Tại sao người Phần Lan không thích nói dối?

17/06/2020 08:53 AM | Xã hội

Tất nhiên, việc thật thà quá mức và coi trọng lời hứa dẫn đến nhiều hệ lụy đi kèm.

Đối với những người du lịch từng đến Phần Lan, chắc hẳn nhiều người sẽ nhận thấy sự thành thật luôn được đánh giá cao trong xã hội quốc gia này. Mọi người hầu như đều nói thật trong phần lớn trường hợp và sự tin tưởng lẫn nhau luôn cao trừ khi có người chứng minh được rằng ai đó không đáng tin.

"Thành thật không chỉ là đức tính mà còn là văn hóa Phần Lan, ít nhất là nếu như so sánh với những nền văn hóa khác. Tại Anh, người ta thường nói rằng sự thật thà là đức tính tốt, cần được cổ vũ, nhưng tại Phần Lan, người dân nói sự thật hầu như mọi lúc", Giảng viên Johannes Kananen của trường đại học Helsinki-Phần Lan đánh giá.

Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất về sự thật thà của người Phần Lan là phần lớn đồ đánh rơi tại đây đều có thể tìm lại mà chẳng ai lấy cắp. Chuyên gia Natalie của trường đại học Aalto University cho biết người dân Phần Lan có thói quen để đồ đánh rơi lên các cây gần đó để người mất đồ quay lại tìm.

Tại sao người Phần Lan không thích nói dối? - Ảnh 1.

Cách đây vài năm, một cuộc thử nghiệm đã được tiến hành khi các nhà nghiên cứu "bỏ quên" 192 chiếc ví tại các thành phố trên khắp thế giới. Mỗi chiếc ví có khoảng 50 USD đi kèm thông tin liên hệ, ảnh gia đình và danh thiếp để người nhặt được trả lại. Trong số 12 chiếc ví bị đánh rơi tại các thành phố ở Phần Lan, 11 chiếc đã được trả lại và biến những người dân nơi đây thành "kẻ thật thà" nhất thế giới.

Vậy điều gì khiến Phần Lan trở thành quốc gia chân thật nhất thế giới?

Những người Bắc Âu kiên cường

Trong nhiều thế kỷ, Phần Lan ngày nay vốn là một phần của vương quốc Thụy Điển. Trong khi những người nói tiếng Thụy Điển thuộc tầng lớp quý tộc thì những người nói tiếng Phần Lan lại thuộc tầng lớp dưới.

Phải đến năm 1809, Phần Lan mới tách ra khỏi Thụy Điển sau cuộc chiến với đế quốc Nga. Đây cũng là thời điểm mà người dân Phần Lan bắt đầu ý thức được niềm tự hào dân tộc cũng như văn hóa của mình.

Kể từ đây, những thế hệ người Phần Lan bắt đầu xây dựng hình ảnh đất nước của những con người chăm chỉ, chịu khó, vượt qua gian khổ khắc nghiệt của thời tiết và đặc biệt là có sự chân thành. Những khó khăn về vị trí địa lý khiến người Phần Lan đoàn kết và đòi hỏi sự tin tưởng lẫn nhau để cùng sống sót cũng như vượt qua thử thách.

Phần Lan là một trong những nước nằm gần cực Bắc nhất thế giới và mùa đông tại đây kéo dài đến 7 tháng với nhiệt độ vô cùng rét buốt. Khoảng 78% diện tích tại Phần Lan là rừng và hình ảnh buốt giá, tuyết rơi, cây cối là điều thường thấy tại đây. Với sự khắc nghiệt này, Phần Lan vẫn giành độc lập được từ đế quốc Nga vào năm 1917, sau đó nhanh chóng phát triển thành một nước công nghiệp sau Thế chiến II.

Tại sao người Phần Lan không thích nói dối? - Ảnh 2.

Cho đến ngày nay, Phần Lan luôn được đánh giá là một trong những nền kinh tế thịnh vượng với thu nhập bình quân đầu người cao, chỉ số hạnh phúc thuộc hàng top thế giới. Hàng loạt các chỉ số như giáo dục, cạnh tranh kinh tế, bình đẳng, chất lượng sống, phát triển con người… của Phần Lan đều đứng hàng đầu thế giới.

Để đạt được những thành tựu này bất chấp khó khăn về thiên nhiên, người Phần Lan đã xây dựng được trong cộng đồng đức tính trầm lặng, chăm chỉ và đặc biệt là sự tin tưởng lẫn nhau cùng vươn lên.

Bên cạnh đó, người Phần Lan khi tách ra khỏi đế quốc Thụy Điển đã xây dựng được cho mình một hệ thống đạo Tin lành riêng mà trong giáo lý, sự chân thật được đặt lên hàng đầu.

Tất cả những yếu tố này khiến sự chân thật trở thành giá trị cốt lõi của nhiều người Phần Lan. Tuy nhiên không phải cứ là người Phần Lan thì sẽ không nói dối. Ví dụ vào năm 2001, 6 vận động viên tiêu biểu của đoàn thể thao Phần Lan cho giải trượt băng Bắc Âu bị loại vì dính doping. Vụ bê bối này gây chấn động cả nước bởi chúng làm tổn hại đến hình ảnh một Phần Lan chân thật, chăm chỉ và kiên cường.

Trên thực tế, xã hội Phần Lan được xây dựng dựa trên rất nhiều lòng tin. Đối với người dân, chính phủ Phần Lan là những người bạn chứ chẳng phải tầng lớp thống trị, các quan chức làm việc dựa trên quyền lợi chung chứ chẳng vì lợi ích cá nhấn. Người dân Phần Lan vui vẻ trả mức thuế cao ngất ngưởng vì họ tin tưởng rằng chúng tạo nên một hệ thống phúc lợi thuộc hàng tốt nhất thế giới.

"Người dân biết rằng chẳng ai lừa họ khi thu thuế cao cả", Chuyên gia Kananen nhấn mạnh.

Lời hứa ngàn vàng

Tại Phần Lan, nếu một cá nhân trong cộng đồng bị phát hiện nói dối hoặc không đáng tin, không ai sẽ lại tin tưởng họ một lần nữa. Mặc dù có diện tích gấp 3 lần nước Anh nhưng Phần Lan lại chỉ có dân số bằng 1/10. Như một hệ quả tất yếu, 5,5 triệu người dân Phần Lan có nhiều khả năng quen biết lẫn nhau trong các cộng đồng nhỏ lẻ, qua đó hiểu được ai không đáng tin.

Dẫu vậy nếu bị đánh giá là không đáng tin thì đó chưa phải là tận thế ở Phần Lan. Nhà khởi nghiệp Gokul Srinivasan sống tại thủ đô Helsinki cho biết người Phần Lan không có thói quen nói xấu sau lưng người khác nên tin đồn bạn không đáng tin có lẽ sẽ không lan rộng. Tuy nhiên nếu có người hỏi thăm về độ đáng tin của bạn thì đó sẽ là vấn đề.

Tại sao người Phần Lan không thích nói dối? - Ảnh 3.

Không phải ngẫu nhiên mà Phần Lan được bình chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới 3 năm liền liên tiếp. Việc mọi người tin tưởng lẫn nhau, chính phủ và người dân đồng thuận khiến cuộc sống dễ thở hơn rất nhiều trong bối cảnh tuyết rơi, bầu trời xám xịt cùng những rừng cây buồn tẻ.

Người Phần Lan rất ít khi nói chuyện phiếm nhưng một khi họ đã hứa điều gì thì sẽ thực hiện chúng nghiêm túc. Họ rất coi trọng lời nói đi đôi với việc làm chứ không thích những cuộc trò chuyện vô bổ và chém gió.

Tất nhiên, việc thật thà quá mức và coi trọng lời hứa dẫn đến nhiều hệ lụy đi kèm. Đầu tiên là những cuộc tranh luận. Bởi chỉ có thể có 1 sự thật trong mọi vấn đề nên người Phần Lan sẽ có những tranh cãi xem ai đúng sai. Do đó, việc tiếp thu những ý kiến mới hay những thay đổi là điều khó khăn với nhiều người dân Phần Lan.

Trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị… sự thật chưa chắc đã là phương án tốt nhất và người Phần Lan đang phải cố quen với điều này. Suy cho cùng, họ đang phải sống trong một thế giới mà không phải lúc nào nói sự thật hay tin tưởng vào mọi người cũng là điều tốt.

AB

Cùng chuyên mục
XEM