Tại sao khủng bố ngay tại Nghị viện nhưng cảnh sát Anh vẫn không chịu mang súng?
Một điều vô cùng thú vị là có tới hơn 90% cảnh sát London không mang súng theo người khi phải bảo vệ cho hơn 8,5 triệu cư dân, một điều kỳ lạ so với hệ thống an ninh tại nhiều nước Phương Tây.
Cuộc tấn công khủng bố mới đây tại thủ đô London-Anh khiến toàn thế giới phải bàng hoàng nhưng trên thực tế, các nhà chức trách Anh đã dự đoán được điều này từ trước đó rất lâu.
Năm 2016, khi hàng loạt những vụ khủng bố diễn ra ở Pháp, Đức và Bỉ, cảnh sát trưởng London đã cảnh báo rằng tình trạng tương tự sẽ diễn ra tại Anh và câu hỏi là khi nào chúng sẽ xảy ra.
Mặc dù vậy, điều vô cùng thú vị là có tới hơn 90% cảnh sát London không mang súng theo người khi phải bảo vệ cho hơn 8,5 triệu cư dân, một điều kỳ lạ so với hệ thống an ninh tại nhiều nước Phương Tây. Hầu hết lực lượng an ninh thủ đô Anh chỉ mang theo gậy, súng điện, bộ đàm... nhưng không hề mang súng bất chấp tình trạng cảnh báo khủng bố lên cao trên toàn Châu Âu.
Thực tế, chuyện này không hề có gì lạ với người dân Anh.
Tôn chỉ bảo vệ bằng sự đồng thuận
Sở cảnh sát thủ đô chịu trách nhiệm an toàn cho London được thành lập vào năm 1892 theo nguyên tắc “bảo vệ bằng sự đồng thuận” chứ không phải bằng vũ lực. Nói cách khác, cảnh sát coi mình là người bảo vệ cho dân chúng chứ không phải “đồ tể”.
Với tôn chỉ này, các nhân viên cảnh sát London thường không mang súng nhằm tránh gửi sai thông điệp đến cộng đồng và thật trớ trêu, chính điều này lại tạo nên nhiều rắc rối khó giải quyết.
Trong cuộc tấn công mới đây, dù có nhiều cảnh sát vũ trang Anh bảo vệ tòa Nghị viện nhưng kẻ tấn công chỉ bị bắn chết bởi một thành viên an ninh trực thuộc lực lượng đặc biệt, một sĩ quan đã được huấn luyện để sử dụng súng.
Chỉ đến khi vụ việc xảy ra, lực lượng an ninh London mới bố trí cho các cảnh sát mặc áo chống đạn cùng trang bị súng để tuần tra quanh hiện trường.
Tồi tệ hơn là hầu như những cảnh sát này dù mang súng nhưng hiếm khi, nếu không muốn nói là chưa bao giờ thực sự sử dụng chúng.
Một thống kê vào tháng 3/2016 của lực lượng an ninh Anh cho thấy cảnh sát khu vực Anh và xứ Wales mới chỉ bắn 7 viên đạn trong khoảng 1 năm trở lại trước thời gian đó, không bao gồm những vụ cướp cò, bắn vào các vật thể ngoài con người hoặc giết những con thú hoang nguy hiểm.
Số liệu của Inquest cũng cho thấy những nhân viên an ninh của Anh thuộc hàng “lành tính” nhất thế giới khi mới chỉ bắn chết 5 người trong cùng kỳ. Riêng tại London, cảnh sát nơi đây mới chỉ bắn chết 10 người trong vòng 10 năm qua.
Vào tháng 8/2016, một thiếu niên bị chứng hoang tưởng đã giết chết 1 du khách người Mỹ trên đường phố đông đúc ở London và nhiều cảnh sát vũ trang đã được huy động, nhưng không có một viên đạn nào được bắn ra. Thay vào đó, họ dùng súng điện để hạ gục thanh niên này.
Trong năm 2016, cảnh sát London đã có 3.300 vụ phải triển khai vũ trang nhưng không có một phát súng nào được lực lượng này bắn về phía nghi phạm. Điều này hoàn toàn trái ngược với Mỹ khi số liệu của tờ The Guardian cho thấy cảnh sát nước này đã bắn chết 1.092 người trong năm 2016.
Tất nhiên, để cảnh sát có thể hiền lành đến như vậy thì tỷ lệ sở hữu súng tại Anh cũng không hề cao. Số liệu của GunPolicy.org cho thấy chưa đến 4% người Anh sở hữu súng, trong khi bình quân mỗi người Mỹ sở hữu hơn 1 loại vũ khí nóng. Bình quân mỗi năm có hơn 30.000 người Mỹ thiệt mạng liên quan đến súng trong khi vào năm 2013, chỉ có 144 người Anh thiệt mạng do vũ khí nóng.
Phía lực lượng an ninh Anh nhận biết được tình trạng nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố sau hàng loạt vụ tấn công tại Châu Âu nhưng họ cho rằng ý thức bảo vệ cộng đồng của người dân sẽ giữ gìn trật tự xã hội hơn là để cảnh sát đem theo súng dạo quanh thành phố.
Khi anh hùng phải giải trình lý do nổ súng
Trong khi các vụ bắn súng liên quan đến cảnh sát là điều bình thường tại Mỹ thì những nhà chức trách Anh lại soi xét khá kỹ việc lực lượng an ninh nổ súng. Mỗi khi một sĩ quan Anh nổ súng, bắn chết hay làm bị thương ai đó, vụ việc ngay lập tức sẽ được chuyển đến Ủy ban khiếu nại cảnh sát độc lập (IPCC) để điều tra, xác minh.
Với một thể chế chính trị coi trọng cao quyền dân chủ, mặc dù cảnh sát bắn chết kẻ tấn công vừa qua vào Nghị viện Anh được tuyên dương là anh hùng nhưng chắc chắn vụ việc vẫn sẽ bị chuyển tới IPCC dù có thể sẽ không có cuộc điều tra toàn diện nào được diễn ra.
Tồi tệ hơn, nhiều cảnh sát cho biết họ rất miễn cưỡng đăng ký tham gia các cuộc huấn luyện vũ khí nóng bởi họ ngại phải tham gia những cuộc điều tra hàng năm trời liên quan đến những vụ việc nổ súng của bản thân trước đây.
Khảo sát của đài BBC năm 2004 cho thấy 82% số cảnh sát Anh không muốn mang theo súng khi làm nhiệm vụ.
Đại diện Bernard Hogan Howe của cảnh sát London cho rằng dường như nhiều nhân viên cảnh sát đã chứng kiến những vụ việc tồi tệ xảy ra với đồng nghiệp của mình khi buộc phải dùng súng để bảo vệ xã hội. Từ đó, những cảnh sát này có thói quen hạn chế dùng súng trong những trường hợp đáng lẽ nên sử dụng.
Trước tình hình khủng bố ngày càng gia tăng, lực lượng cảnh sát London đã tăng cường trang bị vũ khí nóng cho cảnh sát từ 2.200 người lên 2.800 người nhưng phần lớn nhân viên an ninh ở đây vẫn không đem theo súng.
Một cuộc khảo sát của BMG vào năm 2016 cho thấy chỉ có 26% số người được hỏi tin rằng cảnh sát Anh đã được chuẩn bị đầy đủ cho các cuộc tấn công khủng bố, nhưng cũng chỉ có 42% số người đồng ý việc lực lượng an ninh nên mang theo súng bên người.
Số người thiệt mạng (lam đậm) và người bị thương (xanh nhạt) do khủng bố tại Anh
Ít trang bị súng cho cảnh sát nhưng tỷ lệ tội phạm vẫn thấp
Không riêng gì Anh, một số nước trên thế giới cũng rất hạn chế cho cảnh sát sử dụng súng bắn nghi phạm. Tại Iceland, vụ một người đàn ông bị cảnh sát bắn chết năm 2013 là trường hợp đầu tiên diễn ra trong lịch sử an ninh nước này dù 1/3 số dân quốc gia này dùng súng để đi săn. Dẫu vậy, tỷ lệ tội phạm tại nước này rất thấp.
Ireland cũng không ngoại lệ khi chỉ có 20-25% số cảnh sát nước này đủ tiêu chuẩn sử dụng súng nhưng tỷ lệ tội phạm thấp hơn nhiều so với Mỹ.
Tại New Zealand, tình hình còn thú vị hơn khi chuyên gia tội phạm học John Buttle của trường đại học Auckland cho biết chỉ có khoảng chưa đến 100 cảnh sát được trang bị vũ khí và tỷ lệ nguy hiểm khi đi tuần ở đây còn thấp hơn cả đi làm nông dân.
Tại Na Uy, chính sách không mang súng cũng được áp dụng cho ngành cảnh sát khi chính phủ tin rằng an ninh phải được xây dựng trên ý thức của cộng đồng hơn là sự sợ hãi trước những cảnh sát mang súng.