Tại sao cá đột ngột biến mất tại các chợ và siêu thị ở Trung Quốc?
Một cuộc khảo sát năm 2006 của chính phủ Trung Quốc cho thấy có khoảng hơn 200 triệu hộ kinh doanh cá thể nông nghiệp và những sản phẩm của họ rất khó để có thể truy ngược từ chợ và siêu thị.
Trong tuần trước, vụ việc hàng loạt chợ ở Bắc Kinh ngừng bán cá tươi sống đã làm dấy lên nỗi lo sợ trong người tiêu dùng Trung Quốc. Truyền thông của nước này nhận định các tiểu thương và quản lý siêu thị lo sợ trước cuộc thanh tra toàn diện của chính phủ về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nên đã cho dỡ bỏ toàn bộ mặt hàng cá tươi sống.
Vụ việc trên là bằng chứng mới nhất cho mô hình nông nghiệp quy mô nhỏ cũng như hệ thống quản lý yếu kém của Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát năm 2006 của chính phủ Trung Quốc cho thấy có khoảng hơn 200 triệu hộ kinh doanh cá thể nông nghiệp và những sản phẩm của họ rất khó để có thể truy ngược từ chợ và siêu thị.
Quay trở lại vụ cá biến mất trong siêu thị Bắc Kinh, hầu hết nguồn cung cá nước ngọt cho thủ đô Trung Quốc đến từ các trại nuôi ở tỉnh lân cận chỉ cách 1-2 giờ lái xe. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ này nuôi cá cạnh những nhà máy công nghiệp hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh.
Các cơ quan chức năng không thể kiểm tra hàng triệu trang trại cá như vậy và mọi người đều biết điều đó. Hãng tin Beijing News cho biết họ đã viếng thăm rất nhiều trang trại cá nhỏ không hề đăng ký hay theo dõi các chất phụ gia cho xuống ao nuôi cá. Thậm chí, chính những người nuôi cá cũng không dám ăn cá do mình nuôi.
Tồi tệ hơn, chính quyền Bắc Kinh đang có ý định để chính quyền địa phương tự kiểm tra và giám sát nguồn lương thực. Đây có thể là một ý kiến tồi bởi những quan chức giám sát thực phẩm địa phương có rất ít động cơ cũng như không được trả lương thỏa đáng để kiểm tra hoặc hợp tác giám sát với các khu vực khác. Chuyện này khá dễ hiểu khi hầu như các hộ kinh doanh thủy sản nhỏ thường có mối quan hệ quen biết với chính quyền địa phương.
Thêm vào đó, các quan chức nông nghiệp có thẩm quyền tại các trang trại nuôi cá nhưng lại không theo dõi được dòng chảy sản phẩm trên thị trường, vốn là “lãnh địa” của cơ quan giám sát chất lượng thực phẩm Trung Quốc. Hệ quả là do thiếu thống nhất trong quản lý, các cơ quan chức năng không thể truy tra được những sản phẩm nào bày bán tại chợ và siêu thị là không đạt chuẩn và từ đâu đến.
Trong khi đó, các siêu thị chỉ quan tâm đến lợi nhuận và cũng không đủ sức kiểm tra được chất lượng, còn người tiêu dùng thì chỉ còn biết tin vào kinh nghiệm của bản thân.
Một vấn đề nghiêm trọng nữa khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào các cơ quan quản lý Trung Quốc là hệ thống làm việc thiếu hiệu quả. Câu chuyện rò rỉ thông tin trước các cuộc kiểm tra đã là chuyện thường được giới truyền thông nước này đăng tải. Thậm chí, tệ nạn quan liêu, tham những trong ngành quản lý chất lượng thực phẩm Trung Quốc cũng không phải chuyện hiếm.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không phải là mới tại Trung Quốc khi nhiều vụ bê bối đã diễn ra tại nước này trong 10 năm qua. Năm 2015, một cuộc khảo sát cho thấy có đến 77% số người được hỏi đặt vấn đề an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Việc người tiêu dùng rỉ tai nhau những kinh nghiệm cá nhân hay lời đồn khi ăn uống hoặc mua sắm đã không còn lạ. Nói cách khác, mọi người không còn tin vào chất lượng kiểm định từ chính phủ.