Tại sao làm việc trực tuyến không cứu được thế giới khỏi dịch Covid-19?

21/08/2020 07:26 AM | Xã hội

Theo tính toán của các chuyên gia thuộc trường đại học Harvard, việc những chuyến công tác bị đình trệ sẽ khiến kinh tế toàn cầu mất hơn 17% GDP.

Trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, những chuyến đi công tác (Business Travel) đóng góp 1,5 nghìn tỷ USD cho thế giới, tương đương 1,7% GDP toàn cầu. Giờ đây khi đại dịch bùng phát, các nước đóng cửa biên giới, các hãng hàng không giảm chuyến bay còn khách sạn ngày càng vắng lặng, ngành kinh doanh này đang bị tổn thương nặng nề.

Dẫu vậy, những ảnh hưởng mà dịch Covid-19 gây ra không chỉ là các số liệu kinh tế hay số người thất nghiệp. Tác động của chúng còn sâu xa hơn thế nhiều.

Một nghiên cứu mới đây của trường đại học Harvard cho thấy dịch Covid-19 khiến những chuyến công tác phải hủy bỏ có tác động nguy hiểm hơn nhiều so với những con số kinh tế. Để hiểu được vấn đề, chúng ta cần giải thích tại sao mảng kinh doanh những chuyến công tác lại tăng trưởng nhanh gấp 3 lần tốc độ tăng GDP toàn cầu bất chấp hàng loạt những ứng dụng như Skype, Facetime, WhatsApp hay Zoom… ra đời.

Tại sao chúng ta không thể họp ở nhà hay nói chuyện với đối tác qua ứng dụng mà buộc phải đến tận nơi gặp mặt?

Tại sao làm việc trực tuyến không cứu được thế giới khỏi dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Sự cần thiết của đi công tác

Nghiên cứu của Harvard chỉ ra rằng có 3 loại kiến thức có thể truyền tải trong xã hội. Một là những kiến thức bắt chiếc có thể học qua máy móc, kiến thức được mã hóa qua công thức và cuối cùng là tri thức nằm sâu bên trong não bộ khiến mỗi người có một phong cách làm việc riêng tạo nên thành công cho họ.

Trong 3 loại kiến thức này, học hỏi qua máy móc hoặc công thức khá dễ nhưng việc truyền tải tri thức từ trong não bộ là điều vô cùng khó. Chúng đòi hỏi thời gian, sự lặp đi lặp lại và cả những phản hồi của người học đến người dạy.

Cũng tương tự như khi chúng ta học tiếng nước ngoài hay chơi đàn vậy. Bắt chiếc cách phát âm hay gảy đàn khá dễ, rồi ghi chép những công thức, kiến thức về cách nói hay cách chơi cũng không quá khó. Thế nhưng để học được phong cách chơi đàn hay những mẹo phát âm để tạo nên dấu ấn riêng cho bản thân thì không đơn giản. Thậm chí nếu không có sự tương tác hay uốn nắn của giáo viên, học sinh sẽ rất khó khăn trong vấn đề ghi nhận các tri thức này.

Trong cuốn sách "Outliers" của tác giả Malcolm Gladwell, ông cho rằng bình quân con người cần tốn khoảng 10.000 giờ luyện tập để có thể thành thạo một kỹ năng nào đó. Đối mặt với những khó khăn trong việc truyền tải kiến thức, các chuyến đi công tác trở thành điều tất yếu trong việc giao dịch, quản lý hay truyền đạt tri thức của những doanh nghiệp.

Số liệu của Dun&Bradstreet cho thấy có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp trên thế giới đang bị sở hữu bởi công ty nước ngoài và để vận hành chúng thì không chỉ cần số liệu hay công thức, họ còn cần cách giải quyết vấn đề theo văn hóa của công ty mẹ và điều này thì không dễ gì làm được qua các ứng dụng họp trực tuyến như Zoom.

Tại sao làm việc trực tuyến không cứu được thế giới khỏi dịch Covid-19? - Ảnh 2.

Theo báo cáo của Harvard, một trong những điểm mạnh của các tập đoàn quốc tế là họ có thể di chuyển nguồn lực trí tuệ, truyền tải kiến thức nhanh chóng đến bất kỳ chi nhánh nào mà họ muốn. Cách giải quyết vấn đề, quản lý tổ chức hay phát triển thị trường của mỗi công ty đều có dấu ấn riêng của họ và những chuyến đi công tác là một phần làm nên thành công đó.

Bên cạnh đó, những chuyến đi công tác sẽ giúp sức sản xuất, thị trường lao động và xuất khẩu của một quốc gia tăng trưởng theo khi doanh nghiệp mẹ ở nước khác cử người sang mở chi nhánh hoặc làm ăn tại quốc gia đó. Theo nghiên cứu của Harvard, những nền kinh tế nhận được nhiều tri thức nhờ các chuyến công tác của khu vực khác nhất bao gồm Austria, Ireland, Thụy Sỹ, Đan Mạch , Bỉ và Singapore.

Trong nghiên cứu của Harvard, hầu như 25 nước nhận nhiều lợi ích nhất từ các chuyến công tác của công ty nước ngoài đều không phải là quốc gia đang phát triển. Điều này cho thấy những chuyến công tác bị dừng không chỉ ảnh hưởng đến tiền bạc hay lao động mà còn tác động sâu rộng đến khả năng truyền đạt tri thức, kích thích kinh tế, nâng cao sản lượng…

Ở phía ngược lại, các quốc gia có người đi công tác nước khác nhiều nhất, hay truyền thụ kiến thức nhất bao gồm Đức, Canada, Mỹ, Anh, Hàn Quốc….

Theo tính toán của các chuyên gia thuộc trường đại học Harvard, việc những chuyến công tác bị đình trệ sẽ khiến kinh tế toàn cầu mất hơn 17% GDP, lớn hơn nhiều so với khoản đóng góp 1,7% GDP hàng năm của ngành kinh doanh dịch vụ cho các chuyến đi công tác. Những nền kinh tế chịu thiệt hại lớn nhất đương nhiên là những nước nhận nhiều kiến thức nhất từ luồng nhập cư công tác từ các quốc gia khác trước khi dịch Covid-19 bùng nổ.

Tại sao làm việc trực tuyến không cứu được thế giới khỏi dịch Covid-19? - Ảnh 3.

Làm việc từ xa không phải giải pháp?

Trong mùa dịch Covid-19, rất nhiều người cho rằng họ có thể làm việc hiệu quả mà chẳng đến văn phòng hay đi công tác, thế nhưng đây chỉ là ảo tưởng trong ngắn hạn. Lấy ví dụ như chương trình cứu trợ tài chính của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), chúng được thông qua nhanh chóng bằng các cuộc họp trên ứng dụng Webex.

Thế nhưng, những quyết định này chỉ giúp công việc bàn giấy, hành chính là nhiều trong khi những ngân hàng chi nhánh phát triển địa phương có vô số việc phải làm hơn chỉ là những cuộc họp. Họ buộc phải có mặt để xây dựng các dự án, đưa tiền đến tay người cần hay đảm bảo cho chúng vận hành trơn tru mùa dịch. Những công ty địa phương sẽ gặp rắc rối khi triển khai dự án, sửa chữa thiết bị hoặc tìm cách giải quyết các khó khăn và những vấn đề này chẳng thể làm online qua các ứng dụng như Zoom.

Theo nghiên cứu của Harvard, nền kinh tế thế giới sẽ phải trả cái giá rất đắt khi đóng cửa ngành kinh doanh các chuyến đi công tác, cụ thể là sẽ làm giảm tăng trưởng sản lượng, hạ số việc làm cũng như năng suất. Thậm chí khi ngành du lịch toàn cầu quay trở lại được bình thường, các chuyến đi công tác sẽ không còn được như trước khi nhiều người cảm thấy họp qua ứng dụng trực tuyến tiện lợi và tiết kiệm chi phí hơn đặt vé máy bay đến tận nơi bàn chuyện.

Trong mùa dịch Covid-19, những ứng dụng trực tuyến như Zoom đã khiến nhiều người lầm tưởng rằng các chuyến công tác là không còn cần thiết. Thế nhưng nghiên cứu của Harvard chỉ ra rằng cách truyền đạt kiến thức trực tiếp là một trong những yếu tố chủ chốt của thời kỳ trước khi dịch Covid-19 diễn ra và đóng cửa chúng sẽ đem lại những hậu quả khôn lường.

AB

Cùng chuyên mục
XEM