Tại sao các quốc gia đói nghèo châu Phi lại xua đuổi nhân viên cứu trợ của những tổ chức phi chính phủ?

20/07/2016 15:20 PM | Kinh tế vĩ mô

Thời điểm hiện nay khá nhạy cảm tại Kenya khi chính phủ nước này đang tạo áp lực để ép hàng nghìn nhân viên phi chính phủ người nước ngoài rời khỏi Kenya.

Mới đây, một tình nguyện viên nước ngoài tại Kenya đã đăng ảnh dòng suối nhỏ đầy rác tại khu ổ chuột Nairobi-Kibera lên Instagram với lời bình luận: “Hãy tưởng tượng nguồn nước của bạn là như thế này. Tổ chức Shofco (một trong những tổ chức phi chính phủ-NGO lớn nhất tại Châu Phi) đang cố gắng để thay đổi điều này tại Kibera”.

Bức ảnh này đã nhận được hàng nghìn lượt bình luận và hầu hết là những lời chỉ trích.

“Lần sau hãy tìm hiểu cho kỹ trước khi đưa ra những tuyên bố thiếu tính tôn trọng cộng đồng như vậy”, ông Octopizzo, một nghệ sĩ hip hop từ Kibera nói.

Ông Octopizzo cũng khẳng định bức ảnh trên chụp trên là từ một miệng cống và sẽ chẳng có người dân Kenya nào sử dụng chúng.

“Nơi đầu tiên những người da trắng tìm đến tại đây là các khu ổ chuột. Nhưng họ quên rằng, Kenya không cần sự giúp đỡ của họ nếu điều duy nhất họ thấy ở đất nước này là rác rưởi”, một bình luận khác viết.

Rõ ràng, bức ảnh của Madonna đã phản tác dụng khi nhận được sự chỉ trích từ cộng đồng mạng. Thời điểm hiện nay khá nhạy cảm tại Kenya khi chính phủ nước này đang tạo áp lực để ép hàng nghìn nhân viên phi chính phủ người nước ngoài ra khỏi Kenya.

Chính phủ Kenya nói...

Kenya là một thuộc địa cũ của Anh và cũng là trung tâm lớn nhất tại Châu Phí cho các tổ chức chức từ thiện cũng như NGO. Tuy nhiên, tâm lý phản cảm trước quan điểm “những người cứu rỗi da trắng”- cho rằng những người da trắng có đặc quyền hơn bởi họ đến là để giúp Kenya- đang khiến người dân bản địa nơi đây bài xích các nhân viên NGO da trắng.

Trong vài tuần qua, chính phủ Kenya đã chỉ trích cộng đồng NGO quốc tế khi hạn chế thuê người dân bản địa và bất công trong việc trả lương giữa người da trắng với người địa phương.

Quốc gia Châu Phi này có khí hậu thời tiết không quá khắc nghiệt, chính trị ổn định và tỷ lệ người biết nói tiếng Anh cao do từng là thuộc địa của Anh đã thu hút rất nhiều tổ chức NGO, tình nguyện viên và tổ chức từ thiện quốc tế.

Theo Cơ quan điều hành NGO (NGO Coordination Board) của Kenya, nước này hiện có khoảng 12.000 nhân viên NGO đang làm việc tại đây.

Dẫu vậy, Kenya cho rằng các nhân viên NGO này không đóng góp được nhiều cho đời sống người dân như mong đợi.

Một báo cáo của NGO Coordination Board cho thấy những nhân viên NGO nước ngoài tại đây được trả lương cao gấp 4 lần so với mức bình quân của các đồng nghiệp người địa phương tại Kenya. Tuy nhiên, những nhân viên này không hề có ý định truyền đạt kinh nghiệm hay kiến thức để những nhân viên địa phương tiếp quản vị trí mà lại xác định công việc tình nguyện như một “nghề” có thu nhập cao.

Giám đốc của NGO Board, ông Fazul Mahamed nói: “Bạn không thể bảo với tôi rằng Kenya không có một ai đủ năng lực để lấp khoảng trống của các nhân viên NGO nước ngoài. Chúng tôi có rất nhiều người có đủ trình độ để làm ở những vị trí đó và họ cần được ưu tiên để được tuyển dụng vào các NGO.”


Có sự bất bình đẳng thu nhập giữa những nhân viên NGO?

Có sự bất bình đẳng thu nhập giữa những nhân viên NGO?

Theo ông Fazul Mahamed, Kenya hàng tháng đã phải chi khoảng 1,8 triệu Shilling (gần 18.000 USD) để trả lương cho các nhân viên NGO nước ngoài và số tiền này đáng lẽ sẽ giúp ích được nhiều hơn cho đất nước nếu thuê lao động bản địa.

Trước đây, Kenya đã quy định các NGO phải có lý do khi thuê người nước ngoài làm nhân viên cho các vị trí và chứng minh được rằng họ đang đào tạo các lao động địa phương để tiếp quản những vị trí này trong tương lai. Dẫu vậy chính phủ thường không quá khắt khe với quy định này trước đây, nhưng tình hình đã dần thay đổi.

NGO Board cho biết sẽ thu hồi giấy phép của bất kỳ tổ chức nào không chứng minh được lý do họ thuê người nước ngoài hoặc thậm chí trả lương bất công giữa người địa phương và nước ngoài.

Chính phủ cũng sẽ không cấp giấy phép lao động cho các nhân viên nước ngoài trừ khi NGO chứng minh được không có người bản địa nào đảm nhận được vai trò đó. Các chương trình tình nguyện cũng sẽ bị kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo số lao động địa phương ít nhất sẽ ngang bằng số tình nguyện viên nước ngoài.

Trước những phản ứng trên, nhiều nhân viên NGO nước ngoài cho rằng mức lương mà họ nhận được đang bị cường điệu thái quá và hoàn toàn phù hợp với thu nhập trong ngành. Hơn nữa, những nhân viên này cũng đem lại nhiều cơ hội việc làm cũng như phát triển một số ngành bị “bỏ rơi” bởi chính quyền địa phương, như chăm sóc y tế, trường học hay một số dịch vụ khác.

Trong năm 2015, những ngành trên đã đóng góp khoảng 160 tỷ Shilling (1,5 tỷ USD) cho nền kinh tế Kenya.

Dẫu vậy, mức sống chênh lệch giữa những người nước ngoài này và người dân bản địa đang tạo nên nhiều tranh cãi.

Kenya là một nước với 42% số dân sống trong cảnh nghèo đói và tỷ lệ thất nghiệp là 20%. Trong khi đó, những nhân viên nước ngoài được sống trong các khu nhà tử tế, được gửi con học ở các trường quốc tế riêng, có lái xe riêng, thuê người dọn dẹp và nấu nướng...một mức sống mà tầng lớp trung lưu tại đây cũng phải mơ ước.


Trang Twitter của NGO Board đăng những quy định thắt chặt quản lý nhân viên nước ngoài tại Kenya

Trang Twitter của NGO Board đăng những quy định thắt chặt quản lý nhân viên nước ngoài tại Kenya

Các NGO nói...

Theo giáo sư Jennifer Brass của trường đại học Indiana-Mỹ, một chuyên gia nghiên cứu về các NGO tại Kenya, dù còn một số tranh cãi về mức sống và tiền lương của những nhân viên nước ngoài nhưng không thể phủ nhận các NGO đã tạo nên những mảng dịch vụ công mà chính phủ Kenya không làm được.

Tổ chức NGO CSRG tại Kenya cho biết những quy định thắt chặt lao động nước ngoài chỉ để nhằm che mắt dân chúng bởi người dân không phải là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.

CSRG cho rằng các tổ chức NGO quốc tế đang bị chính phủ Kenya chèn ép do những tổ chức này dám tố cáo chính phủ về những vụ cưỡng bức, bắt cóc, giết người, tra tấn trong xã hội liên quan đến lợi ích chính trị.

Đặc biệt, thái độ thù địch với NGO tại Kenya gia tăng ngay sau khi một tổ chức địa phương kêu gọi cộng đồng tòa án quốc tế (ICC) điều tra việc Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta và Phó tổng thống William Ruto đã gây ra bạo lực sắc tộc và giết hơn 1.000 người trong cuộc tranh chấp bầu cử năm 2007.

Trong vòng 2 năm qua, hơn 1.000 tổ chức NGO đã bị buộc đóng cửa hoặc bị đe dọa rút phép hoạt động do cáo buộc liên quan đến các tổ chức khủng bố hay vi phạm quy định tài chính.

Năm 2013, một bản dự thảo luật đã được đệ trình trong đó đề nghị giới hạn nguồn thu của các NGO, tăng cường quyền kiểm soát của chính phủ với những tổ chức này, loại bỏ ưu đãi về thuế cũng như những ưu đãi khác.


Một dự án nước sạch của NGO tại Kenya

Một dự án nước sạch của NGO tại Kenya

Theo CSRG, việc NGO Board thúc đẩy phong trào bài nhân viên nước ngoài cùng với những động thái của chính phủ nằm trong âm mưu chia rẽ các NGO quốc tế và địa phương, đồng thời tạo áp lực tới những NGO bản địa dựa vào nguồn tài chính từ nước ngoài.

Đây không phải lần đầu tiên những nhân viên nước ngoài trở thành nạn nhân của chính trị tại Châu Phi. Trong cuộc tranh cử năm 2013, nền chính trị nước này bùng nổ những tranh cãi về chủ quyền đất nước cũng như chống lại cái gọi là “sự can thiệp của Phương Tây”.

Tòa án quốc tế ICC đã không truy tố chính phủ Kenya về những vụ bạo lực và thiệt mạng trong năm đó. Tuy nhiên ICC cảnh báo sẽ truy tố các quan chức Kenya nếu bạo lực tiếp tục diễn ra trong cuộc bầu cử năm 2017.

Đây là điều dễ hiểu vì sao chính phủ Kenya lại tích cực đuổi người nước ngoài khỏi quốc gia mình như vậy khi kỳ bầu cử sắp tới.

Nói cách khác, CRSG cho rằng chính sách bài ngoại tại Kenya đến từ Tổng thống Kenyatta nhiều hơn là từ người dân của nước này.

Không riêng gì tại Kenya, Uganda cũng đã thông qua bộ luật siết chặt quản lý thuê nhân viên nước ngoài của các NGO vào năm 2015. Trong khi đó Ethiopia lại cấm các NGO không được kêu gọi nguồn tài chính nước ngoài vượt quá 10%.

Những nhân viên nước ngoài tại Kenya hiện vẫn đang im lặng vì họ không muốn gây sự chú ý từ NGO Board. Tuy nhiên một số tổ chức đã thừa nhận họ khá lo lắng và bi quan về tình hình trước mắt.

Tổ chức từ thiện Ireland Trocaire, các NGO thường làm việc với những đối tác người địa phương, những người gắn bó với cộng đồng bản xứ nhưng việc đào tạo và phát triển nhân viên bản địa không thể hoàn thành trong ngắn hạn. Hơn nữa các NGO vẫn cần sự trợ giúp kỹ thuật từ các chuyên gia khắp nơi trên thế giới để xây dựng được một cộng đồng xã hội địa phương hiệu quả.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM