Không điểm số, không thời khóa biểu, hãy xem người Đức giáo dục trẻ em khác biệt như thế nào

04/07/2016 19:23 PM | Sống

Ngôi trường độc đáo của Berlin này đã và đang làm gì để truyền lửa sáng tạo cho học sinh?

Anton Oberländer là một nhà diễn thuyết non trẻ có khả năng mê hoặc khán giả. Năm ngoái, trong một lần cậu cùng nhóm bạn thiếu tiền đi cắm trại ở Cornwall, Anton đã cố gắng nói chuyện với người phụ trách đường tàu sắt quốc gia Đức để xin vài vé tàu miễn phí cho cả nhóm. Khả năng thuyết phục cùng độ bạo dạn của Anton cuối cùng đã khiến họ ấn tượng đến nỗi mời luôn cậu bé về diễn thuyết cho hơn 200 nhân viên công ty.

Sự tự tin cùng khả năng đáng kinh ngạc của cậu bé Berlin này phần lớn là nhờ nền giáo dục cậu được thừa hưởng từ ngôi trường độc đáo đang theo học. Tại trường của Anton, học sinh sẽ không bị chấm điểm cho đến khi 15 tuổi. Chúng cũng không phải tuân theo bất cứ thời khóa biểu hay quy tắc nào mà học sinh các trường thông thường phải tuân theo. Chính các học sinh sẽ tự mình chọn các môn chúng muốn học và thời điểm chúng muốn làm bài kiểm tra.

Chương trình học ở trường mới đọc lên có thể là một cơn ác mộng với những ông bố bà mẹ kiểu mẫu. Lựa chọn môn học chỉ giới hạn trong các môn Toán, tiếng Đức, tiếng Anh, khoa học xã hội và một số khóa phụ trợ như “trách nhiệm” hay “thử thách”. Trong khóa thử thách, học sinh tuổi từ 12 đến 14 sẽ được đưa cho 150 euro (tương đương 167 USD) và phải tham gia một cuộc thám hiểm mà chính chúng phải tự mình lên kế hoạch. Một số chọn lái xuồng kayaking, một số khác lại đến nông trại làm việc. Anton thì chọn đi du ngoạn dọc bờ biển miền nam nước Anh.

Nguyên lý đằng sau cách giáo dục này rất đơn giản: Khi mà yêu cầu của thị trường lao động đang thay đổi, smartphone và internet đang cách mạng hoàn toàn cách con người xử lý thông tin thì kỹ năng quan trọng nhất một ngôi trường có thể dạy cho học sinh của mình chính là khả năng tự tạo cảm hứng và động lực cho bản thân, theo như lời giải thích từ hiệu trưởng Margret Rasfeld.

Bà nói thêm: “Hãy nhìn những đứa trẻ 3-4 tuổi xem, chúng luôn tràn ngập trong mình sự tự tin. Thường trẻ em rất háo hức được đi học nhưng cách đào tạo hiện nay của nhiều trường lại đang làm thui chột đi sự tự tin vốn có của chúng.”

Evangelical School Berlin Centre (ESBC), ngôi trường mà cậu bé Anton theo học đang nỗ lực thực hiện thứ mà cô hiệu trưởng gọi là “định nghĩa lại cụm từ ‘trường học’”. Bà cho rằng “Sứ mệnh của một ngôi trường đào tạo cấp tiến là phải chuẩn bị hành trang để học sinh có thể đương đầu được với những thay đổi trong tương lai và thậm chí còn hơn thế là khiến chúng luôn cởi mở chào đón những thay đổi này. Trong thế kỷ 21, các trường học nên nhìn nhận vai trò của họ là giúp trẻ hình thành và phát triển những nét tính cách nổi trội trong chúng.”

Rasfeld cho rằng bắt học sinh ngồi im nghe giáo viên giảng bài 45 phút mỗi tiết rồi ép chúng cùng làm bài tập nhóm không chỉ đi chệch hướng so với những yêu cầu của thị trường lao động hiện đại mà còn khiến chúng học tập thiếu hiệu quả. Không gì có thể truyền cảm hứng và tạo động lực cho học sinh nhiều bằng việc chúng có thể tự khám phá ra ý nghĩa đằng sau những sự vật, hiện tượng mà mình muốn tìm hiểu.

Học sinh tại ngôi trường này được khuyến khích làm những thứ sáng tạo, độc đáo để chứng minh chúng đã tiếp thu được kỹ năng nào đó, ví dụ như có thể lập trình game thay vì đi thi toán. Anton, cậu học sinh chưa bao giờ sống xa nhà đã chọn tham gia một thử thách tại Cornwall và cho biết từ chuyến đi này, cậu đã học được nhiều tiếng Anh cả nhiều năm ngồi cày tiếng trong trường.


Học sinh trường ESBC

Học sinh trường ESBC

Hệ thống giáo dục liên bang của Đức rất cởi mở khi cho phép mỗi bang tự hoạch định ra phương hướng giáo dục của riêng mình và khuyến khích các mô hình tự do giáo dục phát triển. Tuy không giống các trường nổi tiếng như Sudburry, Montessori hay Steiner, trường ESBC lại hướng đến trang bị cho học sinh quyền tự quyết trong một hệ thống kỷ luật nghiêm ngặt. Những học sinh lề mề, chậm tiếp thu trong giờ sẽ phải đến trường vào thứ Bảy để được bồi dưỡng thêm, một hình thức phạt gọi là “silentium”. Rasfeld nhận định: “Càng được tự do thì chúng càng phải làm việc một cách có hệ thống và trách nhiệm.”

Lý do chính khiến ngôi trường này được mệnh danh là ngôi trường thú vị nhất nước Đức là kết quả ấn tượng từ các học sinh của trường. Liên tiếp nhiều năm liền, ESBC đều đạt thứ hạng hàng đầu trong hệ thống các trường học 3 cấp phổ thông ở Đức. Năm ngoái, các học sinh tốt nghiệp trường còn đạt mức điểm trung bình 2,0 thi abitur – hệ thống bài thi đánh giá năng lực học sinh phổ thông của Đức, tương đương với điểm B, mặc dù trước khi vào trường, 40% trong số chúng đã được khuyên là không nên theo học chương trình này.

Khi mới được thành lập vào năm 2007, ngôi trường chỉ có 16 học sinh nhưng nay con số này đã lên tới 500 cùng một danh sách dài rất nhiều thí sinh đang chờ đợi được nhập học.

Với thành công đáng ngưỡng mộ này, mô hình giáo dục của Rasfeld có lẽ nên được phủ sóng toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục lại nghi ngờ về việc liệu mô hình này có thể “xuất khẩu” được sang các nước khác không. Tại Berlin, ngôi trường có thể thu hút các học sinh xuất thân từ những gia đình tương đối khá giả và cấp tiến. Đáp lại, cô hiệu trưởng Rasfeld cho biết trường luôn hướng đến tuyển sinh học sinh thuộc mọi tầng lớp trong xã hội với các học sinh hiện tại đến từ nhiều tôn giáo và chủng tộc khác nhau.

Mặc dù ESBC là một trong số 5000 trường tư thục của Đức nhưng học phí lại chỉ ở mức khá hợp lý là 800 đến 8000 USD/năm.

Rasfeld cũng thừa nhận rằng tìm kiếm giáo viên thích nghi được với phương pháp dạy độc đáo của trường cũng khó khăn hơn việc tìm kiếm học sinh có thể theo học được phương pháp này.

Một phòng nghiên cứu cải cách giáo dục cũng đã được thành lập trong trường nhằm phát triển các học cụ cho các trường muốn theo đuổi phương châm giáo dục của ESBC. Đã có khoảng 40 trường học đang nghiên cứu đưa phương pháp này vào chương trình.

Kết lại, Rasfeld cho rằng trong lĩnh vực giáo dục, bạn chỉ có thể tạo ra thay đổi từ gốc rễ chứ không phải là những chỉ thị từ ngọn, các trường sẽ không muốn tuân theo. Bộ giáo dục cũng giống như con tàu chở dầu cỡ lớn và rất khó dịch chuyển, trong khi đó cái chúng ta cần là những chiếc xuồng cao tốc có thể tiến nhanh và làm những điều khác với quan niệm truyền thống.

Cùng chuyên mục
XEM