Tại sao hãng bia Heineken lại lan tỏa văn hóa "uống rượu bia không lái xe" và tổ chức "Tuần lễ không cồn", và Thiên Long hơn 20 năm đi tiếp sức mùa thi?

18/08/2024 10:10 AM | Marketing

Để đi được đường dài, các doanh nghiệp giờ đây có rất nhiều việc phải làm thay vì chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh.

Tại sao hãng bia Heineken lại lan tỏa văn hóa "uống rượu bia không lái xe" và tổ chức "Tuần lễ không cồn", và Thiên Long hơn 20 năm đi tiếp sức mùa thi?- Ảnh 1.

"Trạm không cồn" của Heineken trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: NLĐ.

Theo Báo cáo Chiến dịch CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) nổi bật trên mạng xã hội (MXH) nửa đầu năm 2024 do YouNet Media công bố, chiến dịch "Tiệc vui êm ái, thoải mái lái xe" của Tập đoàn Heineken đứng thứ 2 trong Top 20 , xếp sau chiến dịch "Sữa KUN cho em" của thương hiệu KUN.

Chiến dịch giữ ngôi quán quân diễn ra dưới hình thức mỗi lượt share bài gắn hashtag #SuaKUNchoem tương ứng mỗi hộp sữa sẽ được trao đi, thu hút tổng cộng hơn 887.700 lượt thảo luận, đạt chỉ số cảm xúc 0,8. Kết quả là nửa triệu hộp sữa đã được đưa tới cho những trẻ em vùng cao trong giai đoạn 1.

Đứng ở vị trí thứ ba là chiến dịch "Tiếp sức mùa thi 2024" của Tập đoàn Thiên Long, nối liền chuỗi 23 năm đồng hành cùng hoạt động tiếp sức mùa thi của "Vua bút bi". Nội dung chiến dịch bao gồm chia sẻ kinh nghiệm đi thi, tư vấn tâm lý, sức khỏe mùa thi, tư vấn và hướng dẫn ôn thi, cung cấp thông tin hữu ích... Chiến dịch thu hút 200.000 thảo luận và đạt chỉ số cảm xúc tuyệt đối 1,0.

Chiến dịch CSR chiếm vị trí thứ 2 của Heineken gây chú ý khi một hãng bia đi lan tỏa văn hóa "Đã uống rượu bia không lái xe", khuyến khích uống có trách nhiệm. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để Heineken quảng bá sản phẩm bia không cồn Heineken 0.0.

Hoạt động nổi bật của chiến dịch là tổ chức sự kiện để người dân trải nghiệm và kiểm chứng sản phẩm bia không cồn, bằng cách mở Trạm không cồn tại cao tốc Long Thành – Dầu Giây và Tuần lễ không cồn tại Hồ Con Rùa. Kết quả, chiến dịch thu hút hơn 334.000 thảo luận và có chỉ số cảm xúc lên tới 0,98.

Tại sao hãng bia Heineken lại lan tỏa văn hóa "uống rượu bia không lái xe" và tổ chức "Tuần lễ không cồn", và Thiên Long hơn 20 năm đi tiếp sức mùa thi?- Ảnh 2.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao Heineken phải nỗ lực duy trì các chiến dịch cổ vũ tinh thần uống có trách nhiệm, ngay cả khi Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn, hay Thiên Long suốt hơn 20 năm đều đặn đi tiếp sức mùa thi?

Chị Lại Thùy Chi - Giám đốc agency truyền thông tích hợp Chi Communications chỉ ra rằng các hoạt động CSR là cầu nối giúp doanh nghiệp tồn tại một cách hài hoà với cộng đồng xung quanh, bao gồm nhân viên, nhà đầu tư, chính phủ, đối tác, khách hàng, các cộng đồng dân cư…

"Thông qua các chiến dịch/hoạt động CSR, doanh nghiệp có thể tạo hình ảnh tốt đẹp cũng như mối quan hệ vững chắc với các bên liên quan. Hơn nữa, một doanh nghiệp có chiến lược CSR dài hạn, thay vì chỉ dừng ở các chiến dịch thành công, sẽ tạo được định hướng bền vững cho sự phát triển lâu dài, bên cạnh những giá trị về mặt tài chính và thương hiệu", vị chuyên gia phân tích.

Cụ thể, chị Chi cho biết một chiến lược CSR tốt trước hết sẽ giúp doanh nghiệp tăng giá trị thương hiệu và doanh số bán hàng, nhờ sự yêu mến và ủng hộ của người tiêu dùng. Thứ hai là tăng sự hấp dẫn với các nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh kinh doanh bền vững dần trở thành yêu cầu bắt buộc.

Không thể không kể đến việc chiến lược CSR hợp lý sẽ giúp tăng uy tín của doanh nghiệp trong cộng đồng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh doanh. Công ty cũng sẽ ngày càng giữ chân và thu hút được nhân tài, đặc biệt là thế hệ Gen Z – những bạn trẻ rất quan tâm đến các vấn đề về môi trường và xã hội.

"Chiến lược CSR còn tạo tiền đề cho các mô hình kinh doanh bền vững của doanh nghiệp, mở ra những lĩnh vực mới hoặc giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí trong những lĩnh vực hiện tại", chị Chi bổ sung.

Về mặt hình thức, trước đây các hoạt động CSR thường được doanh nghiệp tổ chức ở quy mô nhỏ và truyền thông chủ yếu qua báo chí. Nhưng hiện nay, CSR đã mang diện mạo hoàn toàn mới: năng động, linh hoạt và lan tỏa rộng rãi hơn. Trong đó, xu hướng tận dụng tối đa các nền tảng MXH như Facebook, TikTok để lan tỏa thông điệp đã giúp nhiều hoạt động CSR được ủng hộ mạnh mẽ và mang lại nhiều kết quả tích cực.

"Dù Top 20 chiến dịch CSR cho thấy nhiều cách làm truyền thông CSR hiệu quả trên MXH, nhưng hơn 90% các chiến dịch CSR vẫn chưa được truyền thông đúng cách. Chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi dữ liệu để hiểu được nhu cầu, mối quan tâm và đặc trưng của các kênh truyền thông, từ đó giúp các chiến dịch CSR lan tỏa mạnh mẽ hơn", chị Mai Cẩm Linh – Giám đốc Kinh doanh YouNet Media cho biết thêm.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM