Giáo dục Nhật tụt hậu so với Âu, Mỹ do ngân sách trợ cấp quá thấp mà tư nhân hóa lại kém?

27/07/2016 15:56 PM | Kinh doanh

Do trợ cấp chính phủ thấp, tiền quyên góp tư nhân cũng thấp, cơ chế lại cứng nhắc.

Tháng 1/2013, ngay sau khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nhậm chức, ông lập ra Hội đồng Giám sát Cạnh tranh (ICC) chịu trách nhiệm nghiên cứu ra những cách thức nhanh và hiệu quả nhất để tăng tính cạnh tranh của các ngành mũi nhọn của Nhật vốn đã có phần suy yếu trong những năm gần đây.

Trên thực tế, ở thời điểm đó, nhiều các tập đoàn, công ty sản xuất của Nhật đã buộc phải âm thầm thoái lui trên nhiều thị trường điện thoại thông minh, máy tính bảng khi đương đầu với sự cạnh tranh khốc liệt từ Apple của Mỹ, Samsung Electronics của Hàn Quốc và nhiều hãng điện thoại thông minh giá rẻ của Trung Quốc.

Đối với nhiều sản phẩm khác như pin hay tấm năng lượng mặt trời, Nhật cũng thua Trung Quốc dù trước đó nó từng là thế mạnh của Nhật.

Sau nhiều đợt tìm hiểu, điều tra, ICC kết luận rằng chất lượng giáo dục ngày một đi xuống chính là nguyên nhân khiến sức mạnh cạnh tranh của các ngành công nghiệp Nhật sụt giảm mạnh.

Kết quả xếp hạng năm 2013 – 2014 của Times Higher Education cho thấy trong nhóm 100 trường đại học tốt nhất thế giới, chỉ có 2 trường của Nhật. Trong số 200 trường đại học tốt nhất thế giới, cũng chỉ có 5 trường của Nhật.

Nếu tính hẹp hơn trong nhóm 10 trường đại học tốt nhất châu Á, Nhật có 2 trường trong khi đó Trung Quốc có 2, Hàn Quốc 3, Hồng Kông 2 và Singapore 1.

Với quan điểm tăng cường sức mạnh của giáo dục đại học cũng là củng cố cho sức mạnh dân tộc, Thủ tướng Abe đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ phải có 10 trường đại học Nhật được vào top 100 của thế giới. Tuy nhiên mục tiêu này được cho là khó khả thi.

Chắc chắn không ít người đặt ra câu hỏi vậy làm cách nào mà châu Âu cũng như Mỹ có nhiều trường đại học tốt hơn Nhật? Một nguyên nhân quan trọng chính là việc chính phủ các nước này trợ cấp cho giáo dục nhiều hơn Nhật rất nhiều.

Tại Phần Lan, nơi có chất lượng giáo dục được coi như tốt nhất thế giới, từ khi học mầm non cho đến học sau đại học, sinh viên đều không phải đóng học phí. Chính phủ chịu tất cả mọi loại chi phí giáo dục. Sinh viên thậm chí không cần phải đóng phí đầu vào, tiền ăn trưa và sách vở.

Trong số 28 nước thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trung bình chính phủ các nước chi khoảng 1% GDP cho giáo dục. Đan Mạch và Phần Lan đứng đầu với mức chi tiêu khoảng 1,6% trong khi đó Nhật đứng thứ 2 từ dưới lên với mức chi chỉ khoảng 0,5% GDP. Đứng cuối danh sách là Chile với mức chi tiêu tương đương 0,3% GDP.

Tại Mỹ, chính phủ Mỹ chi tiêu khoảng 1% GDP – tương đương với mức trung bình của OECD. Tuy nhiên chi phí giáo dục công của Mỹ không chỉ đến từ chính phủ mà còn đến từ ngân sách của các bang.

Học phí đại học tại các trường đại học tư của Mỹ cực kỳ cao. Theo số liệu của báo cáo “Những trường đại học tốt nhất năm 2010” do US News & World Report công bố, mức học phí trung bình của 53 trường đại học tư lớn nhất tại Mỹ trung bình khoảng 36 nghìn USD/năm. Những trường đại học công có 2 mức học phí, đối với những người có cha mẹ sống trong bang, học phí là khoảng 9000 USD/năm, đối với người có cha mẹ sống ngoài bang, học phí là 25 nghìn USD/năm.

Như vậy đồng nghĩa với việc một sinh viên Mỹ đi học tại chính trường thuộc bang mà cha mẹ người đó sống sẽ trả mức học phí cao gấp đôi sinh viên đại học quốc lập ở Nhật và cao hơn khá nhiều so với mức học phí của sinh viên châu Âu.

Tuy nhiên dù là đại học quốc lập hay tư thục, các trường đại học Mỹ đều có ký túc xá riêng nơi sinh viên có thể sống ổn định với mức chi phí không quá cao. Chính vì vậy dù học phí cao nhưng chi phí ăn uống và ở lại thấp.

Ngoài ra là rất nhiều chương trình học bổng cao dành cho sinh viên giỏi, có những sinh viên xuất sắc còn được miễn học phí. Bởi vì chính phủ Mỹ giảm thuế đối với các khoản quyên góp cho trường đại học, thế nên số lượng các cá nhân đóng góp không hề nhỏ.

Vậy nên nếu so ra tương đương, đại học châu Âu và Mỹ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn so với Nhật và vì thế họ có nhiều ngân sách để đầu tư hơn cho việc cải thiện chất lượng giáo dục và nghiên cứu để cạnh tranh trong các bảng xếp hạng đại học toàn cầu.

Tại nhiều nước khác ở châu Á, kể cả những nền kinh tế mới nổi, chính phủ các nước dành nguồn vốn rất dồi dào để phát triển các trường đại học. Ngoài ra, nguồn vốn đó đến từ chính phủ, doanh nghiệp, các quỹ khuyến học và gia đình giàu có.

Trong khi đó tại Nhật, không những nguồn ngân sách mà chính phủ dành cho giáo dục thấp hơn mà số tiền quyên góp từ các nguồn tư nhân cũng thấp hơn so với châu Âu và Mỹ bởi dù đã là tiền quyên góp nhưng khoản tiền đó không được miễn thuế. Thiếu tiền, các trường đại học Nhật gặp khó trong việc cải thiện chất lượng nghiên cứu cũng như giành được thứ hạng cao hơn trên các bảng xếp hạng toàn cầu.

Ngoài ra, cơ chế khá cứng nhắc của các trường đại học Nhật cũng cản trở các cá nhân xuất sắc có thể học vượt tuổi vượt cấp. Chính vì vậy, hiếm có ai đạt được hàm giáo sư khi họ chưa đến 40 tuổi. Đó là còn chưa kể đến việc mức lương họ nhận được nhiều khi không phản ánh đúng trình độ thực.

Mỗi năm giáo sư đại học ở Mỹ nhận được mức lương khoảng 200 nghìn USD cho 9 tháng làm việc (không tính nghỉ hè). Nếu trong những tháng mùa hè họ tham gia nghiên cứu, tổng thu nhập hàng năm của họ có thể lên đến 260 nghìn USD/năm. Ngay cả một trợ giảng mới tốt nghiệp PhD được vài năm cũng có thể có được mức lương 100 nghìn USD/năm.

Sự khác biệt giữa đại học Mỹ và đại học Nhật cũng giống như sự khác biệt giữa đội tuyển bóng chày Nhật và Mỹ. Tại Nhật, nhiều đội bóng chày tồn tại được chủ yếu nhờ vào thuê tài năng ngoại. Nhiều đội bóng chỉ bắt đầu có thành tích cao khi họ ký hợp đồng với một cầu thủ sắp nghỉ hưu của Mỹ với mức lương hàng trăm triệu yên mỗi năm. Chính vì vậy, nếu ai đó muốn lương cao thì hãy phấn đấu vào cho được đội tuyển Mỹ rồi sau đó mới quay về Nhật để hưởng mức lương cao đột biến.

Theo nhiều quan chức Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao và Công nghệ Nhật, dường như họ tin rằng chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại các đại học Nhật có thể được cải thiện nếu mỗi trường tự theo đuổi mục tiêu cải tổ của riêng họ.

Thế nhưng điều đó có lẽ là không đủ nếu mức lương các trường trả vẫn thấp như hiện nay, không đủ hấp dẫn để những giáo sư giỏi của Nhật quay trở về nước hoặc thu hút thêm nhiều giáo sư Mỹ, châu Âu đến Nhật giảng dậy.

Nếu muốn thuê một giáo sư Mỹ có thành tích giảng dạy và nghiên cứu tốt đến Nhật làm việc, trường đại học ở Nhật sẽ phải trả tối thiếu 300 nghìn USD mỗi năm.

Cũng chính bởi vì thiếu tiền mà tỷ lệ giáo sư nước ngoài tại các trường đại học Nhật hiện vẫn còn rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 10% vốn đã trở nên rất phổ biến tại Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến việc chắc chắn sẽ xảy ra không ít xung đột nếu một giáo sư từ nước ngoài nhận lương cao gấp 3 lần giáo sư Nhật làm cùng một vị trí.

Như vậy có thể thấy rằng ngay từ một việc tưởng như khá đơn giản là tuyển dụng thêm giáo sư nước ngoài để tăng tính đa dạng cho môi trường học thuật Nhật mà Nhật còn khó làm, vậy khó mà mơ đến việc sẽ cải tổ được toàn diện giáo dục Nhật nhằm nâng được xếp hạng toàn cầu.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM