Sự thật ít người biết về chuyển mạng giữ số

29/05/2019 08:44 AM | Kinh doanh

ictnews Trong khi nhiều người tập trung mạnh vào cuộc đua chuyển mạng giữ số, với các con số chuyển đến và đi của các nhà mạng, hiệu quả tăng trưởng là yếu tố ít được nhắc tới. Đó chính là phần chìm của tảng băng nhưng đang dần lộ rõ.

Ngày 16/11/2018, dịch vụ chuyển mạng giữ số bắt đầu được thực hiện với các thuê bao trả sau; và kể từ 1/1/2019 áp dụng cho cả thuê bao trả trước. Mặc dù tạo ra sự chú ý lớn với công chúng nhưng sau 6 tháng thực hiện, theo đánh giá của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông): “Tác động của cuộc đua chuyển mạng giữ số đến các nhà mạng là rất nhỏ, và chưa thể tạo ra biến động nào đáng kể đối với thị trường viễn thông”.

Số liệu do Cục Viễn thông công bố cho thấy, trong 6 tháng, mới có 424.455 thuê bao đăng ký chuyển mạng – chỉ chiếm 0,32% trên tổng số 133,3 triệu thuê bao đang phát sinh cước.

Thế nhưng, có một sự thay đổi lớn diễn ra với Viettel – nhà mạng có số lượng thuê bao lớn nhất Việt Nam (70 triệu), vùng phủ 4G cũng lớn nhất Việt Nam (50.000 trạm BTS), đồng thời là thương hiệu đầu tiên triển khai 5G (đã có cuộc gọi đầu tiên ngày 10/5/2019).

Theo công bố của Tập đoàn Viettel, doanh thu quý 1/2019 đạt 54.400 tỷ đồng– tăng trưởng 9,5% so với cùng kỳ, trong đó viễn thông trong nước đóng góp 37.000 tỷ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận từ mảng viễn thông đạt 8.800 tỷ đồng – vượt kế hoạch quý 1.

Viettel cho biết, quý này nhà mạng chứng kiến sự bùng nổ về tiêu dùng data, đặc biệt là sự chuyển dịch lên mạng 4G tốc độ cao. Mỗi tháng, Viettel có thêm xấp xỉ 1 triệu thuê bao 4G - tốc độ phát triển nhanh nhất từ trước đến nay. Hiện tại, Viettel có gần 17 triệu thuê bao 4G, gấp 1,3 lần tổng số thuê bao 4G của tất cả các mạng di động khác ở Việt Nam.

Mạng 4G của Viettel được khách hàng lựa chọn vì tốc độ cao, trải nghiệm tốt trong khi giá cước lại rẻ. Lưu lượng data tiêu dùng trong quý 1/2019 của Viettel lớn gấp đôi (tăng 102%) so với cùng kỳ năm 2018; trong khi tổng số tiền chi cho dịch vụ di động (tiêu dùng di động) của khách hàng chỉ tăng 21%.

Đây là những con số tăng trưởng rất khác so với việc số liệu chuyển mạng giữ số của Viettel trong 3 tháng đầu năm (chuyển đến so với chuyển đi) không tốt bằng một nhà mạng khác.

Vậy điều gì đã diễn ra khi Viettel tăng trưởng thuê bao 4G tốt, doanh thu tốt, lợi nhuận tốt mà số liệu chuyển mạng giữ số lại chưa tốt trong 3 tháng đầu năm?

Thực tế, số lượng thuê bao chênh lệch trên toàn thị trường giữa các mạng (cả 4 mạng di động) nếu tính trong 3 tháng đầu năm chỉ khoảng vài chục nghìn thuê bao. Con số này nhỏ hơn rất nhiều so với đăng ký mới của các nhà mạng. Một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về viễn thông di động cho biết, một nhà mạng có thể âm chút ít về thuê bao chuyển mạng giữ số nhưng lại có thuê bao thực tăng trưởng dương cao hơn nhiều số đó.

"Và quan trọng hơn, các thuê bao mà họ có được từ chuyển mạng giữ số và phát triển mới là thuê bao tiêu dùng thực sự. Đây mới chính là động lực giúp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận", chuyên gia này phân tích. Tuy nhiên, người ta thường chú ý quá nhiều vào số lượng thuê bao chuyển mạng giữ số trong khi số lượng chênh lệch giữa đi và đến là rất nhỏ nếu so với tổng số thuê bao.

Thực ra, nguy cơ mà các mạng di động phải đối mặt trong thời gian đây là sự suy giảm về tiêu dùng thoại và SMS do sự phát triển cực mạnh của các ứng dụng OTT. Vì thế, mạng di động nào có thể chuyển đổi bằng cách tăng tiêu dùng data của khách hàng mới có thể tạo ra triển vọng tăng trưởng thực sự.

Còn việc có gia tăng một lượng nhỏ thuê bao từ chuyển mạng giữ số (chuyển đến so với chuyển đi) có thể tạo sự chú ý về thương hiệu, giống như phần nổi của tảng băng nhưng không phải là yếu tố tăng trưởng cốt lõi. Đây chính là phần chìm của tảng băng mà ít người đề cập.

Hiện tại, Viettel là doanh nghiệp viễn thông duy nhất công bố kết quả kinh doanh quý 1/2019 nên thị trường không có sự so sánh với các nhà mạng khác. Nhưng với việc thị trường của thoại và SMS đã đến ngưỡng bão hòa không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, việc không thể chuyển dịch sang tăng trưởng mạnh về tiêu dùng data sẽ khiến các hãng viễn thông khó cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Việc Viettel công khai những chỉ tiêu tăng trưởng data "cốt tử" đã cho thấy tính hiệu quả trong chuyển dịch kinh doanh và lợi thế cạnh tranh khác biệt của nhà mạng này. Nguồn tin từ Viettel tiết lộ, tỷ lệ thuê bao có ARPU cao chuyển từ nhà mạng khác sang là con số rất cao. "Việc này nhờ chúng tôi kiên định trong chính sách nhà mạng tử tế và tiện ích, tập trung vào trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cũng như đầu tư lớn cho hạ tầng", một lãnh đạo Viettel chia sẻ.

Trên thực tế, việc giành giật thuê bao trong cuộc đua chuyển mạng giữ số với những thuê bao có ARPU (doanh thu trung bình trên mỗi người dùng) thấp sẽ đem lại hiệu quả kinh doanh không cao. Và việc có thêm được nhiều thuê bao chuyển mạng giữ số nhưng trải nghiệm khách hàng không được cải thiện, hạ tầng không được đầu tư thêm, công nghệ mới không được triển khai… thì về dài hạn khó có được những khách hàng đem lại doanh thu tốt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thuê bao chuyển mạng có thể dương nhưng khả năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thực tế là một ẩn số.

Nhìn vào cuộc đua chuyển mạng giữ số của các nhà mạng, nếu nhìn vào các con số bề nổi trong 3-4 tháng đầu tiên, mọi người có thể hơi ngạc nhiên. Thế nhưng, càng về sau khi các yếu tố "ảo" giảm dần, nhà mạng có đầu tư chiến lược, với tầm nhìn dài hạn sẽ có kết quả đúng như dự kiến. Và những con số thống kê về chuyển mạng giữ số trong 2 tháng gần đây và những số liệu kinh doanh được công khai đã cho thấy bức tranh thực sự: phần chìm của tảng băng đã dần lộ diện.

Theo Thu Hằng

Cùng chuyên mục
XEM