiết kế đặc thù phù hợp với việc vận chuyển hàng hóa.
Selex Camel có khả năng chịu tải vượt trội với sự cải thiện 50% về trọng lượng hoặc thể tích so với đối thủ gần nhất. Tải trọng tối đa 225 kg và có thể tích hợp với các thùng hàng có kích thước khác nhau. Khung và gương xe có thể kéo dài để chứa thùng hàng lớn hơn và đảm bảo an toàn cho người lái.
Thứ hai, xây dựng và vận hành hoàn chỉnh hệ sinh thái xe máy điện cho giao vận bao gồm: Xe - Pin - Trạm đổi.
VinFast mặc dù thương mại hóa các dòng xe máy điện đã lâu nhưng gần đây cũng cho thấy động thái nhắm vào "đơn hàng sỉ" bằng việc cung ứng xe điện cho dịch vụ xe ôm công nghệ “xanh”. Đây là dịch vụ tiếp theo ra mắt thị trường của GSM – công ty bán/cho thuê xe điện và dịch vụ taxi điện do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập.
"Xe ôm điện công nghệ VinFast là một phần kế hoạch hoạt động của Taxi Xanh SM. Chúng tôi đã hoàn thiện kế hoạch và giao diện. Cũng giống các ứng dụng khác, chúng tôi phục vụ các dịch vụ giao hàng, xe ôm và taxi chạy bằng xe điện VinFast, tất cả được tích hợp cùng ứng dụng là Taxi Xanh SM. Xe ôm điện công nghệ sẽ được ra mắt trong thời gian tới ", đại diện VinFast thông tin.
Mới đây, CEO công ty GSM - Nguyễn Văn Thanh đã có bài chia sẻ về vấn đề này trên trang cá nhân. Theo ông Thanh, lĩnh vực gọi xe công nghệ đã không còn xa lạ với đời sống hiện đại, quy mô lĩnh vực này tại Việt Nam hiện ước tính đạt 3 tỷ USD vào năm 2022 và lên đến 5 tỷ USD vào năm 2025, tỷ lệ tăng trưởng kép là 21%.
Trong đó, sớm nhất có lẽ là Grab với việc gia nhập thị trường gọi xe công nghệ từ 2014. Sau 9 năm, các ứng dụng đặt xe, ứng dụng giao hàng, gọi đồ ăn… nằm trong danh mục không thể thiếu trên màn hình điện thoại của đa số người dân tại các thành phố lớn.
Tuy nhiên, nhiều cái tên cũng đã đến rồi lại đi như Uber, Fastgo Vato… để lại thị phần hiện được định hình chủ yếu bởi các tay chơi lớn như Grab, Be, AhaMove hay Gojek và trong 5 năm qua những cái tên này hầu như chưa có nhiều thay đổi.
Vậy gọi xe công nghệ bằng xe máy điện có phải là một "Game Changer" (người thay đổi cuộc chơi) hay không? Có thể thấy, bất kể một ngành nghề nào lâu đời cũng cần có sự thay đổi. "Game Changer" là một thứ gì đó mới, làm thay đổi các quy trình hoặc khái niệm truyền thống và từ đó làm thay đổi thứ tự đã thiết lập. Xe điện chính là nhân tố cần thiết để làm nên chuyện này, vị CEO cho hay.
Việc các ứng dụng lớn trên thế giới như Grab, Uber, Gojek, Kakao Mobility, Didi hay Ola đã bắt đầu có sự chuyển mình với các dự án riêng cho xe điện, cũng như có lộ trình cho sự chuyển dịch này chính là minh chứng cho câu trả lời trên.
"Xanh SM - Tân binh mới trong ngành liệu có phải là một Game Changer?", CEO Nguyễn Văn Thanh tự đặt câu hỏi với doanh nghiệp do chính mình điều hành.