Sưu tầm tranh: Bí quyết độc giúp 'Vua hồ tiêu' được đối tác Âu - Mỹ yêu mến và tin cậy, ký hợp đồng chỉ trong vài tuần thay vì vài tháng
Trong thời gian đầu, do còn trẻ và chưa chơi tranh, để thuyết phục thành công đối tác Âu - Mỹ chịu ký hợp đồng 1 triệu USD, CEO Phúc Sinh tốn khoảng vài tháng. Bây giờ, khi đã có chút danh tiếng và phòng tranh đẹp đẽ, họ rút ngắn lại còn 1 tuần hoặc vài tuần, tiết kiệm được rất nhiều thời gian & nhân lực. Với người Âu – Mỹ, người yêu nghệ thuật thì không thể là người xấu!
CEO PHÚC SINH ĐANG SỞ HỮU MỘT GIA TÀI ĐÁNG KỂ SAU 10 NĂM CHƠI TRANH
Trong vài năm gần đây, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Phúc Sinh nổi lên như một nhà sưu tập tranh Việt Nam chịu chi và có thẩm mỹ tốt. Nếu đã thích họa sỹ nào là ông thường mua tranh theo lô lớn.
Theo vị lãnh đạo này, hiện ông sở hữu rất nhiều tác phẩm của danh họa Trần Lưu Hậu và khoảng 20 tác phẩm của họa sỹ sinh năm 1975 – Liêu Nguyễn Hướng Dương.
Danh họa Trần Lưu Hậu là người theo trường phái trừu tượng hậu ấn tượng, là ‘cây đa cây đề’ của giới hội họa Việt Nam. Ông sinh năm 1928 và vừa qua đời vào năm 2020. Theo giới truyền thông, thì ông là một người thầy lớn và tài năng lớn của nền mỹ thuật Việt Nam. Bộ tứ "Nhân, Hòa, Hậu, Kiệm" (Lưu Công Nhân, Lê Huy Hòa, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trọng Kiệm) có tầm ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ họa sỹ Việt sau này.
Một bức tranh của vị danh họa này, lúc CEO Phúc Sinh mua có giá 50.000 USD giờ đã lên 150.000 USD sau vài năm.
"Hiện tôi có một trăm mấy chục bức của Trần Lưu Hậu - là 1 gia tài. Khi mua chúng, tôi không nghĩ là nó sẽ lên giá hay gì, mà chỉ nghĩ đây sẽ là một khoản đầu tư có giá trị. Tất nhiên, khi tôi mua 1 lần vài chục bức tranh thì các gallery cũng ấn tượng; nhưng khi mình thích và có tiền, thì mình mua thôi. Tôi luôn muốn đầu tư cho nghệ thuật", ông Nguyễn Minh Thông chia sẻ.
Năm 2016, tác phẩm Hoa anh đào (Cherry Blossom) được sáng tác trên iPad 2 theo phong cách "điểm họa" (chấm màu) của Liêu Nguyễn Hướng Dương đã được Apple chọn trưng bày tại tất cả cửa hàng bán lẻ của Apple trên khắp thế giới.
Ngoài ra, ông Phan Minh Thông còn có kha khá tranh của họa sỹ Đặng Xuân Hòa – người được mệnh danh là ‘họa sỹ triệu đô’, khi tranh của ông liên tục có mặt ở các triển lãm hay sự kiện đấu giá trong vài ngoài nước, thường xuyên được bán với giá cao. Trong gallery của ông Phan Minh thông có 1 bức tranh của Đặng Xuân Hòa mua từ năm 2015 với giá 12.500 USD, bây giờ có giá 50.000 USD.
"Vậy thế nào là một bức tranh đẹp? Khi tôi thấy đẹp là đẹp. Đẹp là đẹp chứ không thể giải thích được! Chơi tranh lâu thì mình có thể kết nối với bức tranh. Một bức tranh chỉ có những vệt màu, nhưng tôi nhìn thấy đó là một bình hoa, một trời hoa với màu sắc màu vô cùng đa dạng và lung linh. Khi tôi thất bại hoặc phải đối mặt với những quyết định khó khăn, lúc đứng trước các bức tranh, cảm giác như mình được truyền thêm năng lượng.
Dù thế, cảm nhận đẹp của mình cũng biến thiên theo thời gian và kinh nghiệm. Năm 2012, tôi bắt đầu chơi tranh. Lúc đầu, tôi chỉ thấy được 3 điểm đẹp trên bức tranh, giờ nhìn thấy 9 điểm đẹp. Chơi tranh càng lâu thì mình càng thấy nhiều vẻ đẹp.
Trước đây, tôi không ‘thử nếm’ được nhiều vị, nhưng bây giờ tôi nhìn thấy được nhiều vẻ đẹp khác nhau so với trước kia. Tôi có thể tưởng tượng được họa sỹ đã vẽ bức tranh công phu như thế nào. Các nhân viên của tôi cũng vậy.
Trước đây, bình thường đẹp thì tôi đã mua, bây giờ thì phải thật sự đẹp mới mua, vì đã không còn chỗ treo. Vấn đề là: rất nhiều người mua, người ta tìm cách cất vào trong kho, còn tôi muốn treo hết lên", ông Phan Minh Thông kể trong CafeTalk số 08 "Cầm chuông về đánh xứ ta".
Trong tất cả, hầu hết tranh của ông là sơn dầu. Vị CEO này thích sơn dầu vì nó bền hơn, dễ bán và phổ biến các loại khác. Hơn nữa, trong các thể loại tranh, thì sơn dầu là không gian để họa sỹ dễ dàng thi thố nhiều bút pháp, màu sắc hơn và được thế giới chấp nhận nhiều hơn. Lụa thấm màu ít hơn, sơn dầu dễ phô diễn sắc màu hơn! Hay nôm na, tranh sơn dầu dễ mua, dễ chơi và dễ bán.
Đầu tiên của đầu tiên, ông không nghĩ sẽ bán bớt tranh, nhưng sau này nghĩ lại ‘phải bán mới mua được nhiều hơn’. Khi ông đăng lên chia sẻ tranh, nhiều người muốn mua, vì nó có thị trường; nó càng khuyến khích ông bán bán mua mua.
Dù thế, khi ông thử biến nghề mua bán tranh thành nghề tay trái thì đã không thành công. Bởi, ngoài cảm thấy rất mất thời gian, còn phải đầu tư cho nghề này rất nhiều thứ. Ông cho biết là vẫn thích bán tiêu và cà phê hơn là mua bán tranh.
"Hiện tại, tôi đang có vài trăm bức tranh của các họa sỹ hàng đầu Việt Nam. Nhưng tôi không dám thống kê là mình đã dành bao nhiêu tiền để mua tranh, vì nếu làm xong sẽ không dám mua nữa, do nhiều quá", ông Phan Minh Thông cho hay.
ĐỘNG CƠ CHÍNH ĐẾN VỚI NGHỆ THUẬT HẾT SỨC THỰC DỤNG
Dù bỏ nhiều tâm huyết cho việc sưu tầm tranh như thế, song động cơ đầu tiên mang ông đến với giới nghệ thuật hết sức ‘thực dụng’.
"Vì đi nước ngoài nhiều, nên tôi thấy hầu hết doanh nhân lớn ở Âu – Mỹ đều rất quan tâm đến nghệ thuật và họ cũng rất trân trọng những người có sở thích giống mình. Hơn nữa, không chỉ dự đoán về giá và biến động của thị trường cà phê – hồ tiêu, cách đây 10 năm, tôi còn tin rằng: đã đến lúc Việt Nam phát triển lĩnh vực này và bây giờ thị trường tranh đang rất sôi động.
Đến với nghề chơi tranh và sưu tầm tranh giúp tôi cũng như doanh nghiệp của mình nâng tầm văn hóa, giúp việc giao kết kinh doanh với đối tác Âu – Mỹ dễ dàng hơn", Chủ tịch Phúc Sinh khẳng định.
Theo đó, các quản lý cấp cao ở châu Âu - Mỹ hầu hết đều rất thích sưu tập nghệ thuật – đặc biệt là tranh. Nên khi họ đến Phúc Sinh, nhìn thấy văn phòng đẹp, phòng tranh và các tác phẩm nghệ thuật rất đẹp, họ nghĩ ngay rằng: đẳng cấp văn hóa và tư duy của công ty rất tuyệt vời. Và khi họ đã ấn tượng và thích thú với Phúc Sinh, thì mọi chuyện dễ dàng hơn.
Các đối tác sẽ nghĩ: một ông CEO thích tranh và chơi tranh thì sẽ tử tế và có đạo đức tốt hơn người khác. Một người yêu nghệ thuật thì không thể là người xấu! Theo đó, những hàng rào đầu tiên đã được gỡ bỏ và giúp Phúc Sinh tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nhân lực. Ngay sau đó, họ đi thẳng vào vấn đề chứ không quanh co vòng vèo như trước đây.
"Thời gian đầu khi tôi chưa chơi tranh, lại còn đang rất trẻ, thì tôi phải thuyết phục họ rất nhiều rằng: Phúc Sinh có năng lực, có tài kinh doanh và luôn giữ chữ tín trong làm ăn. Có khi phải mất vài tháng thuyết phục mới khiến họ tin tưởng và gật đầu hợp tác, để tiến tới ký kết hợp đồng 1 triệu đô.
Còn bây giờ, với danh tiếng nhiều năm gầy dựng và gia tài tranh ảnh phong phú, cơ sở vật chất – văn hóa doanh nghiệp tốt; Phúc Sinh thường chỉ mất khoảng 1 tuần hoặc vài tuần để thuyết phục họ ký hợp đồng với giá trị đó. Tóm lại, nếu chúng ta đầu tư đúng chỗ, thì tiết kiệm cho mình rất nhiều thời gian và công sức", ông Phan Minh Thông nhấn mạnh.
Có thể nói, nhờ những bức tranh và phòng tranh quý giá mà ông Phan Minh Thông – Phúc Sinh sở hữu, đã rút ngắn nhiều quãng đường trong hành trình đi đến ngôi vị nhà xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới và xuất khẩu cà phê top 4 Việt Nam của họ.