Tại sao cứ phải là “công chức”?
Hãy tự hành động thay vì chờ đợi! Có như thế thì cơ hội mới “mở cửa”. Có như thế thì số lượng “ông cử bà thạc” thất nghiệp sẽ giảm đi từng ngày. Và hai chữ “công chức” sẽ nhẹ nhàng hơn trong suy nghĩ, tư tưởng mỗi chúng ta.
Cả cử nhân và tiến sĩ đều là con đẻ của ngành giáo dục nước nhà. Một đất nước muốn phát triển bền vững thì cần phải có một nền giáo dục phát triển để tạo tiền đề. Và chúng ta không phủ nhận sự cố gắng của ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và trên đại học.
Mọi chủ trương, chiến lược cơ bản là tốt, có điều trong quá trình thực hiện lại không như mong đợi khi mà ngành giáo dục sản sinh ra quá nhiều trường đại học, sản xuất ra quá nhiều cử nhân, tiến sĩ. Trong số đó phần lớn đều chung một ước mơ: “Công chức Nhà nước”. Để rồi, một hệ quả trước mắt mà ai ai cũng thấy đó là nạn thất nghiệp và chạy chức chạy quyền. Và ở đây tác giả chỉ đề cập đến nạn thất nghiệp – sự lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Dù rằng, mỗi cá nhân, tập thể quan niệm về công việc công chức khác nhau. Có người muốn ổn định theo quan điểm truyền thống khi cho đó là công việc nhẹ nhàng, không áp lực, lương cao so với năng lực bản thân bỏ ra. Nhưng có người muốn làm công chức nhà nước với tham vọng lớn về công danh, sự nghiệp, và cũng có người theo đuổi vì đó chính là niềm mơ ước lớn từ nhỏ...
Như thế có nghĩa là, mục đích chân chính, lý tưởng sống của mỗi người có được là không bao giờ có sẵn cả và cũng không bao giờ giống nhau khi đòi hỏi sự tích lũy của mỗi người từ quá trình học tập ở trường lớp cũng như trường đời. Tức là vốn sống “tự có” của mỗi người khác nhau và tư tưởng, lập trường cũng khác nhau.
Dẫn giải cho điều đó khi tôi trò chuyện với người bạn thân hiện đang công tác ở phòng Phát triển Kinh doanh của một Công ty cổ phần lớn ở Đà Nẵng về chuyện công chức thời nay thì bạn tôi có phút trải lòng: “Nơi tôi sinh sống vẫn là một xã nghèo, vùng quê nhiều khó khăn, ấy vậy mà một số cán bộ xã khi đó vẫn còn tư tưởng cục bộ, ăn chặn của dân… Và tôi muốn vươn lên bằng con đường học tập để sau này có thể xin vào làm nhà nước để đại diện cho tiếng nói của nhân. Tôi muốn được dấn thân vào sự nghiệp chính trị hơn là con đường kinh doanh. Bởi, bên cạnh mơ ước nhỏ nhoi đó thì chỉ có “nó” mới thõa mãn sự nghiệp công danh của tôi, chính “nó” mới giúp tôi ít nhiều góp tiếng nói dù ít hay nhiều về chính sách có lợi cho dân, chính “nó” là bệ đỡ giúp tôi là đại diện tiếng nói của nhân dân.”
Tất nhiên, có thể nhiều người trách những người như vậy “đứng núi này trông núi nọ”, hay “kén cá chọn canh” khi có công việc tốt cũng như cơ hội tốt mà không nắm lấy. Có, họ vẫn nắm đó chứ. Có điều “cái nắm” của họ không chặt. Không, không ai hiểu hết được cả, bởi mỗi con người có một khúc riêng, một lối đi riêng và lối đi đó có được trải thảm đỏ hoặc chông gai thì đó cũng một phần do chính họ lựa chọn.
Cũng có thể mọi người dù ở vị trí này, vị thế kia để trách móc những người trong số thất nghiệp kia. Nhưng có lẽ cũng không ít người đồng tình với tôi rằng: “Dù làm công việc này, công việc kia mà không đúng, không phù hợp với sở trường, ngành nghề mình yêu thích thì làm sao con người ta có thể thả toàn bộ cái tâm của mình cho công việc”. Có điều, việc những “ông cử bà thạc” ra lò quá nhiều, với một tần suất dày, mà ai ai cũng muốn “gắn” cho mình một cái mác “công chức”, kể cả không thể “gắn” thì vẫn cứ chờ đợi cơ hội! Để rồi, rất nhiều, thậm chí là vô số người bỏ lở cơ hội từ bên ngoài, thậm chí không cần quan tâm đến các lĩnh vực, ngành nghề bên ngoài đó. Liệu điều đó có phải là hướng đi đúng trong thời đại Công nghiệp hóa – hiện đại hóa?
Trong nhịp đập của thời buổi kinh tế thị trường này, bất kỳ ai trong mỗi chúng ta cũng có thể tự tìm lấy cho mình một hướng đi mới, cách làm mới để phát triển bản thân chứ không nhất thiết là phải gắng kiếm lấy một chân “công chức, viên chức” nhà nước.
Tại sao cứ phải là công chức, viên chức nhà nước? Câu hỏi đó tuy không mới, nhưng nó đã, đang và sẽ là vấn đề nhức nhối trong thị hiếu việc làm của đại đa số những người theo nghiệp “đèn sách”. Để rồi hệ quả hơn 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp và con số đó vẫn tăng lên hàng ngày, hàng giờ sẽ trở thành gánh nặng xã hội nếu chúng ta không giải quyết khôn khéo vấn đề này.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp – mạch máu của nền kinh tế, những người đang từng ngày từng giờ tạo ra của cải vật chất, tạo nên sự tăng trưởng bằng những cách làm mới và tư duy mới. Các doanh nghiệp về cơ bản đã hiểu được 3 vấn đề cơ bản để tồn tại và phát triển là: Sản xuất cái gì? Sản xuất bằng cách nào? Sản xuất cho ai? Đây chính là tín hiệu đáng mừng từ các doanh nghiệp, bởi ít ra họ cũng đã, đang tìm ra công thức tồn tại cho chính bản thân mình. Không gì có thể tốt hơn từ chính nội lực doanh nghiệp và nội lực từ chính bản thân mỗi người. Và mỗi “ông cử bà thạc” thất nghiệp cần hiểu và nắm bắt lấy cơ hội.
Bởi thế, số hơn 225.000 “ông cử bà thạc” kia nên bớt ảo tưởng về hai từ “công chức” đi. Thay vào đó hãy chọn cho mình một công việc có đường hướng phát triển ở lĩnh vực kinh tế tư nhân. Bởi đây chính là thời buổi kinh tế thị trường, hội nhập phát triển.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Một đất nước đang đẩy nhanh, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì sẽ có rất nhiều cơ hội cho mọi người thử sức bản thân ở lĩnh vực mới.
Luận bàn đôi điều như vậy để mỗi chúng ta đều có thể thấy được phần nào vai trò, trách nhiệm của bản thân với chính bản thân mình, gia đình mình và cao hơn đó là xã hội. Bởi vì dù công chức nhà nước, hay một doanh nhân, một người làm kinh tế bình thường, hay một anh công nhân lành nghề… cũng đều là một thực thể xã hội, và trong hoạt động của họ cũng đều góp sức mình đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội, vì sự tiến bộ của xã hội cả.
Hãy tự hành động thay vì chờ đợi! Có như thế thì cơ hội mới “mở cửa”. Có như thế thì số lượng “ông cử bà thạc” thất nghiệp sẽ giảm đi từng ngày. Và hai chữ “công chức” sẽ nhẹ nhàng hơn trong suy nghĩ, tư tưởng mỗi chúng ta.