Sự thật về tác dụng thần kỳ của vitamin C trong phòng ngừa và chữa trị bệnh ung thư

18/03/2019 20:35 PM | Sống

Gần đây, trong cộng đồng người bệnh ung thư lại xuất hiện những tin đồn rằng dùng nhiều vitamin C có thể phòng ngừa và chữa trị ung thư hiệu quả.

Một phần nó xuất phát từ những nghiên cứu cho thấy vitamin C có tác dụng ức chế phát triển tế bào ung thư.

Nhưng tin đồn có phải hoàn toàn là sự thật? Chúng ta hãy quay ngược dòng lịch sử và xem xét các chứng cứ khoa học để đưa ra kết luận.

Vitamin C (hay còn biết tới tên gọi ascorbic acid) là một vitamin quan trọng trong việc sản xuất collagen, do đó thiết yếu trong các hoạt động sửa chữa của cơ thể và có tác dụng chống lão hóa.

Vitamin C có thể được bổ sung cho cơ thể qua các thực phẩm như rau xanh (rau chân vịt, bông cải xanh) hoặc trái cây họ cam, chanh, bưởi. Vitamin-C có thể được tổng hợp và sử dụng như một thực phẩm chức năng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Thiếu hụt vitamin C dẫn đến bệnh Scorbut, với các triệu chứng như mệt mỏi, vàng da, dễ bị nhiễm khuẩn, chảy máu, nặng hơn có thể gây phù toàn thân, cấu trúc răng lợi bị phá hoại và gây tử vong. Ngược lại, thừa vitamin-C có thể dẫn tới hư hỏng chức năng thận, sỏi thận hoặc chảy máu trong dạ dày.

Nói đến vitamin C, không thể không nhắc đến Linus Pauling.

Niềm tin của Pauling về vitaminC: Các nghiên cứu khoa học nói gì?

 Sự thật về tác dụng thần kỳ của vitamin C trong phòng ngừa và chữa trị bệnh ung thư - Ảnh 1.

Linus Pauling

Linus Pauling là một trong những nhà khoa học hiếm hoi nhận được 2 giải Nobel, được đánh giá cao và được tôn kính trong nhiều lĩnh vực. Công trình của ông về liên kết hóa trị là nền tảng cho hóa học hiện đại và nhiều phát minh về sinh học sau này. Ông còn là nhà khoa học đầu tiên công bố nghiên cứu về bệnh hồng cầu hình liềm (sickle cell anemia), một trong những bệnh đầu tiên được nghiên cứu ở mức độ phân tử.

Tuy nhiên, vào khoảng những năm 70, ông trở nên tin vào tác dụng của vitamin C trong việc chữa trị ung thư và ủng hộ cuồng nhiệt việc tiêu thụ khối lượng lớn vitamin C là một phương pháp "diệu kỳ" chữa khỏi nhiều loại bệnh.

Theo ông, tiêu thụ 1.000 mg vitamin C/ngày có thể giảm tỉ lệ mắc phải cúm trên 45% (trong khi lượng khuyên dùng mỗi ngày của vitamin C là 60mg/ngày) [1].

Trong những cuốn sách sau này, đặc biệt là cuốn "Vitamin C và ung thư" (1979) và "How to feel better and live longer – Làm sao để khỏe và sống lâu hơn" (1986), ông còn tuyên bố rằng sử dụng liều lượng cao vitamin C có thể bảo vệ cơ thể và chữa khỏi ung thư [2 & 3].

Dùng sức ảnh hưởng của mình, ông lập viện nghiên cứu thúc đẩy xuất bản các kết quả chứng minh tác dụng của vitamin C trong việc điều trị ung thư. Cùng với bác sĩ Ewan Cameron, ông công bố 2 nghiên cứu trên 100 bệnh nhân ung thư (khảo sát trên nhiều loại) giai đoạn cuối được cho dùng vitamin C với kết luận là điều trị bằng 10.000.mg/ngày vitamin C làm tăng khả năng sống sót gấp 4 lần so với nhó m đối chứng (nhóm không được điều trị bằng vitamin-C) [4 & 5].

Tuy nhiên, 2 nghiên cứu này đã bị giới khoa học chỉ trích về phương pháp và mẫu nghiên cứu không có tính ngẫu nhiên. Cụ thể, nhóm được điều trị bằng vitamin C được bác sĩ Cameron theo dõi, trong khi nhóm còn lại được các bác sĩ khác theo dõi. Rất có thể Cameron đã cố tình đánh dấu mốc thời gian "giai đoạn cuối" sớm hơn trong nhóm được điều trị bằng vitamin C của mình, do đó dẫn đến thời gian sống sót dài hơn so với nhóm còn lại.

Để kiểm chứng điều này, Mayor Clinic đã tiến hành 3 nghiên cứu độc lập trên bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Kết quả cho thấy không có thay đổi đáng kể giữa nhóm bệnh nhân được điều trị bằng vitamin C qua đường uống với liều lượng 10.000 mg/ngày so với nhóm đối chứng trên cùng một loại ung thư [6-8].

Tiếp sau đó, đồng sự cũ của Linus Pauling là tiến sĩ Arthur Robinson đã công bố kết quả nghiên cứu trên chuột, cho thấy việc tiêu thụ 5-10g/ngày vitamin C có thể còn làm tăng nguy cơ ung thư da [9].

Vitamin C chỉ thực sự có tác dụng giết chết khối u nếu lên tới liều lượng 100g, nhưng liều lượng này lại dẫn đến ngộ độc cấp tính và gây tử vong.

Những kết quả đối lập này đã bị Linus Pauling phản ứng mạnh mẽ và tìm cách vùi dập thêm. Tuy nhiên, cùng với các tác dụng phụ của vitamin-C trong điều trị ung thư như chảy máu dạ dày và suy thận [10], việc điều trị ung thư bằng vitamin-C đã không được các bác sĩ điều trị chấp nhận.

Kết luận bởi các nghiên cứu ở giai đoạn này cho thấy: tiêu thụ vitamin-C liều lượng lớn qua đường uống không có tác dụng bảo vệ khỏi ung thư cũng như điều trị ung thư.

Dùng bản thân chứng minh lý thuyết

 Sự thật về tác dụng thần kỳ của vitamin C trong phòng ngừa và chữa trị bệnh ung thư - Ảnh 2.

Tuy không được cộng đồng khoa học ủng hộ nhưng giới bán thực phẩm chức năng đã nhanh chóng sử dụng những tuyên bố của Linus Pauling cho việc bán hàng loạt các thuốc vitamin C và thực phẩm chức năng quảng cáo kèm theo để lôi kéo bệnh nhân ung thư.

Linus cũng dùng chính bản thân mình để chứng minh điều này: ông và vợ tiêu thụ khoảng 12. 000 mg vitamin C/ngày và có thể lên tới 40.000 mg nếu có triệu chứng cảm cúm. Vợ ông qua đời ở tuổi 78 do chảy máu dạ dày và ung thư dạ dày không lâu sau đó. Còn Linus qua đời năm 1994, ở tuổi 91, do ung thư tiến tuyền liệt.

Có ý kiến cho rằng thay vì qua đường uống, truyền vitamin C trực tiếp vào tĩnh mạch có thể đạt tới liều lượng trong máu giết chết tế bào ung thư. Do đó câu hỏi tiếp theo là: truyền vitamin C vào tĩnh mạch có tác dụng hay không, và vitaminC có thể kết hợp với thuốc điều trị ung thư được không?

Nghiên cứu khoa học: Chưa đủ để kết luận

Những nghiên cứu về tác dụng của ascorbic acid (vitamin C) trên tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm cho thấy vitamin C có thể giết chết một số loại tế bào ung thư thông qua việc thúc đẩy sản xuất hydroxyperoxide ở liều lượng khá cao (trên 1-10 milli-Molar [11 & 12].

Vitamin C còn có thể làm tăng hiệu quả của arsenic trioxide (một hợp chất được dùng trong hóa trị) trên tế bào ung thư buồng trứng [12].

Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng vitamin C có thể làm giảm tác dụng của các thuốc khác dùng trong hóa trị như doxorubicin, methotrexate, cisplatin trên tế bào ung thư leukemia & lymphoma [13] và bortezomib trên tế bào myeloma [14]. Do vậy, chỉ dựa vào các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm là chưa đủ để kết luận về tác dụng của vitamin-C trong điều trị ung thư.

Trên động vật, một số thí nghiệm cho thấy việc truyền vitamin-C vào tĩnh mạch có thể làm chậm quá trình tăng trưởng của ung thư, nhưng không có tác dụng triệt tiêu khối u [11]. Hơn nữa, để đạt được liều lượng giết chết tế bào ung thư giống như trong phòng thí nghiệm trên cơ thể người, vitamin-C cần được truyền vào cơ thể qua phương pháp truyền tĩnh mạch khoảng 40-100g. Nhưng liều lượng này có thực sự an toàn hay không vẫn còn đang gây tranh cãi.

Bảng: Các nghiên cứu về tác dụng của vitamin C trong điều trị ung thư trên người (Tổng hợp từ NIH: [15])

Phương pháp điều trị

Số lượng bệnh nhân

Số năm theo dõi/Giai đoạn nghiên cứu

Kết quả

Chỉ truyền tĩnh mạch vitamin-C liều cao sau khi phẫu thuật khối u [16]

3 bệnh nhân (1 ung thư biểu mô thận di căn, 1 ung thư hạch bạch huyết, 1 ung thư bàng quang di căn)

4 năm

Sống sót lâu hơn tiên liệu

Truyền tĩnh mạch vitamin-C 7.5g/tuần trong tối thiểu 4 tuần bên cạnh hóa trị/xạ trị [17]

53 bệnh nhân ung thư vú so với 72 bệnh nhân nhóm đối chứng

Theo dõi sau 1 năm phẫu thuật

Giảm tác dụng phụ của hóa/xạ trị

Truyền tĩnh mạch vitamin-C (10g/2 lần mỗi 3 ngày) và uống vitamin-C (4g/ngày) [18]

39 bệnh nhân giai đoạn cuối, (nhiều loại ung thư: gan, vú, đại tràng, phổi, etc…)

Theo dõi sau 1 tuần

Tăng chất lượng sống: giảm mệt mỏi, chán ăn, tăng chất lượng giấc ngủ, v.v…

Các bệnh nhân đều chết trong vòng 6 tháng.

Kết hợp truyền tĩnh mạch vitamin-C với gemcitabine và erlotinib [19]

Ung thư tuyến tụy giai đoạn IV trên 14 bệnh nhân

Phase I, 2012

5 bệnh nhân vẫn có khối u tiếp tục phát triển nên đã dừng truyền, 9 bệnh nhân có tình trạng ổn định và tiếp tục truyền.

Kết hợp truyền tĩnh mạch hợp vitamin-C với gemcitabine [20]

Ung thư tuyến tụy giai đoạn IV trên 9 bệnh nhân

Phase I, 2013

Thời gian sống sót trung bình: 26 tuần.

Thời gian sống sót tối đa: 48 tuần.

Kết hợp vitamin-C với carboplatin & paclitaxel [21]

Ung thư buồng trứng giai đoạn III/IV trên 27 bệnh nhân

Phase I/IIA

Đang tiến hành, bệnh nhân có dấu hiệu giảm tác dụng phụ của hóa trị khi kết hợp với vitamin C

Kết hợp truyền tĩnh mạch vitamin-C và arsenic trioxide [22-25]

Bệnh nhân đa u tủy

Đang tiến hành

Kết hợp truyền tĩnh mạch vitamin-C và arsenic trioxide [26]

Ung thư đại tràng di căn

Không thấy tác dụng chống ung thư, bệnh nhân bị những tác dụng phụ từ nhẹ tới nghiêm trọng

[27]

Ung thư da hắc tố di căn

Không thấy tác dụng chống ung thư, bệnh nhân bị những tác dụng phụ từ nhẹ tới nghiêm trọng

Điểm yếu chung của các cuộc thử nghiệm này là số lượng người tham gia vẫn hạn chế, và nhóm đối chứng thường được lấy trong lịch sử điều trị.

Những kết quả trên cho thấy việc sử dụng vitamin-C như một biện pháp điều trị ung thư vẫn còn gây tranh cãi. Một vài trường hợp đáp ứng tốt không có nghĩa là có thể xem vitamin-C như là biện pháp an toàn và hữu hiệu trong việc phòng ngừa và điều trị ung thư như Linus Pauling ban đầu đã tuyên bố. Do đó, FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) chưa chấp nhận việc sử dụng vitamin-C liều cao trong điều trị ung thư.

Bệnh nhân và người đọc vẫn nên cẩn thận và tỉnh táo trước các thông tin về tác dụng thần kỳ của vitamin-C và nên theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ để có cơ hội sống sót cao nhất.

Chịu trách nhiệm nội dung: TS Lê Anh Phương

Cố vấn khoa học: TS Nguyễn Hồng Vũ (Ruybangtim)

Tài liệu tham khảo

1. Pauling L: Vitamin C and the Common Cold. San Francisco: WH Freeman, 1976.

2. Pauling L: Vitamin C, the Common Cold and the Flu. San Francisco: WH Freeman, 1976.

3. Pauling L. How to Live Longer and Feel Better. New York

4. Cameron E, Pauling L. (1976) Supplemental ascorbate in the supportive treatment of cancer: prolongation of survival times in terminal human cancer. Proceeding of the National Academy of Sciences 73:3685-3689

5. Cameron E, Pauling L. (1978) Supplemental ascorbate in the supportive treatment of cancer: reevaluation of prolongation of survival times in terminal human cancer. Proceeding of the National Academy of Sciences 75:4538-4542.

6. Creagan ET et. al (1979) Failure of high-dose vitamin C (ascorbic acid) therapy to benefit patients with advanced cancer. A controlled trial. New England Journal of Medicine 301:687-690

7. Moertel CG et. al (1985) High-dose vitamin C versus placebo in the treatment of patients with advanced cancer who have had no prior chemotherapy. A randomized double-blind comparison. New England Journal of Medicine 312:137-141

8. Tschetter L et. al (1983) A community-based study of vitamin C (ascorbic acid) in patients with advanced cancer. Proceedings of the American Society of Clinical Oncology 2:92

9. Robinson AB et. al (1994) Suppression of squamous cell carcinoma in hairless mice by dietary nutrient variation. Mechanisms of Aging and Development 76:201-214, 1994.

10. Lawton, JM et. al (1985) Acute oxalate nephropathy after massive ascorbic acid administration. JAMA Internal Medicine 145(5):950-1 doi:10.1001/archinte.1985.00360050220044

11. Chen, Q., et. al (2008). Pharmacologic doses of ascorbate act as a prooxidant and decrease growth of aggressive tumor xenografts in mice. Proceedings of the National Academy of Sciences, 105(32), 11105-11109. DOI: 10.1073/pnas.0804226105

12. Cimmino, L et. al (2017) Restoration of TET2 function blocks aberrant self-renewal and leukemia progression. Cell. DOI: 10.1016/j.cell.2017.07.032

13. Ong PS, Chan SY, Ho PC (2011) Differential augmentative effects of buthionine sulfoximine and ascorbic acid in As2O3-induced ovarian cancer cell death: oxidative stress-independent and -dependent cytotoxic potentiation. Int J Oncol 38 (6): 1731-9, 2011

14. Heaney ML, Gardner JR, Karasavvas N, et al (2008) Vitamin C antagonizes the cytotoxic effects of antineoplastic drugs. Cancer Res 68 (19): 8031-8, 2008

15. https://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/cam/hp/vitamin-c-pdq#_35_toc

16. Padayatty, SJ et. al (2006) Intravenously administered vitamin C as cancer therapy: three cases. CMAJ. 174(7):937-42. DOI: 10.1503/cmaj.050346

17. Vollbracht, C et. al (2011)

Intravenous Vitamin C Administration Improves Quality of Life in Breast Cancer Patients during Chemo-/Radiotherapy and Aftercare: Results of a Retrospective, Multicentre, Epidemiological Cohort Study in Germany. 25(6): 983-990. DOI: http://iv.iiarjournals.org/content/25/6/983.long

18. Yeom, CH et. al (2007) Changes of terminal cancer patients’ health-related quality of life after high dose vitamin C administration. 22(1):7-11. doi: https://doi.org/10.3346/jkms.2007.22.1.7

19. Monti, DA et. al (2012) Phase I evaluation of intravenous ascorbic acid in combination with gemcitabine and erlotinib in patients with metastatic pancreatic cancer. 7(1):e29794. doi: 10.1371/journal.pone.0029794.

20. Welsh, JL et. al (2013) Pharmacological ascorbate with gemcitabine for the control of metastatic and node-positive pancreatic cancer (PACMAN): results from a phase I clinical trial. 71(3):765-75. doi: 10.1007/s00280-013-2070-8

21. Ma, Y et. al (2014) High-dose parenteral ascorbate enhanced chemosensitivity of ovarian cancer and reduced toxicity of chemotherapy. 6(222):222ra18. doi: 10.1126/scitranslmed.3007154

22. Abou-Jawde, RM et. al (2006) Efficacy and safety results with the combination therapy of arsenic trioxide, dexamethasone, and ascorbic acid in multiple myeloma patients: a phase 2 trial. 23(2):263-72. Doi: https://doi.org/10.1385/MO:23:2:263

23. Berenson, JR et. al (2007) A phase I/II study of arsenic trioxide/bortezomib/ascorbic acid combination therapy for the treatment of relapsed or refractory multiple myeloma. 13(6):1762-8. Doi: 10.1158/1078-0432.CCR-06-1812

24. Qazilbash, MH et. al (2008) Arsenic trioxide with ascorbic acid and high-dose melphalan: results of a phase II randomized trial. 14(12):1401-7. doi: 10.1016/j.bbmt.2008.09.019

25. Berenson, JR et. al (2006) Efficacy and safety of melphalan, arsenic trioxide and ascorbic acid combination therapy in patients with relapsed or refractory multiple myeloma: a prospective, multicentre, phase II, single-arm study. 135(2):174-83. DOI: 10.1111/j.1365-2141.2006.06280.x

26. Subbarayan, PR et. al (2007) Arsenic trioxide/ascorbic acid therapy in patients with refractory metastatic colorectal carcinoma: a clinical experience. 46(4):557-61. DOI: 10.1080/02841860601042456

27. Bael, TE et. al (2008) Phase II trial of arsenic trioxide and ascorbic acid with temozolomide in patients with metastatic melanoma with or without central nervous system metastases. 147-51. doi: 10.1097/CMR.0b013e3282f2a7ae

Ruy Băng Tím là tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam, được thành lập vào ngày 12/12/2015 với sự tham gia của các bác sĩ ung bướu, các nhà khoa học nghiên cứu về ung thư trong và ngoài nước. Ruy Băng Tím nhằm xây dựng một website khoa học đáng tin cậy, chuyên cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về ung thư. Các bài viết đều được các tác giả tra cứu kỹ lưỡng trước khi viết, có dẫn nguồn đầy đủ để người đọc có thể tham khảo. Website: ruybangtim.com

Theo TS Lê Anh Phương

Cùng chuyên mục
XEM