Tại sao TikTok lại đi sản xuất smartphone? Đáp án hóa ra không đơn giản là vì lợi nhuận
Nhiều công ty phần mềm đã cố gắng và thất bại trong việc sản xuất và bán điện thoại, nhưng "con kỳ lân công nghệ" khổng lồ của Trung Quốc này có thể đang ấp ủ một kế hoạch lớn hơn.
Facebook, Amazon và nhiều công ty phần mềm khác - ngoại trừ Google - đã cố gắng và thất bại trong việc xâm nhập vào thị trường điện thoại thông minh. Nhưng các vết xe đổ đó không ngăn được ByteDance, công ty công nghệ mới nổi ở Trung Quốc, muốn thử sức mình.
ByteDance là công ty phát triển ứng dụng video ngắn Douyin (hay TikTok) và ứng dụng tổng hợp tin tức Toutiao. Mặc dù công ty còn khá non trẻ, nhưng sự thành công nhanh tới mức chóng mặt của con kỳ lân công nghệ này đã khiến các đối thủ lớn phải kiêng dè. Và mới đây, công ty đã hé lộ việc tung ra thị trường mẫu điện thoại thông minh đầu tiên của mình tại Trung Quốc. Các thỏa thuận cho thấy công ty đã có được bằng sáng chế và tổ chức nhân sự từ Smartisan, một công ty điện thoại đang gặp khó khăn.
Nhưng chính sự lựa chọn này đã khiến nhiều người nghi ngờ. Bởi Smartisan là thương hiệu vốn không mấy nổi tiếng. Chưa kể tới việc thị trường smartphone ở Trung Quốc hiện đang rất khốc liệt. 90% thị trường này hiện đang bị 5 công ty điện thoại lớn xâu xé, chỉ còn 10% để lại cho các nhà sản xuất nhỏ hơn vật lộn sinh tồn.
Nhưng ByteDance không quá lo lắng, bởi vì nhờ thành công ở lĩnh vực phần mềm, công ty này có đủ tiền mặt dự phòng để tham gia đặt cược vào ván bài này. Trong vòng gây quỹ mới nhất, công ty đã nhận được 1,3 tỷ USD. Gần đây nhất, ByteDance cũng đã bỏ tiền mua Judedeck, một startup phát triển phần mềm âm nhạc do AI tạo ra.
Điện thoại thông minh đầu tiên của ByteDance mang thương hiệu Smartisan.
Quay trở lại vấn đề điện thoại thì việc đưa ra smartphone mới của riêng mình rõ ràng là một cách hữu hiệu (dù tốn kém) để ByteDance tạo ra một nền tảng thử nghiệm riêng cho các ứng dụng của mình. Điện thoại Smartisan mới có các phím tắt để hiển thị Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok và cho phép người dùng áp dụng các bộ lọc và hiệu ứng TikTok trên video.
Mặc dù vậy, đây rõ ràng không phải là tính năng đắt giá tới mức đủ khiến người dùng chuyển sang yêu thích chiếc điện thoại mới này. Rất nhiều kinh nghiệm trong quá khứ đã chỉ ra rằng các nỗ lực thay đổi cách người dùng tương tác với điện thoại, đều dễ gặp rủi ro.
Một trong những ví dụ minh họa điển hình là Facebook. Công ty mạng xã hội này đã hợp tác với HTC để đưa nền tảng chung Facebook Home lên sản phẩm của công ty điện thoại Đài Loan. Cụ thể, trên chiếc HTC First, giao diện của nó được thiết kế với phương châm "đặt Facebook vào mọi thứ bạn làm và nhìn thấy". Nhưng kết quả của nó tệ hơn dự kiến. Các kỹ sư của Facebook cũng thừa nhận đây là một sai lầm. Cả điện thoại và Facebook Home đều rơi vào quên lãng ngay sau khi chúng ra mắt năm 2013.
Amazon Fire.
Amazon Fire Phone ra mắt năm 2014 cũng đã phải chịu một số phận tương tự. Giám đốc điều hành Jeff Bezos cho biết công ty của ông đã quyết định xây dựng một chiếc điện thoại dựa trên câu hỏi: "Nếu chúng ta sẽ tạo ra một chiếc smartphone X, nó sẽ khác biệt như thế nào? Làm thế nào để nó tốt hơn?"
Kết quả cuối cùng cho thấy người dùng không mặn mà với sản phẩm này của Amazon. Trên thiết bị này, ứng dụng Firefly cho phép người dùng chụp ảnh sản phẩm hoặc sử dụng micro để nghe nhạc và phim để có thể hướng họ đến danh sách sản phẩm có liên quan của Amazon. Bạn cũng có thể ngay lập tức mở ứng dụng Amazon lên bằng cách nút nhấn chuyên dụng. Nhưng cuối cùng nó cũng có doanh số rất ảm đạm.
Nhưng với ByteDance thì khác. Có lẽ mục đích cuối cùng của công ty Trung Quốc này không phải là sản xuất điện thoại, mà là phân nhánh sang kinh doanh các phần cứng khác.
Wu Dezhou, cựu giám đốc của Huawei, người hiện đang lãnh đạo Smartisan, nói rằng nhóm của ông cũng đang làm việc về một phần cứng liên quan tới giáo dục. Hy vọng cuối cùng là hợp nhất các thế mạnh của ByteDance trong lĩnh vực video và chuyên môn công nghệ của Smartisan để tạo ra các sản phẩm mới.
Trước đó, đại diện ByteDance cũng không đặt nặng kỳ vọng vào việc kinh doanh điện thoại của mình. Chia sẻ với Reuters hồi tháng 7, công ty cho biết smartphone chỉ là một phần trong kế hoạch phát triển.
"Trong những năm qua, chúng tôi đã chứng kiến sự đầu tư ngày càng tăng vào kinh doanh phần cứng từ các doanh nghiệp phần mềm và Internet hàng đầu", nhà phân tích Ethan Qi của Counterpoint cho biết. "Tôi nghĩ ByteDance chỉ đi theo xu hướng này và họ có khả năng khai thác các loại thiết bị khác ngoài điện thoại thông minh, trong tương lai gần."
Trên thực tế, nếu bạn là fan cuồng của TikTok và muốn trải nghiệm chiếc smartphone của nhà sản xuất ứng dụng này, đó có thể là một việc khó khăn. Bởi ByteDance nói rằng chiếc điện thoại chỉ dành riêng cho các khách hàng ở Trung Quốc.