Tại sao dân không đi đường BOT vẫn phải đóng phí? Đây là câu trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường
Trước thực trạng người dân không sử dụng dịch vụ nhưng vẫn phải gồng mình đóng phí, gây bức xúc dư luận, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã có cuộc trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.
Thưa Thứ trưởng, thời gian qua, dư luận hết sức bất bình về việc phải gồng mình giả phí dịch vụ cho dự án BOT mà mình không sử dụng như trạm Phước Tượng - Phú Gia ở Thừa Thiên Huế. Tại sao lại có tình trạng này?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát các trạm thu phí trên địa bàn toàn quốc. Về cơ bản các trạm, vị trí đặt trạm đáp ứng yêu cầu Chính phủ đề ra.
Tuy nhiên, do lịch sử để lại nên một số trạm được mở ra để thu phí hoàn vốn cho tuyến đường khác thì bây giờ thời gian thu phí không còn nhiều. Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ cho doanh nghiệp tiếp tục thu dự án đó để khi kết thúc sẽ không lặp lại dự án đó nữa.
Vừa rồi có những dự án tiếp tục xảy ra tình trạng này cũng có nguyên nhân của nó, khi xây dựng công trình cụ thể như hầm hay cầu thì phải đặt trạm thu phí tại đó.
Tuy nhiên khi đặt tại đó thì lại rất gần các trạm thu phí đã xây dựng trước đó, không đủ quy định phạm vi 70km nên chúng tôi phải dời trạm đó. Khi di dời các trạm này, chúng tôi cũng đã tính toán việc người dân đi qua đó không bị thiệt hại về mặt tài chính.
Ví dụ như hầm Phước Tượng – Phú Gia đặt ở phía Nam hầm Hải Vân, sắp tới khi làm hầm Hải Vân 2 thì chúng tôi sẽ kết hợp trạm thu phí này với trạm thu phí trước cho cả 2 dự án.
Như vậy chia sẻ 2 dự án này đáp ứng được việc không tăng chi phí cho doanh nghiệp và nhà đầu tư hoàn vốn.
Tuy nhiên, số lượng trạm thu phí BOT hiện nay tương đối dày đặc đã tác động đến xã hội, đến doanh nghiệp, người dân, Thứ trưởng nói gì về thực trạng này?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án BOT chúng tôi thực hiện theo Nghị định 108 trước đây và hiện nay là Nghị định 15, Nghị định 30. Tất cả đều có quy trình thực hiện từ lập dự án đầu tư, ký kết, thực hiện hợp đồng và quản lý dự án.
Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan đề xuất thực hiện dự án, trên cơ sở đó nhà đầu tư lập kế hoạch đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp giấy phép đầu tư sau khi xin ý kiến của các Bộ ngành, địa phương liên quan. Trong quá trình thực hiện đã đánh giá đến tác động môi trường xã hội đầy đủ.
Trong thời gian qua số lượng dự án BOT là tương đối lớn nên cũng có những yếu tố ảnh hưởng đến doanh nghiệp người dân. Vừa qua chúng tôi đã trình Chính phủ đề án tổng thể về đầu tư BOT, PPP.
Đề án tổng thể trong đầu tư BOT giai đoạn tới sẽ tập trung những gì?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Thứ nhất chúng tôi tập trung vào đầu tư các dự án có tính chất đột phá, đặc biệt tuyến cao tốc Bắc Nam.
Thứ hai nâng cấp các tuyến nối liền trung tâm kinh tế với nhau, trên cơ sở nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân cùng thực hiện theo hình thức PPP.
Thứ ba thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư hạ tầng.
Cuối cùng, chúng tôi kiến nghị Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Thông tư hướng dẫn cụ thể hơn về Nghị định 15, Nghị định 30 để thủ tục pháp lý hoàn chỉnh hơn, chúng ta có điều kiện thu hút đầu tư.
Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục truyền thông làm thế nào để người dân doanh nghiệp, thấy rằng đây là phương thức đầu tư cần thiết với đất nước. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ cùng các Bộ ngành khác đưa ra một lộ trình đầu tư hợp lý hơn, mức phí hợp lý hơn, thời gian hoàn vốn hợp lý hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trả lời về thu phí BOT
Rõ ràng nhu cầu đầu tư BOT thời gian tới rất nhiều, cần thu hút các nhà đầu tư, vậy việc đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân được Bộ Giao thông Vận tải tính toán như thế nào?
Thứ nhất, trong thời gian tới việc đầu tư các dự án BOT phải lựa chọn trên cơ sở để đảm bảo các lợi ích, trong đó là lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp để tránh tăng chi phí vận tải.
Thứ hai là tập trung đầu tư vào các tuyến để người dân và doanh nghiệp có sự lựa chọn. Tức là nếu người dân, doanh nghiệp không muốn đi vào tuyến cao tốc thì vẫn có thể đi vào tuyến đường còn lại. Như vậy có sự công bằng hơn.
Thứ ba là sẽ tập trung đưa giải pháp công nghệ mới để giảm suất đầu tư xuống. Mục tiêu là giảm mức phí xuống cũng như thời gian thu phí ngắn hơn.
Cụ thể tránh tác động tới người dân và doanh nghiệp là gì thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Sắp tới chúng tôi sẽ đầu tư vào các tuyến cao tốc là chủ yếu còn những tuyến không phải là cao tốc người dân sẽ không phải đóng phí hoặc đóng phí ở mức thấp hơn.
Đó là những cái chúng tôi đang nghiên cứu để có sự lựa chọn các tuyến đường doanh nghiệp phải đi qua.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!