Tại sao quả bóng tại các kỳ World Cup luôn khác nhau?
Dưới góc nhìn khoa học, mọi thay đổi trên quả bóng đều ít nhiều ảnh hưởng và gây ra những vấn đề khi sử dụng.
Tại sao mỗi kỳ World Cup ta lại có một quả bóng khác nhau?
Câu hỏi đã được John Eric Goff, giáo sư vật lý tại Đại học Lynchburg và tác giả cuốn sách "Gold Medal Physics: The Science of Sports" giải đáp.
Hóa ra những thay đổi trên quả bóng không bao giờ hoản hảo, thậm chí còn gây ra nhiều vấn đề khi sử dụng trong các trận đấu.
Đây là quả bóng đá truyền thống với các lớp da màu đen hoặc trắng may bên ngoài cùng. Nhưng đó không phải quả bóng sử dụng trong World Cup. Tại sao lại như vậy?
Trước hết, một trong những yếu tố quan trọng nhất của quả bóng đá là hình dạng càng tròn càng tốt.
Ngày xưa, quả bóng đá có 20 miếng da hình lục giác và 12 miếng da hình ngũ giác. Chúng được ghép vào nhau để tạo ra quả bóng xấp xỉ hình cầu nhất có thể.
Nhưng từ World Cup 2006 tổ chức tại Đức, đã có nhiều cách sáng tạo hơn để tạo ra hình cầu của quả bóng.
Theo Business Insider, công nghệ mới của Adidas giúp tạo ra quả bóng với ít miếng ghép hơn. Nhưng vấn đề nghiêm trọng đã xảy ra. Do ít mảnh ghép nên các đường may và phần gờ cũng ít hơn khiến bề mặt quả bóng trơn hơn.
Teamgeist, quả bóng chính thức của World Cup 2006 tổ chức tại Đức
"Khi quả bóng quá trơn, sức cản không khí sẽ tăng lên khiến cảm giác đá chẳng khác gì quả bóng trên bãi biển", John cho biết.
Đó là điều đã xảy ra với quả bóng Teamgeist tại World Cup 2006. Các cầu thủ liên tục phàn nàn quả bóng không đi theo quỹ đạo như ý muốn. Đến năm 2010, Adidas đã thêm một số họa tiết giúp bề mặt quả bóng nhám hơn. Nhưng vấn đề liệu có được giải quyết?
World Cup 2010 tại Nam Phi có quả bóng mới mang tên Jabulani
Quả bóng Jabulani của World Cup 2010 tiếp tục thất bại bởi nó không đủ độ "cầu". Khi đá quả bóng ở tốc độ nhất định, bạn sẽ thấy nó đột ngột giảm tốc độ trong khi bay.
Tại World Cup 2014, Adidas đã làm cho quả bóng ít mảnh ghép hơn. Dù ít hơn 2 mảnh ghép nhưng tổng chiều dài đường gờ trên Brazuca dài hơn 68% so với Jabulani. Đó là lý do giúp quả bóng năm 2014 vẫn có độ cầu nhất định nhưng bay xa hơn quả bóng năm 2010.
Còn năm 2018 thì sao?
Đối với quả bóng năm nay, tổng chiều dài đường gờ đã dài hơn 30% so với Brazuca. Theo thử nghiệm, Telstar 18 có đặc điểm tương tự Brazuca nhưng có thể không bay xa trong những cú đá tốc độ cao.
Chung quy lại thì câu hỏi được đặt ra trước mỗi kỳ World Cup là tại sao quả bóng lại được thay đổi sau mỗi mùa giải?
Thực chất việc thay đổi quả bóng không giúp đỡ cầu thủ hay chính giải đấu.
"Tôi nghĩ nguyên nhân chính là tiền", John khẳng định.
Quả bóng tại World Cup 2018 có giá bán đến 124 USD, cao hơn nhiều so với 20 USD cho các quả bóng đá thông thường.
Nhưng công bằng mà nói quả bóng năm nay có nhiều công nghệ tiên tiến. Các mảnh ghép được ghép bằng nhiệt giúp chống thấm nước, bên trong quả bóng gắn chip NFC giúp kết nối với ứng dụng trên smartphone cung cấp nhiều thông tin thú vị.