Tại sao Quảng Ninh 2 năm liên tiếp vượt mặt 63 tỉnh thành phố, giữ ngôi đầu bảng về năng lực cạnh tranh?
"Năm 2018 tỉnh đã nỗ lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, từ đường bộ, đường biển đến hàng không tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp kinh doanh", ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.
Bí quyết của Quảng Ninh
Theo xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2018 công bố sáng 28/3, Quảng Ninh tiếp tục là địa phương đứng đầu cả nước với mức điểm 70,36/100.
Trong 10 chỉ số thành phần PCI, Quảng Ninh đã cải thiện được các mặt, đơn cử: tiếp cận đất đai (tăng 1,34 điểm), tính minh bạch (tăng 0,14 điểm), chi phí không chính thức (tăng 0,99 điểm), cạnh tranh bình đẳng (tăng 0,67 điểm)...
"Tỉnh Quảng Ninh đã rất quyết liệt trong thời gian qua", ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh tự hào nói bên lề sự kiện.
Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề cải cách hành chính và cải thiện cơ sở hạ tầng.
"Quảng Ninh đã đề ra các chỉ tiêu hết sức cụ thể trong lĩnh vực cải cách hành chính, tiếp tục vận hành hiệu quả trung tâm hành chính công từ tỉnh đến huyện. Chúng tôi cũng tăng cường chính quyền điện tử cấp độ 3 và 4 để đơn giản hoá tối đa thủ tục cho người dân, doanh nghiệp", ông nói. Nhờ vậy, việc kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh được xử lý nhanh gọn với chi phí thấp nhất.
"Tương lai tỉnh sẽ phấn đấu để tiếp nhận và xử lý hồ sơ ngay tại chỗ", ông Thắng nhấn mạnh.
Năm 2018 cũng là năm mà Quảng Ninh đã nỗ lực trong việc hoàn thiện các cơ sở hạ tầng. Theo đó, tỉnh đã khánh thành đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
"Ngày 3/4 tới đây, chúng tôi sẽ khởi công tuyến cao tốc cuối cùng của tỉnh, kết nối Vân Đồn với Móng Cái", ông Thắng cho biết và nhấn mạnh rằng Quảng Ninh đã sẵn sàng hạ tầng cả đường bộ, đường biển, và hàng không, phục vụ tối đa cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Việc điều hành của các cấp chính quyền tỉnh cũng có nhiều thay đổi, theo ông Thắng, nhằm tăng cường tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn cho doanh nghiệp. Nếu như trước đây, việc hỗ trợ doanh nghiệp thường ở thế "bị động" thì nay, lãnh đạo tỉnh đã chuyển sang "chủ động", lắng nghe những tâm tư, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
"Chúng tôi thông qua các chương trình như Cà phê buổi sáng, Cà phê doanh nhân, các hội thảo theo từng lĩnh vực. Việc nói chuyện một cách cởi mở đã giúp doanh nghiệp dễ dàng góp ý, bày tỏ nguyện vọng với chính quyền", ông nói và nhấn mạnh nhờ điều này, các chính sách khi đưa ra có tính thực tế, ứng dụng cao, giải quyết được nhiều vấn đề đang tồn tại.
Mặt khác, Quảng Ninh cũng quán triệt tinh thần gắn tránh nhiệm của những người đứng đầu các Sở, ngành địa phương trong việc thực thi các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân. "Điều này đảm bảo cho chính sách đi vào cuộc sống, tạo lợi ích trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng", ông Thắng cho biết.
Chúng tôi vẫn phải cố gắng nhiều
Nhờ có sự đổi mới trong điều hành, kinh tế Quảng Ninh đã có nhiều bứt phá mạnh mẽ. "Năm 2018 tỉnh đã hoàn thành xuất sắc bộ chỉ tiêu kinh tế xã hội với 11/11 chỉ tiêu hoàn thành và vượt mức", Phó Chủ tịch Quảng Ninh hào hứng chia sẻ.
Trong đó, đáng kể nhất là tốc độ tăng GRDP 2018 của Quảng Ninh đạt 11,1%, "cao nhất trong 6 năm trở lại đây". Ngân sách của tỉnh cũng tăng cao với con số 40.500 tỷ đồng, tăng 11% so với dự toán, trong đó, thu nội địa đạt trên 30.500 tỷ, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 5.100 USD/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 1,2%.
Nhưng Quảng Ninh vẫn còn nhiều chuyện phải làm, ông Thắng cho biết. Theo ông, dù đứng đầu trong danh sách xếp hạng PCI nhưng tỉnh mới chỉ đạt số điểm hơn 70/100, hàm nghĩa dư địa cải cách vẫn còn rất lớn. Môi trường cạnh tranh theo đó vẫn còn phải tiếp tục cải thiện.
Trong chỉ số thành phần chỉ số PCI 2018 của tỉnh, chỉ số gia nhập thị trường, chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp... của tỉnh đã bị giảm điểm nhẹ.
"Sẽ có những hội thảo để ‘soi’ cụ thể vào các chỉ số thành phần nhằm đưa ra các giải pháp cải thiện cụ thể", ông Thắng khẳng định và cho biết tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng để năm 2019 và các năm tiếp theo, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Quảng Ninh tiếp tục bứt phá.
Ví dụ, để giảm chi phí không chính thức, hay còn được biết đến với tên gọi "phí bôi trơn" – điều mà hầu hết các doanh nghiệp rất quan tâm, Quảng Ninh sẽ tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao kỷ luật, kỷ cương và ngăn ngừa nhũng nhiễu, tham nhũng vặt một cách tối đa.
"Tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao trình độ nghiệp vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức", ông Nguyễn Văn Thắng nói và nhấn mạnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục hoàn thiện để phục vụ doanh nghiệp năm sau tốt hơn năm trước.