Tại sao bạn có thói quen trì hoãn? Có thể đó không phải là lỗi của bạn đâu
Theo một nghiên cứu mới đây, thói quen chần chừ, trì hoãn có thể không phải lỗi của bạn, mà ở nhiều yếu tố khác nữa không thể tránh khỏi.
Trên Trái đất này có 2 loại người: những người "nói là làm", và nhóm luôn "chần chừ, trì hoãn".
Dĩ nhiên, ai cũng muốn mình rơi vào nhóm 1, nhưng chẳng rõ vì sao những hành động của bản thân lại rơi vào nhóm 2. Và theo như một nghiên cứu mới đây thì điều đó cũng không hoàn toàn là lỗi của bạn. Trái lại, nó liên quan đến cách não bộ của bạn được lập trình như thế nào.
Cụ thể, các chuyên gia sinh tâm lý học từ ĐH Ruhr Bochum (Đức) đã sử dụng máy cộng hưởng từ (MRI) và khám phá ra 2 khu vực trong não bộ, chịu trách nhiệm điều khiển cảm xúc và bản thân của con người.
Theo kết quả nghiên cứu thì kích cỡ và cách 2 khu vực này kết nối có thể ảnh hưởng đến quyết định của bạn. Nó cho biết bạn là người hay trì hoãn, hay thuộc dạng nói là làm luôn và ngay. Và kỳ lạ hơn là việc trì hoãn hay không lại chẳng liên quan đến hành động, mà do cách não bộ điều khiển cảm xúc.
Để có được kết luận này, các chuyên gia đã tiến hành quét não của 264 người khoẻ mạnh. Những người này trước đó đã thực hiện khảo sát để đánh giá xem họ là người trì hoãn hay kiểu thích hành động.
Theo như kết quả, thì những người thích trì hoãn có hạch hạnh nhân lớn hơn, nhưng khả năng kết nối giữa hạch và vỏ não phía trước (ACC) lại kém hơn.
"Đây là 2 khu vực đã từng được chứng minh là kiểm soát được hành động của chúng ta trong nghiên cứu trước kia" - trích lời tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Erhan Genç.
Các khu vực này cũng có thể kiểm soát cảm xúc, thế nên Genç đặt ra giả thuyết rằng nhóm "nói là làm" dường như kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Họ không để những cảm xúc tiêu cực gây xao nhãng đến những việc phải làm.
"Những người có hạch hạnh nhân lớn thường dễ bị cảm xúc chi phối, dẫn đến hành động cũng bị chi phối theo. Họ có xu hướng chần chừ, không dứt khoát" - tiến sĩ bổ sung thêm.
"Do sự kết nối giữa hạch hạnh nhân và vỏ não ACC bị thiếu hụt, hiệu ứng này thậm chí còn gây ảnh hưởng lớn hơn, khiến cảm xúc tiêu cực được nâng lên."
Hiện tại, các chuyên gia đang muốn tiếp tục đào sâu nghiên cứu nhằm tìm hiểu xem cấu tạo và khả năng liên kết giữa hai khu vực nào nãy có thể thay đổi được không. Hay hiểu theo cách khác, đó là chúng ta có thể "tập" để loại bỏ cái tính trì hoãn này.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychological Studies.
Tham khảo: Science Alert