Tại sao những người siêu giàu vẫn kiếm tiền không ngừng?

22/05/2021 16:00 PM | Kinh doanh

Tại một thời điểm nhất định, dù bạn có hẳn một triệu USD cũng không thể mua được một số thứ. Đó là khi bạn đang muốn gặt hái thêm những thứ có giá trị hơn thế nữa.

Khi số lượng triệu phú và tỷ phú xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết trên thế giới thì sẽ ngày càng có người kiếm được nhiều tiền hơn. Số tiền họ kiếm được nhiều hơn mức tiêu xài trung bình, hoặc thậm chí họ còn có thể ăn những bữa ăn đắt tiền.

Tuy nhiên, ở một mức độ giàu có nhất định, một số tỷ phú sẽ không đột ngột thay đổi lối sống thường ngày của họ. Dù cho mọi người đã có trong tay những điều mà họ mong muốn, nhưng điều gì đã khiến họ vẫn tiếp tục theo đuổi nó?

Khi tìm hiểu, tôi nhận được nhiều lời giải thích khá hay sau khi nói chuyện với một vài người. Họ dành một lượng thời gian đáng kể để gặp gỡ hoặc nghiên cứu về những người thực sự giàu có. Michael Norton, một giáo sư tại trường Đại học Harvard, người đã nghiên cứu về mối liên hệ giữa hạnh phúc và sự giàu có. Ông đã có một mô hình đặc biệt để thể hiện rõ hơn về mối liên hệ này.

Norton nói rằng: "Nghiên cứu này thường chỉ ra 2 câu hỏi trọng tâm. Cụ thể, mọi người thường tự hỏi bản thân mình khi muốn xác định liệu họ có phù hợp với một cái gì đó trong cuộc sống, chẳng hạn: Tôi có đang làm việc này tốt hơn trước đây không? Hay tôi có làm tốt hơn những người khác không? Điều này ngoài áp dụng với sự giàu có, còn có thể áp dụng với sức hấp dẫn, chiều cao, hoặc những thứ khác mà mọi người đang chú tâm tới."

"Nhưng vấn đề là có nhiều thứ thực sự quan trọng trong cuộc sống này rất khó đo lường được. Chính vì vậy, nếu bạn muốn trở thành những bậc phụ huynh tốt, thì khá khó để biết hiện tại bạn có làm tốt trách nhiệm của mình hơn một năm trước hay không. Và cũng rất khó để biết được bạn có làm cha mẹ tốt hơn hàng xóm xung quanh hay không", ông nói thêm.

Vì vậy, người ta thường chuyển hướng so sánh có thể đo lường được. Norton nói: "Tiền là một thứ rất tuyệt vời. Thay vì muốn biết tôi có làm tốt công việc đó hơn trước đây hay không, thì tôi sẽ đặt ra câu hỏi dễ hơn: Tôi có kiếm được nhiều tiền hơn không? Nhà của tôi có rộng hơn không? Hoặc tôi có nhiều nhà hơn trước đây hay không?"

Bản năng đo lường và so sánh mọi thứ sẽ không mất nếu mọi người không có một số tiền đáng kể. Vấn đề ‘Tôi có làm tốt hơn trước đây không?’ chỉ có một hướng, đó là hướng đi lên. Nếu một gia đình tích lũy được 50 triệu USD và chuyển đến một khu phố có những người kiếm rất nhiều tiền (hoặc hơn), thì họ sẽ cảm thấy cuộc sống của mình khá là bình thường. Điều này khiến họ dễ chịu hơn rất nhiều so với việc so sánh với các đồng nghiệp kiếm được hàng chục triệu USD như trước.

Norton nghiên cứu được những hiện tượng trên là không đáng có. Trong một bài báo được xuất bản vào đầu năm nay, ông cùng các cộng sự đã hỏi hơn 2,000 người có tài sản ròng ít nhất là 1 triệu USD (bao gồm cả những người giàu có tài sản ròng vượt xa ngưỡng 1 triệu USD). Ông hỏi về mức độ hạnh phúc của họ trên thang điểm từ 1 đến 10, và họ cần bao nhiêu tiền để đạt được đến thang điểm 10. Norton nói: "Tất cả các câu trả lời trong phạm vi thu nhập-giàu có về cơ bản, mọi người đều nói họ cần nhiều hơn gấp hai hoặc ba lần so với số tiền hiện có để hạnh phúc trọn vẹn."

Lý do khiến những người siêu giàu nhưng vẫn kiếm tiền không ngừng? - Ảnh 1.

Norton đã tìm ra những người giàu đó ở đâu? Trong nghiên cứu cụ thể này, một ngân hàng đầu tư đã kết nối ông với một số khách hàng có giá trị tài sản ròng cao. Nhưng Norton cũng nói với tôi rằng trước đây, ông đã hỏi ý một nhóm các triệu phú Hà Lan sẵn sàng trả lời những câu hỏi của các nhà nghiên cứu. Ông cũng đã khiến họ trở nên giàu có hơn trong quá trình nghiên cứu này. Cụ thể, trong một nghiên cứu, Norton và các cộng sự đã trả cho mỗi người khoảng 46 euro cho mỗi một lần họ hoàn thành câu hỏi. Ông nói: "Bạn có thể thực hiện một cuộc khảo sát với những người bình thường với giá 1 USD."

Giáo sư Jeffrey Winters nói rằng ngoài sự so sánh xã hội, những người thực sự giàu thường có động lực kiếm nhiều tiền hơn thông qua sự hồi hộp đi kèm với ý định nhân số tài sản hiện có bằng cách đầu tư, mua lại các doanh nghiệp,... Ông nói thêm: "Đối với những người làm công ăn lương và đang cố gắng chi trả cho các khoản chi tiêu như: tiền vay, bảo hiểm y tế, tiền ăn uống, các khoản phát sinh trong học phí cho con cái,... thì đó là những người đang kiếm tiền để trả cho các khoản chi tiêu trong cuộc sống. Trong khi đó, những người siêu giàu lại "dùng tiền của mình để kiếm tiền. Đó là một cách thú vị và giúp ta nâng cao được vị thế của mình."

Hai cách tiêu tiền trên thể hiện được một bên là cách trang trải chi phí, bên còn lại là cách xây dựng khối tài sản ngày một lớn hơn. Kèm theo đó, 2 cách trên có một điểm khác nhau đó là về lợi nhuận. Winters nói: "Giả sử bạn muốn có một chiếc du thuyền khổng lồ cùng với 6 dinh thự được đặt ở 6 nơi trên thế giới, bạn thường sẽ tạo ra tất cả thứ đó một cách thoải mái với vài trăm triệu USD. Nhưng sẽ khác nếu mục tiêu của bạn là tiếp tục tích lũy, khi đó "không có con số nào là đủ với bạn". Ông nói thêm: "Trong tất cả những tỷ phú mà tôi từng nói chuyện, có khá nhiều người cực kỳ phấn khích trước mỗi khoản tiền tăng thêm mà họ kiếm được."

Một chuyên gia khác mà tôi đã tham khảo ý kiến, Brooke Harrington, giáo sư tại trường Copenhagen Business, người đã nghiên cứu và viết về các hoạt động tài chính của giới siêu giàu. Cô nói rằng câu hỏi mà nhiều người giàu hay tự hỏi về tiền của họ là Tôi có đủ tiền để mua những thứ đắt tiền mà tôi muốn không? Nhưng đúng hơn là Tôi có nhiều tiền hơn những người tôi đang so sánh không?

Cô đã gửi một email cho tôi: "Cảm giác ‘sung túc’ không phải là thực hiện được ước mơ thời thơ ấu là mua một du thuyền hoặc một cái gì đó. Cảm giác giàu có là khi bạn so sánh được với những người khác trong một nhóm thảo luận. Vì vậy, câu hỏi không phải là những gì cá nhân muốn mua, mà là những gì họ cảm thấy họ phải mua để duy trì được vị thế của mình."

Tiểu thuyết gia Gary Shteyngart đã được trải nghiệm tận mắt cách người giàu nghĩ gì về sự giàu có. Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết được xuất bản vài tháng trước của ông, Lake Success, là một nhà tài chính ở New York. Trong quá trình nghiên cứu cuốn sách, Shteyngart đã vun đắp tình bạn với hơn chục nhà đầu tư giàu có khác, chủ yếu là nam giới. Họ nói rằng họ dị ứng với việc chạy quảng cáo và thuê giám đốc tài chính để quản lý khối tài sản lớn của gia đình mình. Ông nói với tôi: "Họ đã đạt được đến mức có tất cả số tiền mà họ thực sự cần để chi trả cho mọi thứ, những thứ họ có thể mua không quá đắt so với những gì họ có. Một chiếc máy bay mới nhất của Tesla, tôi không biết giá của nó là bao nhiêu, nhưng nó sẽ không quá đắt tiền nếu bạn có 100 triệu USD."

Một điều mà Shteyngart nhận ra sau khi dành thời gian cho những người giàu là tính cạnh tranh của họ. Ông nói: "Họ cạnh tranh với nhau trên thiết bị Bloomberg cả ngày và sau cuối ngày, họ vẫn có thể chơi poker để cạnh tranh lẫn nhau". Tinh thần cạnh tranh này cũng được lan tỏa ngay cả trong những khoản quyên góp mà họ đã thực hiện cho các tổ chức. Shteyngart suy đoán rằng đằng sau sự cạnh tranh này là những nhu cầu có vẻ thông minh hơn và có năng lực hơn so với các đồng nghiệp. Các nhà quản lý quỹ dự phòng có thể trở nên giàu có bằng việc thực hiện một hoặc hai phi vụ cá cược nhờ vào sự may mắn của họ. Điều này có thể khiến họ cảm thấy được đánh đố trí thông minh, ngay cả khi tiền cũng được xem là bằng chứng cho sự thành công của họ.

Shteyngart cũng chứng kiến những nhà quản lý quỹ dự phòng thường sử dụng kiểu so sánh xã hội mà Norton và Harrington đã mô tả, coi tiền như một "thẻ ghi điểm". Ông nhớ lại một trong số họ đã nói một vài điều như "Chúng tôi không có danh sách về các giải thưởng sách bán chạy nhất. Những gì chúng tôi có ở đây là con số doanh thu cuối ngày."

Toàn bộ những trải nghiệm đều không để lại cảm nhận tốt cho Shteyngart. Ở đây, những người giàu có thể mua bất kỳ thứ gì họ muốn. Sự giàu có của họ khiến nhiều người ghen tỵ nhưng thậm chí họ vẫn chưa bằng lòng với nó. Điều này giống với những gì các nhà nghiên cứu tìm hiểu về hạnh phúc và giàu có đã dự đoán. Shteyngart nói với tôi: "Tôi rất vui khi kết thúc nghiên cứu này, vì nó khá buồn."

Mộc Dương

Cùng chuyên mục
XEM