Sức chịu đựng của nhà đầu tư BĐS giảm dần từ tháng 8, thị trường đã xuất hiện động thái giảm giá

08/09/2021 09:31 AM | Kinh doanh

Thị trường đã xuất hiện việc một số nhà đầu tư giảm giá, cắt lỗ, giảm một phần lợi nhuận để tạo thanh khoản, do chịu áp lực từ lãi vay. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và các tỉnh, thành tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16, rất có thể thị trường sẽ xuất hiện việc bán tháo, giảm giá BĐS trên diện rộng.

Đó là nhận định của DKRA Vietnam trong báo cáo thị trường BĐS Tp.HCM và vùng phụ cận tháng 8/2021. Theo đơn vị này, trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh và lệnh giãn cách xã hội tại nhiều địa phương khiến nguồn cung và sức cầu thị trường sụt giảm mạnh. Các chủ đầu tư dần chuyển sang hình thức bán hàng, ráp căn online tuy nhiên vẫn không hiệu quả như hình thức bán hàng truyền thống

phân khúc đất nền, báo cáo của DKRA Vietnam chỉ ra, trong tháng 8/2021 thị trường đất nền tại Tp.HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận có 1 dự án mở bán mới. Cung cấp ra thị trường 23 sản phẩm, tỷ lệ tiêu thụ đạt 26% (khoảng 6 sản phẩm).

Nhiều CĐT đưa ra nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn nhằm kích cầu thị trường. Tuy nhiên, do trong thời gian qua các tỉnh, thành phía Nam áp dụng giãn cách toàn xã hội nên tình hình sức cầu thị trường không có nhiều khởi sắc. Các CĐT và sàn môi giới nhanh chóng thích ứng với kế hoạch bán hàng online, tuy nhiên đối với BĐS lại chính là tài sản có giá trị lớn, mang tính đặc thù riêng, việc trao đổi thông tin về sản phẩm, đưa ra quyết định mua bán cần có thời gian, xem xét pháp lý, khảo sát thực tế dự án,… mới có thể xuống tiền.

Cùng với đó, thị trường thứ cấp kém sôi động, thanh khoản thị trường ở mức rất thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thị trường đã xuất hiện việc một số nhà đầu tư giảm giá, cắt lỗ, giảm một phần lợi nhuận để tạo thanh khoản, do chịu áp lực từ lãi vay. Theo DKRA, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và các tỉnh,thành tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16, rất có thể thị trường sẽ xuất hiện việc bán tháo, giảm giá BĐS trên diện rộng.

 Sức chịu đựng của nhà đầu tư BĐS giảm dần từ tháng 8, thị trường đã xuất hiện động thái giảm giá  - Ảnh 1.

phân khúc căn hộ, trong tháng 8/2021, phân khúc căn hộ tại Tp.HCM và 4 tỉnh giáp ranh ghi nhận 4 dự án mở bán (1 dự án mới và 3 giai đoạn tiếp theo), cung cấp ra thị trường khoảng 1,928 căn, gấp 2 lần so với tháng trước (1,001 căn), bằng 56% so với cùng kỳ tháng 8/2020 (3,450 căn). Tỷ lệ tiêu thụ chung toàn thị trường đạt xấp xỉ 80% (khoảng 1,548 căn), gấp 2.4 lần lượng tiêu thụ tháng 7/2021 (634 căn), bằng 55% lượng tiêu thụ cùng kỳ năm trước (2,827 căn).

Nguồn cung Tp.HCM dẫn đầu toàn thị trường, chiếm 75% nguồn cung và 83% lượng tiêu thụ mới trong tháng. Các dự án mở bán đều áp dụng hình thức mở bán online giữa bối cảnh lệnh giãn cách xã hội liên tục được siết chặt. Giá bán sơ cấp chững lại ở hầu hết các dự án, không có nhiều thay đổi so với giai đoạn, đợt mở bán liền kề trước đó. Các chính sách bán hàng, mức chiết khấu thanh toán nhanh "khủng" được áp dụng nhằm kích cầu người mua đồng thời bù đắp dòng tiền hoạt động cho nhà phát triển, chủ đầu tư dự án. Một số CĐT lựa chọn trì hoãn kế hoạch ra hàng thay vì linh hoạt áp dụng các giải pháp mở bán online giữa mùa dịch

Riêng thị trường căn hộ Tp.HCM, trong tháng ghi nhận 2 dự án mở bán (1 dự án mới và 1 giai đoạn tiếp theo) với khoảng 1,452 căn, gấp 3.4 lần so với tháng trước (430 căn), bằng 70% so với cùng kỳ T8/2020 (2,088 căn). Lượng tiêu thụ đạt khoảng 88% nguồn cung mở bán mới với khoảng 1,282 căn giao dịch thành công, gấp 4.9 lần so với tháng trước (261 căn), hay bằng 88% lượng tiêu thụ cùng kỳ năm trước (1,465 căn).

Theo DKRA Vietnam, nguồn cung mới tăng mạnh so với tháng trước nhưng vẫn ở mức tương đối thấp so với cùng kỳ năm 2020. Phân khúc căn hộ hạng A dẫn dắt nguồn cung mới trong tháng. Hình thức bán hàng, ráp căn online được áp dụng mạnh mẽ.

Uy tín thương hiệu CĐT, kinh nghiệm tổ chức mở bán trực tuyến cũng như ứng dụng tốt nền tảng công nghệ được cho là những yếu tố chính đóng góp cho thành công của việc mở bán dự án, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay. Tỷ lệ hấp thụ dự án mới đạt từ 79 – 100%, tuy nhiên thời gian truyền thông, nhận booking ở một số dự án kéo dài.

Tuy nhiên, giao dịch trên thị trường thứ cấp gần như "đóng băng" giữa bối cảnh Tp.HCM tiếp tục siết chặt giãn cách xã hội, dẫn đến tắc nghẽn trong khâu thực hiện giao dịch mua bán. Nguồn cung mới tại Tp.HCM tiếp tục khan hiếm, nguồn cung mới phân bổ chưa thật sự đồng đều ở các phân khúc và khu vực. Căn hộ hạng C, nhà ở vừa túi tiền tiếp tục vắng bóng trên thị trường.

Trong khi đó, ở phân khúc nhà phố, biệt thự cũng không khá khẩm hơn so với đất nền, căn hộ trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Theo số liệu của DKRA, trong tháng 8/2021, phân khúc nhà phố, biệt thự tại Tp.HCM và các tỉnh giáp ranh khan hiếm nguồn cung mới. Nhiều dự án phải dời thời gian mở bán do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.Trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh và lệnh giãn cách xã hội tại nhiều địa phương khiến nguồn cung và sức cầu thị trường sụt giảm mạnh. Các chủ đầu tư dần chuyển sang hình thức bán hàng, ráp căn online tuy nhiên vẫn không hiệu quả như hình thức bán hàng truyền thống

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Tp.HCM diễn biến phức tạp và toàn thành phố đã áp dụng cách ly toàn xã hội, đã khiến thị trường rơi vào trầm lắng. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp thị trường không ghi nhận nguồn cung mới mở bán.

Theo đơn vị này, tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung cũng như thị trường BĐS nói riêng. Sức cầu chung toàn thị trường giảm mạnh. Giao dịch thứ cấp kém sôi động và tiếp tục xu hướng giảm do ảnh hưởng của việc tái bùng phát dịch bệnh tại Tp. HCM. Thị trường đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu giảm giá bán, cắt lỗ,… của một bộ phận khách hàng do chịu áp lực từ lãi vay, trong khi hiện nay các nguồn thu nhập bị giảm mạnh do tác động của dịch bệnh.

Hạ Vy

Cùng chuyên mục
XEM