Tại sao hàng trăm, nghìn sinh viên Harvard tranh nhau tham dự lớp học về Triết học Trung Hoa cổ đại?

27/11/2016 11:02 AM | Sống

Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử...có thể giúp bạn vượt qua những phiền não của thế kỉ 21 ra sao?

Mối quan hệ giữa người với người bị thử thách bởi cái tôi ngất trời và tính tự cao tự đại ngày một tăng ngùn ngụt - mô tả này nghe có vẻ giống nước Mĩ của thế kỉ 21. Nó chỉ ra rằng, sẽ khó tránh khỏi bất đồng trong việc tìm ra cách tốt nhất để con người có thể sống hòa hợp cùng nhau.

Thực tế thì, xã hội mà Michael Puett, giáo sư 48 tuổi dạy lịch sử Trung Quốc ở Harvard miêu tả trước hơn 700 sinh viên đang hồi hộp lắng nghe chính là Trung Hoa Cổ Đại của 2500 năm về trước. Khóa học của Puett về đạo đức và chính trị Trung Hoa cổ điển trở thành một trong ba khóa học hàng đầu tại Harvard về số lượng sinh viên đăng ký.

Ở lần thứ hai Puett mở khóa học vào năm 2007, đã có rất nhiều sinh viên tập trung tại phòng đăng ký đến nỗi mà nhiều người phải ngồi chờ tại cầu thang và dạt ra cả hành lang. Harvard đã phải di chuyển lớp học đến hội trường Sanders, nơi rộng lớn nhất trong khuôn viên trường. Tại sao rất nhiều sinh viên dành cả một học kỳ để chìm đắm trong sự sâu sắc của triết học Trung Hoa được đưa ra luận bàn bởi những học giả sống từ hàng ngàn năm trước?

Một lí do là bởi khóa học đã đáp ứng được một trong những đòi hỏi cốt lõi đầy thử thách của Harvard là sự lý luận về đạo đức. Lớp học của Puett đã diễn tả điều đó rất rõ ràng. Sinh viên cũng bị ấn tượng bởi lời hứa “có một không hai” của vị giáo sư này: “Khóa học đó sẽ thay đổi cả cuộc đời bạn.”

Các sinh viên của ông ấy nói rằng điều đó là sự thật: Puett đã sử dụng triết học Trung Hoa như một cách truyền tải cho sinh viên các ý tưởng cụ thể, phản trực giác, thậm chí mang tính cách mạng để chỉ ra cho họ cách sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Elizabeth Malkin, một sinh viên theo học năm ngoái cho biết: “Lớp học đã hoàn toàn thay đổi quan điểm của tôi về bản thân, về các các bạn đồng trang lứa và cả cách tôi nhìn nhận thế giới.”

Puett đã làm mới những vấn đề mà các học giả phương Đông đã vật lộn từ nhiều thế kỉ trước. Ông yêu cầu sinh viên của mình đọc sâu hơn các đoạn trích nguyên gốc như Luận Ngữ của Khổng Tử, Mạnh Tử và Đạo Đức Kinh của Lão Tử rồi chủ động áp dụng kiến thức đó vào cuộc sống hằng ngày. Bải giảng của ông ấy áp dụng trong hoàn cảnh cuộc sống Mĩ hiện đại để giúp các học trò trong lứa tuổi đôi mươi - những người đang đấu tranh để tìm kiếm vị trí của mình trên thế giới - xác định được cách trở thành người tốt; cách tạo ra một xã hội tốt đẹp hay để có một cuộc sống thịnh vượng.

Puett chia sẻ, so với cách đây 20 năm khi mới bắt đầu vào nghề, ông đang thấy ngày càng nhiều sinh viên “bị thúc phải chọn hướng đi riêng để theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp cụ thể”. Một báo cáo gần đây chỉ ra số lượng sinh viên Harvard lựa chọn học chuyên ngành nhân văn tuột dốc trầm trọng trong thập kỉ vừa qua. Tài chính vẫn là ngành phổ hiến nhất đối với sinh viên Harvard. Puett thấy những sinh viên xác định rất rõ mục tiêu, kế hoạch nghề nghiệp trên thực tế, từ đó vạch sẵn mọi khóa học, thậm chí cả hoạt động ngoại khóa.

Trái với đó, ông cho rằng, luôn tính toán cẩn thận mọi việc theo kế hoạch là cách sai lầm khi phải đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào trong đời. Các nhà triết học Trung Hoa xưa thường nói, chiến lược này sẽ ngăn bạn trở nên cởi mở trước những thay đổi có thể không đi theo kế hoạch. Sinh viên sống theo kế hoạch “dễ bỏ qua những điều có ý nghĩa mỗi ngày, vốn có thể tiếp thêm sinh lực, truyền cảm hứng và đem lại cuộc sống trọn vẹn, thú vị hơn”. Mục tiêu cho khóa học này của Puett là cung cấp cho các bạn sinh viên một cách tiếp cận mới đối với mọi quyết định trong cuộc sống, từ các mối quan hệ đến sự nghiệp.

Ông ấy khuyên rằng: Những hành động nhỏ nhất để lại hệ quả sâu sắc nhất. Khổng Tử, Mạnh Tử và các nhà thông thái Trung Hoa khác đã dạy môn đệ rằng những hoạt động trần thế nhất có thể tạo nên một tác động lan tỏa. Puet hối thúc các sinh viên trở nên có ý thức hơn về bản thân, và để ý tới cách mà kể cả những cử chỉ thường ngày - như giữ cửa mở cho ai đó, mỉm cười với người bán hàng ở cửa hàng tạp hóa - có thể ảnh hưởng đến cả một ngày của chúng ta như thế nào, thông qua tác động của chúng lên tâm trạng của ta.

Cảm giác hạnh phúc sau khi chạy bộ, một cuộc trò chuyện đầy cảm hứng với một người bạn tốt, hay cơn giận chớp nhoáng thoáng qua khi ai đó chen lấn trước bạn để tới lượt trước - tất cả chúng ảnh hưởng đến cuộc sống lớn lao của chúng ta như thế nào? Thực ra, chúng ảnh hưởng toàn bộ. Từ một quan điểm triết học Trung Hoa, những trải nghiệm bé nhỏ mỗi ngày mang đến cho chúng ta vô vàn cơ hội để thấu hiểu bản thân mình.

Khi chúng ta lưu ý và hiểu được điều khiến chúng ta khó chịu, hiểu vì sao ta lại phản ứng, hiểu được cảm giác hân hoan hay giận dữ; chúng ta dần dần hình thành một ý niệm rõ ràng hơn về bản thân, từ đó giúp ta đối mặt với các tình huống mới tốt hơn.

Mạnh Tử, nhà nho sống ở thế kỉ thứ IV TCN dạy rằng: Nếu bạn trau dồi bản chất con người qua những cách nhỏ nhặt này, bạn có thể trở thành một con người phi thường với tầm ảnh hưởng đáng kinh ngạc, thay đổi cả cuộc sống của mình cũng như những người xung quanh, cho đến khi cuối cùng “bạn có thể thu phục cả thế giới trong lòng bàn tay.

Các quyết định phải được đưa ra bởi trái tim. Người Mĩ có xu hướng tin rằng con người là những sinh vật lý tính chuyên đưa ra những quyết định có tính logic bằng cách sử dụng khối óc của mình. Tuy vậy, ở Trung Quốc, “lí trí” và “con tim” là như nhau. Puett chỉ ra rằng giữa khối óc và con tim có mối liên hệ không thể lí giải được và cái này không thể tồn tại được nếu thiếu vắng cái kia. Bất cứ khi nào chúng ta phải đưa ra quyết định, từ trần tục cho đến uyên thâm (ăn gì cho bữa tối; chọn khóa học nào cho kì tới; con đường nghề nghiệp theo đuổi; quyết định kết hôn với ai), chúng ta sẽ lựa chọn tốt hơn khi thấu hiểu bản thân mình, biết cách kết hợp lí trí và trái tim, để những mặt lý tính và cảm xúc hòa làm một.

Trang Tử, một triết gia Đạo giáo khuyên rằng: Chúng ta cần tu luyện bản thân để trở nên “linh hoạt” trước cuộc sống hằng ngày hơn là đóng cửa bản thân mình trước những thứ chúng ta nghĩ như phần quyết định từ lí trí.

Giống như cách một người tập luyện dương cầm để có thể chơi những bản nhạc thật tự nhiên, chúng ta tu dưỡng bản thân mình hàng ngày để trở nên cởi mở với những trải nghiệm cũng như đối mặt với những vấn đề muôn màu muôn vẻ của cuộc sống. Khi đó, cuối cùng câu trả lời và những quyết định đúng đắn sẽ đến một cách tự nhiên từ trái tim và lí trí không hề có sự can dự của âu lo.

Các nghiên cứu gần đây về khoa học thần kinh xác nhận rằng các nhà triết học Trung Quốc đã đúng: Những thí nghiệm quét não tiết lộ nhận thức phi lí trí của ta về cảm xúc và những sự việc xung quanh mới là thứ thúc đẩy ta hành động theo hướng mà ta cứ nghĩ là lí trí. Theo Marianne LaFrance, một giáo sư tâm lý học tại Yale, nếu ta thấy một gương mặt hạnh phúc chỉ trong khoảng một phần tư giây, đó đã quá đủ để nảy nở một cao hứng nho nhỏ trong cảm xúc. Ở một nghiên cứu khác, những người tham gia chỉ được thấy thoáng qua một nụ cười, nhanh tới mức họ chưa kịp nhận thức về những gì họ chứng kiến, nhưng vô thức họ vẫn cảm thấy mọi thứ xung quanh tích cực hơn.

Cơ dẫn, tâm sẽ theo.

Hãy cư xử tử tế (ngay cả khi bạn không có cảm giác tốt lành), hay cười với ai đó (ngay cả khi bạn không cảm thấy đặc biệt thân thiện ở thời điểm đó). Những điều đó có thể tạo nên những khác biệt thực sự trong tâm trạng và hành vi của bạn, thậm chí cuối cùng là thay đổi cả kết quả của một tình huống.

Trong khi tất cả những điều trên nghe có vẻ giống những thông điệp giáo điều vớ vẩn, phần nhiều cái mà Puett truyền tải đã được công nhận như trí khôn văn hóa đã bị thất lạc trong kỉ nguyên hiện đại. “Chúng ta là những gì mà chúng ta thường xuyên làm” - Aristotle. Quan điểm đó cũng được chia sẻ bởi Khổng Tử, người đã dạy về tầm quan trọng của các nghi lễ nằm ở chỗ cách chúng khắc sâu một cảm giác nào đó ở một con người. Theo nghiên cứu đã được giới thiệu trong Khoa học Tâm lý, nhà tâm lý học xã hội Amy Cuddy và cộng sự đã phát hiện ra rằng khi chúng ta có một thế đứng quyền lực (đứng với các chân vững chãi, cánh tay vươn ra ngoài và chiếm lĩnh không gian), tư thế đó không chỉ khiến người khác nhìn nhận chúng ta tự tin và quyền lực hơn mà nó còn thực sự tạo nên một sự đột biến nội tiết tố làm chúng ta trở nên tự tin hơn.

Cuối mỗi lớp học, Puett thử thách các sinh viên của mình ứng dụng triết học Trung Hoa được học vào thực tế rõ ràng trong cuộc sống đời thường. “Các triết gia Trung Quốc chúng ta đọc chỉ ra cho chúng ta con đường để thực sự thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn từ những điều rất trần thế, thay đổi cách con người trải nghiệm và hồi đáp lại thế giới. Vì thế tôi cố gắng tiếp thu từ họ ở mức độ đó. Tôi không cố gắng rao giảng cho sinh viên của mình những lời khuyên lớn thực sự về việc phải làm chi với đời mình. Tôi chỉ muốn gợi lên trong họ một cảm tính về cái họ có thể làm hằng ngày để thay đổi cách sống.”

Các bài tập là những mẩu nhỏ như: quan sát lần đầu cách họ cảm nhận khi cười với một người lạ, giữ cửa mở cho ai đó, thử đắm chìm trong một sở thích. GS yêu cầu sinh viên ghi chép lại điều xảy ra kế đó: cách thức mỗi hành động, mỗi cử chỉ diễn ra hoặc ngôn từ ảnh hưởng đáng kể đến cách mà người khác đáp lại mình. Sau đó Puett đề nghị họ theo đuổi thêm các hoạt động họ để ý mà sẽ giúp tăng sự lạc quan và cảm giác hứng khởi. Ở phần ghi chú và thảo luận, sinh viên sẽ thảo luận điều đó có ý nghĩa thế nào đối với cuộc sống theo sự khuyên nhủ của các nhà triết học Trung Hoa.

Một khi họ đã hiểu bản thân mình rõ hơn và khám phá ra điều họ yêu thích, họ có thể làm việc sau đó để trở nên chuyên nghiệp thông qua thực tiễn phong phú và sự tự rèn luyện tu dưỡng bản thân.

Chúng ta không bị giới hạn bởi tài năng bẩm sinh của chính mình; chúng ta có đủ tiềm lực dồi dào để mở rộng khả năng của mình nếu chịu khó tu dưỡng chúng. Bạn không cần phải bị mắc kẹt làm những thứ bạn tự nhiên đã giỏi; nên tập trung sự chú ý vào điều bạn yêu và tiếp tục tiến lên từ đó.

Hãy tập trung vào thực tế hằng ngày và hiểu được những điều vĩ đại bắt đầu từ những hành động bé nhỏ nhất. Đó là những ý tưởng gốc rễ cho người trẻ sống trong một xã hội vốn chỉ quen đặt áp lực về việc phải nghĩ lớn và vươn tới sự xuất sắc. Điều đó cũng là một lí do lí giải về việc quan tâm đến triết học Trung Hoa lan tỏa ở khắp nước Mĩ chứ không riêng gì ở Harvard theo lộ trình của Giáo dục Đại học. Ai mà chẳng khao khát được quay về với phần con người bị khuất lấp trong thâm tâm?

Trang Vũ

Cùng chuyên mục
XEM