Khủng bố kỹ thuật số: Mối nguy hại cho mọi quốc gia

09/03/2017 15:47 PM | Công nghệ

Tội phạm sử dụng công nghệ cao không còn đơn thuần chỉ nhắm vào những mục tiêu tài chính mà đã được xếp vào nhóm những nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của các quốc gia, ngang hàng với tấn công khủng bố, vũ khí hóa học, thảm họa hạt nhân. Chính phủ nhiều nước trên thế giới sẽ phải đặc biệt chú ý đến vấn đề này trong thời gian tới.

Những hậu quả khôn lường từ khủng bố kỹ thuật số

Khi mạng Internet đã xâm nhập sâu vào hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta, thế giới mạng không còn là thế giới ảo nữa, những con người ảo, tài sản ảo trên thế giới đó đã thành một phần của thế giới thật. Hơn nữa, với các kết nối với phạm vi không giới hạn trong mạng Internet, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này có khả năng còn vượt qua cả khủng bố ngoài đời thực.

Trên thế giới đã diễn ra nhiều hoạt động phát tán thông tin, kêu gọi khủng bố, tấn công mạng để khủng bố gây ảnh hưởng chính trị, ngoại giao, tâm lý và tổn thất cho xã hội, cộng đồng. Điển hình như các hacker đã sử dụng mã độc Stuxnet tấn công các hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA), gây đình trệ hoạt động, phá hủy hàng nghìn máy làm giàu uranium của nhà máy điện hạt nhân Busher của Iran, vụ việc được đánh giá làm chậm chương trình hạt nhân của Iran khoảng 3-5 năm.

Nhiều quốc gia trên thế giới kể cả các nước phát triển trong nhóm G7, G8, G20 đã phải hứng chịu những tổn thất hết sức nặng nề trước sự tấn công của tội phạm sử dụng công nghệ cao vào hệ thống thông tin quốc phòng, tình báo, năng lượng.

Tội phạm sử dụng mạng Internet, công nghệ cao để trộm cắp, lừa đảo, rửa tiền, buôn bán ma túy cũng diễn ra phức tạp và khó lường.Theo báo cáo của tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (INTERPOL), tội phạm sử dụng công nghệ cao gây ra thiệt hại mỗi năm khoảng 400 tỷ USD và cứ 14 giây lại xảy ra 01 vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao.

Tại Việt Nam, 2016 được ghi nhận là năm đặc biệt nóng về tội phạm công nghệ cao trên mạng Internet khi các hacker tấn công hệ thống thông tin của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và hệ thống máy chủ của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), làm trễ gần 64 chuyến bay, phát các thông điệp tuyên truyền trên các màn hình thông báo và hệ thống loa phát thông tin tại 02 sân bay trên, đồng thời tin tặc đã chiếm đoạt dữ liệu về thông tin cá nhân của nhiều khách hàng của Vietnam Airlines và tán phát trên mạng.

Thống kê của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ TT&TT cho thấy, trong năm 2016 Trung tâm này đã ghi nhận tổng cộng 134.375 sự cố tấn công mạng của cả 3 loại hình Phishing (tấn công lừa đảo), Malware (tấn công bằng mã độc) và Deface (tấn công thay đổi giao diện), tăng hơn 4,2 lần so với năm 2015.

Một báo cáo đưa ra vào năm 2014 ước tính tội phạm mạng gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 445 tỉ USD. Đầu năm 2016, một nghiên cứu khác của trung tâm Juniper Research ước tính thiệt hại do tội phạm mạng gây ra có thể lên tới 2100 tỉ USD vào năm 2019.

Thách thức cho mọi quốc gia

Trước những hậu quả và thiệt hại khôn lường của khủng bố công nghệ cao, để phòng tránh, phát hiện và loại trừ các mối đe dọa cũng như giảm thiểu rủi ro, mọi quốc gia phải đặt vấn đề an ninh bảo mật là ưu tiên hàng đầu đất nước. Lãnh đạo cấp cao phải sử dụng và tuyên truyền về bảo mật, đồng thời thiết lập ngân sách phù hợp cho hoạt động ưu tiên này.

Ngoài ra, lời khuyên từ tập đoàn công nghệ thông tin số 1 Nhật Bản Fujitsu và các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như IBM, HP, chính phủ các nước phải thường xuyên tiến hành rà soát các hoạt động bảo mật, trang bị hệ thống bảo mật đáng tin cậy, sửa chữa và kiểm soát các điểm kết nối với các hệ thống, ứng dụng, chức năng và dữ liệu; kiểm tra hiệu quả bảo mật bằng cách thiết lập các số liệu rõ ràng và sử dụng các dữ liệu này để đánh giá và cải thiện các hoạt động bảo mật.

Trên hết, mỗi cá nhân đảm nhận nhiệm vụ an toàn thông tin phải luôn nâng cao ý thích cảnh giác, cập nhật kiến thức an ninh mạng, trau dồi kỹ năng phòng chống, đối phó với các phương thức tấn công mới nhất.

Tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin của nước ta hiện vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu bảo mật thiết yếu. Ngoài ra, đội ngũ nhân lực đảm bảo cho hoạt động của hệ thống an ninh mạng cũng chưa nhận thức đúng và đầy đủ về an ninh, an toàn thông tin. Công tác phối hợp giữa các bộ ban ngành cũng cũng bộc lộ một số khiếm khuyết.

Trong thời gian tới, hệ thống mạng thông tin quốc gia, nhất là hệ thống mạng thông tin của các cơ quan, tổ chức quan trọng vẫn sẽ là mục tiêu tấn công xâm nhập của tin tặc. Nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin, lộ, lộ bí mật tổ chức sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu không có giải pháp phòng, chống hữu hiệu.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM