Tại sao trong từ điển của Đại học Harvard không có từ 'Tốt nghiệp'?

20/11/2018 08:44 AM | Kinh doanh

Cả đời này chúng ta luôn là một học sinh, luôn phải học tập những người có kinh nghiệm ở xung quanh mình, học tập đối thủ của mình, học tập những người thành công, học tập trong thiên nhiên,…

Đối với người trẻ tuổi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, học tập có nghĩa là đi học, làm bài tập, hoàn thành nhiệm vụ giáo viên giao và có thành tích xuất sắc trong các kì thi. Giả sử kì thi đối với bạn chính là có định nghĩa như thế, vậy tốt nghiệp xong có nghĩa là bạn không cần học tập nữa sao?

Đương nhiên không phải vậy. Thứ khiến bạn có giá trị không phải là việc bạn đã từng học tập ở một trường danh tiếng nào đó, mà là bạn có năng lực học tập xuất sắc, bất cứ lúc nào cũng ứng phó được với những vấn đề mới xảy ra trong cuộc sống hay trong công việc. Học tập từ trước tới giờ chưa bao giờ là việc học một mà hưởng cả đời, nó luôn luôn là một quá trình, cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời bạn mới có kết quả. Vì thế, đừng bao giờ nghĩ rằng "Tốt nghiệp" có nghĩa là năng lực của bạn bây giờ đã đủ để ứng phó với cuộc sống rồi.

Vào ngày thi cuối cùng của kì thi tốt nghiệp, tại sảnh chờ của một tòa nhà trong trường Đại học Harvard, những sinh viên năm cuối đã đứng chật kín. Đây là buổi thi cuối cùng trước khi họ tốt nghiệp, hơn nữa giáo sư nói họ có thể mang bất cứ sách hoặc vở ghi chép nào mà mình muốn vào phòng thi, chỉ có một quy định duy nhất đó là không được trao đổi với nhau trong lúc làm bài kiểm tra. Do vậy, lúc này họ tranh thủ thoải mái nói chuyện về bài thi sắp tới, cũng nói tới việc có người sớm đã tìm được việc làm, bàn tới viễn cảnh tương lai tươi đẹp. Mang theo sự tự tin có được sau bốn năm đại học cùng với thần thái trên khuôn mặt họ vừa thoải mái vừa tự tin, bất cứ ai nhìn thấy họ cũng đều cảm thấy những thanh niên trẻ tuổi này đã chuẩn bị kĩ càng để chinh phục cả thế giới.

Buổi thi bắt đầu, sinh viên nhận đề thi nhìn thấy đề mục chỉ có năm câu thuộc kiểu đề lí luận, khuôn mặt học sinh càng thoải mái hơn, thậm chí còn có chút ngạo mạn. Họ cầm đề lên chẳng chút lo lắng, nhanh chóng tra cứu tài liệu, chuẩn bị thể hiện thật tốt trong kì thi cuối cùng của cuộc đời sinh viên, đặt dấu chấm hoàn hảo cho nó.

Ba tiếng trôi qua, giáo sư bắt đầu thu bài thi. Lúc này, nhìn thần thái trên khuôn mặt các sinh viên đã không còn hớn hở như lúc đầu nữa, thậm chí tràn đầy sự chán nản, buồn bực khó diễn tả.

Tại sao trong từ điển của Đại học Harvard không có từ Tốt nghiệp? - Ảnh 1.

Giáo sư lờ đi ánh mắt của sinh viên mà bình thản nói: "Mời các sinh viên hoàn thành được năm câu giơ tay lên". Không có cánh tay nào giơ lên.

"Mời các sinh viên hoàn thành được bốn câu giơ tay lên." Vẫn không có cánh tay nào giơ lên.

Cho đến khi giáo sư nói: "Có ai hoàn thành một câu không?". Cả phòng thi im lặng, không có cánh tay nào giơ lên.

Tất cả mọi người ngay cả một câu cũng không làm được. Ngoài sự bất ngờ của sinh viên, giáo sư không hề tỏ ra thất vọng, kinh ngạc hay trách móc gì mà chỉ bình thản nói: "Đây là kết quả tôi đã lường trước được". Sau đó giáo sư mỉm cười nói tiếp: "Tôi chỉ muốn để lại cho các bạn một ấn tượng sâu sắc, cho dù các bạn đã học xong bốn năm đại học nhưng vẫn còn rất nhiều kiến thức liên quan đến môn học này mà các bạn chưa biết. Những câu hỏi các bạn không trả lời được đều có liên quan tới thực tế cuộc sống hằng ngày của các bạn. Các bạn đều sẽ vượt qua kì thi này, nhưng nhớ một điều, trong từ điển của Harvard không có từ "Tốt nghiệp", cho dù bạn đã là sinh viên tốt nghiệp rồi, nhưng sự giáo dục dành cho các bạn vừa mới bắt đầu thôi".

Giây phút giáo dục nhà trường vừa kết thúc cũng là lúc giáo dục xã hội vừa bắt đầu. Vì thế trong từ điển của Đại học Harvard chưa bao giờ có từ "Tốt nghiệp". Cả đời này chúng ta luôn là một học sinh, luôn phải học tập những người có kinh nghiệm ở xung quanh mình, học tập đối thủ của mình, học tập những người thành công, học tập trong thiên nhiên… nơi nào cũng có những kĩ năng và tri thức để cho chúng ta học tập, đâu đâu cũng có nguồn trí tuệ cần thiết cho chúng ta.

Sẽ có một ngày bạn phát hiện ra, khi tồn tại trong thế giới thực này, xã hội sẽ đánh giá xem bạn có năng lực cạnh tranh không, chứ không nhìn xem thành tích của bạn ở trường thế nào, cũng không xem học lực của bạn cao đến đâu, mà để ý tới năng lực giải quyết vấn đề của bạn. Thứ năng lực này phụ thuộc vào khả năng học tập và tư duy lâu dài của bạn. Giả sử bạn ngừng việc học tập lại, thỏa mãn với kĩ năng và tri thức hiện tại của mình, vậy thì cũng có nghĩa là bạn đã từ bỏ khả năng để bản thân mình tiến bộ, cũng có nghĩa là bạn có thể sẽ bị xã hội loại bỏ.

Tại sao trong từ điển của Đại học Harvard không có từ Tốt nghiệp? - Ảnh 2.

Cô Whitman hàng xóm trước đây của tôi từng là sinh viên tốt nghiệp từ một trường Y danh tiếng, sau khi tốt nghiệp cô trở thành bác sĩ nha khoa. Thu nhập của cô khá ổn, mỗi tuần chỉ làm việc bốn ngày với mức lương cả năm lên tới 200.000 USD. Cô rất hài lòng với công việc hiện tại của mình, do có trình độ tay nghề cao vì thế cô cho rằng mình không cần học thêm gì cả, ngày tháng cứ thế này trôi đi chẳng phải rất tốt sao?

Nhưng có một hôm cô cảm thấy ngón tay mình rất đau, cô không đi gặp bác sĩ ngay cũng không tìm hiểu nguyên nhân mà cứ để cho cơn đau thất thường này tự do phát triển. Cuối cùng, đến một ngày cô đau đến mức không thể chịu được thì mới đành đi gặp bác sĩ ngoại khoa. Bác sĩ kết luận rằng cô mắc bệnh viêm khớp rất nghiêm trọng, sau này e rằng không thể làm bác sĩ nha khoa được nữa – một công việc đòi hỏi có bàn tay khéo léo.

Nhưng tốt nghiệp đã nhiều năm như vậy, ngoài làm nha sĩ ra cô không có kiến thức hay kĩ năng của nghề nào khác cả. Cô muốn tới trường trung học dạy học nhưng nhà trường thông báo với cô rằng cô không có kiến thức liên quan tới giáo dục hay tâm lí học, hơn nữa kiến thức của cô đều đã lỗi thời, không theo kịp với sự phát triển của thời đại, vì thế rất tiếc không thể mời cô cộng tác giảng dạy cho trường được. Cuối cùng, Whitman đành tới quán cà phê làm phục vụ, thu nhập giảm đi nhiều, không thể bắt kịp được với xã hội của chúng ta.

Tôi nghĩ, cô Whitman khi tốt nghiệp đã không được tham gia một tiết học sâu sắc như kia, cũng không có ai nói cho cô ấy biết tốt nghiệp không có nghĩa là kết thúc việc học. Bất kể bạn có kĩ năng chuyên ngành hay kĩ năng cuộc sống tốt đến đâu đều không nên hài lòng với với hiện tại, mà phải không ngừng mở rộng kho kiến thức của mình, khiến cho năng lực cạnh tranh của mình càng ngày càng mạnh chứ không phải càng ngày càng mai một đi.

Vì thế, bất kể bây giờ bạn đã tốt nghiệp hay chưa cũng nhất định phải ghi nhớ rằng, tốt nghiệp không có nghĩa là kết thúc việc học tập, mà là bắt đầu quá trình học chuyên sâu hơn, chúng ta buộc phải dành nhiều thời gian hơn để học một kĩ năng nào đó hoặc kĩ năng mới khác, cố gắng thử sức làm những việc mình chưa từng làm. Nếu ngừng học tập thì bạn có thể sẽ trở nên giống câu chuyện của cô Whitman đấy.

* Nội dung trích cuốn sách "Khi bạn đang mơ thì người khác đang nỗ lực", tác giả Vĩ Nhân.

Mai Lâm

Cùng chuyên mục
XEM