Hiểu thêm về trưng cầu dân ý ở Crimea

16/03/2014 12:19 PM |

Dù kết quả là như thế nào đi nữa, kế hoạch được đưa ra bởi chính quyền Crimea chắc chắn sẽ thổi bùng lên ngọn lửa khủng hoảng chính trị vốn đã dâng cao ở Ukraine.

Đối với Tổng thống Barack Obama và những đồng minh của Mỹ ở châu Âu, cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra ở Crimea vào ngày mai (16/3) là vi hiến, không hợp pháp và là một hành vi lừa đảo bởi thực chất thì quân đội Nga đã kiểm soát bán đảo nằm ở phía Nam của Ukraine. 

Còn đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đây là một cơ hội cho người dân Crimea quyết định liệu họ có muốn là một phần của Moscow sau khi khủng hoảng ở Ukraine đã lật đổ vị Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych.  

Dù kết quả là như thế nào đi nữa, kế hoạch được đưa ra bởi chính quyền Crimea chắc chắn sẽ thổi bùng lên ngọn lửa khủng hoảng chính trị vốn đã dâng cao ở Ukraine trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao với những lệnh cấm vận. 

Dưới đây là một số câu hỏi lớn nhất về vấn đề ở Crimea và những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự kiện đang được cả thế giới theo dõi.

1) Cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là gì?

Khoảng 2 triệu cử tri Crimea - khu tự trị của Ukraine – sẽ đứng trước hai lựa chọn: vẫn thuộc về Ukraine nhưng tăng cường đáng kể quyền tự trị hoặc nhập vào Nga. Họ không có lựa chọn duy trì tình trạng hiện tại.

Người đi bỏ phiếu phải trên 18 tuổi và mang theo giấy tờ chứng minh họ là công dân của Crimea. Các quan chức địa phương cho biết người bỏ phiếu có thể nhìn thấy những thành viên trong ủy ban bầu cử và các quan sát viên tại nhiều điểm bỏ phiếu.

Các điểm bỏ phiếu được mở cửa từ 8h sáng đến 8h tối (theo giờ địa phương). Theo dự kiến, kết quả sẽ được công bố vào thứ hai (17/3). Các quan chức Mỹ vừa đưa ra dự đoán các cử tri Crimea sẽ lựa chọn phương án trở thành một phần của Nga.

Cuộc trưng cầu dân ý này diễn ra sau một loạt sự kiện liên tiếp nổ ra ở Ukraine trong những tháng gần đây, trong đó có tình trạng bạo lực gia tăng giữa người biểu tình và chính phủ. Những người ủng hộ Tổng thống thân Nga tháo chạy khỏi Ukraine và sau đó quân đội Nga giành quyền kiểm soát quân sự của Crimea – nơi hạm đội Biển Đen của Nga đang đóng quân. 

Bằng cách ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý, chính quyền Crimea đã đưa ra dấu hiệu họ dự định sẽ trở lại với nước Nga, trong khi chính phủ lâm thời của Ukraine cho rằng Crimea à một phần của nước này. Ukraine cũng nhận được sự ủng hộ của Mỹ và các đồng minh châu Âu. 

2) Cuộc trưng cầu này có hợp pháp không?

Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào việc bạn hỏi ai.

Ở Ukraine, chính phủ lâm thời trả lời rằng không hợp pháp, trong khi rất nhiều người ở Crimea hi vọng đây là một cơ hội để họ trở lại làm đồng minh của Moscow. 

Nga cho rằng việc Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị phế truất đã chấm dứt quyền hạn của chính phủ Ukraine. Ông Putin gọi việc lật đổ ông Yanukovych là một cuộc đảo chính chống lại hiến pháp, và người dân Crimea có quyền tự quyết định tương lai của họ giống như các vùng tự trị khác, ví dụ như Kosovo đã quyết định tách khỏi Serbia.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Obama và các lãnh đạo châu Âu nhất mực cho rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea sẽ vi phạm hiến pháp Ukraine cũng như luật pháp quốc tế. 

Samantha Power, đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, nhận định hiến pháp Ukraine đòi hỏi phải thực hiện trưng cầu ý dân ở trên toàn lãnh thổ Ukraine chứ không chỉ riêng Crimea. Bà lập luận thỏa thuận ngày 21/2 giữa ông Yanukovych và các lãnh đạo đối lập cùng với phái đoàn châu Âu vẫn còn hiệu lực. Theo đó, Ukraine sẽ bầu ra chính phủ mới vào ngày 25/5. Cuộc bầu cử này diễn ra trên toàn quốc, bao gồm cả Crimea. 

3) Cuộc trưng cầu dân ý sẽ có ý nghĩa gì?

Vùng tự trị Crimea có 60% dân số là người dân tộc Nga, đã từng là một phần của Nga cho tới khi được quyết định thuộc về Ukraine vào năm 1954 – khi cả hai nước cùng thuộc về Liên Xô (cũ).

Bà Power cho rằng nếu cuộc trưng cầu dân ý tiếp diễn, kết quả sẽ không có nhiều ý nghĩa đối với Nga. Điều tương tự xảy ra năm 2008, khi Nga (cũng dưới thời ông Putin) đem quân tới Georgia – một phần của Liên Xô cũ – để khôi phục lại quyền tự trị của các vùng thân Nga là Abkhazia và Nam Ossetia. 5 năm đã trôi qua, cả hai vùng này vẫn chưa được phân định rõ ràng trong khi quân đội Nga vẫn hiện diện ở đây. 

4) Những hệ lụy

Đối với Nga, có lẽ động lực lớn nhất là phải đảm bảo quyền kiểm soát đối với căn cứ quân sự của hạm đội Biển Đen ở Sevastopol, cùng như những ảnh hưởng kinh tế đối với Ukraine và các thành viên cũ của Liên minh Xô Viết. 

Ông Obama hiểu rằng Nga nhất thiết phải là một phần của giải pháp cho khủng hoảng ở Ukraine. Nga cần chắc chắn có thể duy trì căn cứ quân sự ở Sevastopol. 

Tuy nhiên, lời kêu gọi Nga rút quân khỏi Crimea và các cuộc đàm phán với Nga không mang lại chút kết quả nào. Cả Mỹ và EU đã đe dọa cấm vận nếu Nga không có tiến triển, tuy nhiên không thể phủ nhận sợi dây liên kết kinh tế Nga với các thế lực của châu Âu (ví dụ như Đức). Điều này khiến người ta hoài nghi về sự cương quyết của EU. 

Thu Hương

huongnt

Cùng chuyên mục
XEM