Sự thật về “đất hiếm” của Trung Quốc: Không hề “hiếm”, Mỹ cũng có khả năng sản xuất

25/05/2019 09:11 AM | Kinh doanh

Ngay khi Trung Quốc ngưng xuất khẩu đất hiếm tới Nhật Bản vào năm 2010, các con buôn Trung Quốc và quốc tế ngay lập tức nhảy vào “thay thế”, và Nhật Bản cũng điều chỉnh quy trình sản xuất để không còn phụ thuộc vào đất hiếm.

Sau một thời gian đình chiến, Trump lại tiếp tục "đổ dầu" vào chiến tranh thương mại, và nạn nhân lần này là "đứa con cưng" Huawei của chính quyền Trung Quốc.

Không lâu sau đó, chủ đề "đất hiếm" của Trung Quốc một lần nữa được dấy lên, vì đây nguyên liệu hiện đang được sản xuất chủ yếu tại Trung Quốc với tầm ảnh hưởng rộng khắp trong chuỗi sản xuất của Mỹ, từ xe điện, điện thoại thông minh cho đến tên lửa.

Truyền thông Trung Quốc nhanh chóng sử dụng "đất hiếm" để công kích Hoa Kỳ, khẳng định đây là một "át chủ bài" trong cuộc chiến sắp tới. Ông Tập Cận Bình cũng âm thầm nhấn mạnh "vũ khí" trên khi trực tiếp ghé thăm một tổ hợp khai thác đất hiếm vào đầu tuần.

Được mệnh danh là "vitamin của hóa học", một lượng rất nhỏ Xeri hay Neodymi sẽ giúp màn hình TV rõ nét hơn, pin sử dụng được lâu hơn hay nam châm trở nên mạnh hơn. Nếu như Trung Quốc "đóng cửa" toàn bộ hoạt động xuất khẩu đất hiếm, nền công nghiệp của Mỹ có thể bị đẩy lùi đến hàng chục năm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành lại không cho rằng kịch bản trên sẽ trở thành sự thật. Đa phần chỉ thừa nhận việc dừng xuất khẩu đất hiếm sẽ lập tức gây ảnh hưởng, nhưng về lâu dài, Mỹ và phần còn lại của thế giới sẽ dễ dàng vượt qua "thử thách" này.

Đất hiếm không hề… hiếm

Sự thật về “vũ khí đất hiếm” của Trung Quốc: Không hề “hiếm”, đã thử và thất bại với Nhật Bản, Mỹ cũng có khả năng sản xuất - Ảnh 1.

Là một nhóm bao gồm 17 nguyên tố, "đất hiếm" được Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) liệt vào nhóm "khá phong phú". Nghĩa rằng số lượng đất hiếm được đánh giá tương đương Đồng và Chì, hai nguyên tố không hề khó tìm trên thế giới.

Phần lớn đất hiếm hiện nay tập trung ở Trung Quốc, Brazil, Canada, Úc, Ấn Độ, Mỹ và cả Việt Nam.

Khó khăn thật sự nằm ở khâu khai thác (và cũng là lý do cái tên "đất hiếm" ra đời), vì các nhân tố này hiếm khi tập trung thành từng mảng lớn và luôn xuất hiện trong tự nhiên dưới dạng hợp chất, cần phải trải qua một quá trình xử lý và tách chất trước khi đưa vào sử dụng.

Nhưng quá trình xử lý lại là một vấn đề nan giải khác, để trở thành "đất hiếm", hợp chất phải đi qua một loạt bể axit và nhiều lần phóng xạ, đó là một trong những lý do Hoa Kỳ "nhường" phần sản xuất đất hiếm lại cho Trung Quốc, vì nó không chỉ ảnh hưởng xấu tới nhân công mà cả môi trường xung quanh.

Sự thật về “vũ khí đất hiếm” của Trung Quốc: Không hề “hiếm”, đã thử và thất bại với Nhật Bản, Mỹ cũng có khả năng sản xuất - Ảnh 2.

Trên thực tế, từ những năm 1960 đến 1980, Hoa Kỳ mới là nước dẫn đầu về sản xuất đất hiếm với mỏ Mountain Pass tại California. Nhưng khu vực này đã bị chính phủ đóng cửa vào năm 1998 vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thấy được cơ hội của mình, Trung Quốc lập tức đẩy mạnh sản xuất đất hiếm, chấp nhận đánh đổi lấy hậu quả về môi trường để trở thành một thế lực lớn trong ngành (22 tấn chất thải độc hại từ đất hiếm mỗi năm, tính từ năm 2010).

Cho đến thời điểm hiện tại, USGS cho rằng Trung Quốc đang nắm trong tay 80% sản lượng đất hiếm trên toàn thế giới.

Thiệt hại khi Trung Quốc "cắt" đất hiếm?

Sự thật về “vũ khí đất hiếm” của Trung Quốc: Không hề “hiếm”, đã thử và thất bại với Nhật Bản, Mỹ cũng có khả năng sản xuất - Ảnh 3.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc lấy "đất hiếm" ra làm quân bài chiến lược, vào năm 2010, quốc gia này đã cắt toàn bộ hoạt động xuất khẩu đất hiếm tới Nhật Bản vì căng thẳng chính trị quanh quần đảo Senkaku.

Nhưng lệnh cấm này đã không mang lại kết quả mong muốn.

Sau khi chỉ thị của chính quyền được ban hành, hàng loạt "trùm buôn lậu" Trung Quốc đã nhảy vào cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản. Không những thế, các chuỗi sản xuất tại đất nước mặt trời mọc cũng chủ động tìm ra nhiều phương pháp sản xuất sử dụng ít đất hiếm hơn.

Và cuối cùng là hàng loạt nước khác đã tăng cường sản lượng của mình để bù lại thị phần mà Trung Quốc "bỏ ngỏ".

Dù sự kiện trên đã kết thúc vào năm 2010, nhưng nó rất có thể lập lại một lần nữa vào năm 2019, chỉ khác ở quy mô lớn hơn nhiều lần.

Nếu như Trung Quốc quyết tâm "cắt" nguồn cung cấp đất hiếm cho Mỹ, hàng loạt quỹ đất hiếm cả tư nhân lẫn của chính phủ sẽ sẵn sàng hỗ trợ Mỹ trong những ngành trọng yếu nhất (chẳng hạn như quân sự).

Và theo quy luật cung cầu của thị trường, hàng loạt "nhà cung cấp" mới sẽ xuất hiện để lắp chỗ trống mà Trung Quốc để lại.

Dù mới chỉ là "hù họa", các tập đoàn hóa chất lớn như Blue Line và Australian đã chủ động đề xuất xây dựng nhiều khu vực sản xuất đất hiếm trải khắp nước Mỹ. Tại nhiều quốc gia khác, hoạt động khai thác đất hiếm cũng bắt đầu "tăng tốc" để đón đầu thị trường sắp tới.

"Vũ khí ngủ yên" của Mỹ

Sự thật về “vũ khí đất hiếm” của Trung Quốc: Không hề “hiếm”, đã thử và thất bại với Nhật Bản, Mỹ cũng có khả năng sản xuất - Ảnh 4.

Khu mỏ Mountain Pass - California

Và nếu như tình tình trở nên xấu hơn, Mỹ hoàn toàn có thể "lật ngược thế cờ" với khu mỏ Mountain Pass. Dù bị đóng cửa từ lâu, toàn bộ cơ sở vật chất tại đây vẫn còn khả năng hoạt động và đã được chính phủ cấp phép khai thác lại vào đầu năm 2019.

Đối mặt với mức giá rẻ và sản lượng dồi dào từ Trung Quốc, mỏ Mountain Pass đã trở lại trên thị trường đất hiếm toàn cầu với gần 10% thị phần.

"Chiến thuật "bổ sung" đất hiếm nhanh nhất và rẻ nhất của Mỹ (nếu như có sự nhiễu loạn trên thị trường) đang nằm chễm chệ ở California." Một chuyên gia thương mại cho hay: "Mỹ không cần bắt đầu lại từ đầu."

Worstall - cựu thương nhân đất hiếm cho hay: "Sản xuất đất hiếm không hề khó, bất kỳ một tổ chức nào cũng chỉ cần 6 tháng để bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường."

Điểm quan trọng nhất vẫn là chi phí và hậu quả của quá trình sản xuất đất hiếm, đặc biệt là với tiêu chuẩn môi trường rất cao tại Mỹ.

Nhưng đối với Trump, vấn đề môi trường luôn được đặt dưới tầm quan trọng của nền kinh tế và mục tiêu biến nước Mỹ trở thành số 1 thế giới, biến "vũ khí đất hiếm" của Trung Quốc trở thành một con "hổ giấy" thật sự.

Thanh Sang

Cùng chuyên mục
XEM