Sự thật cay đắng khiến Elon Musk phiền lòng: Tesla kinh doanh có lãi không phải nhờ bán xe ô tô!
Điều khiến Elon Musk phiền lòng: Tesla không kinh doanh có lãi nhờ bán xe ô tô.
Tesla vừa lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận 1 năm trọn vẹn có lãi trong năm 2020. Tuy nhiên, sự thật cay đắng là lợi nhuận họ có không phải tới từ việc bán xe ô tô.
Hiện tại đã có 11 bang của Mỹ yêu cầu các nhà sản xuất ô tô phải bán được một lượng % nhất định các dòng xe không khí thải tính tới năm 2025. Nếu không làm như vậy, các nhà sản xuất ô tô buộc phải mua tín chỉ khí thải từ những nhà sản xuất ô tô khác nhằm đáp ứng những yêu cầu này. Và Tesla là một công ty như vậy, họ bán độc quyền xe ô tô điện.
Đây rõ ràng là một mảng kinh doanh lời lãi cho Tesla khi nó mang về 3,3 tỷ USD trong 5 năm vừa qua, với gần một nửa trong số đó tới riêng trong năm 2020. Việc bán được 1,6 tỷ USD tín chỉ khí thải vào năm ngoái lớn hơn rất nhiều so với lợi nhuận ròng của Tesla đạt 721 triệu USD - nghĩa là Tesla đáng ra đã phải công bố thua lỗ vào năm 2020.
"Công ty này đang thua lỗ khi bán xe ô tô điện. Họ kiếm được tiền nhờ bán tín chỉ khí thải mà mảng đó thì đang dần biến mất", theo Gordon Johnson - đến từ công ty nghiên cứu GLJ Research.
Những lãnh đạo cấp cao nhất của công ty cũng tin rằng họ cũng không thể tiếp tục kiếm được tiền từ nguồn này nữa.
"Đây luôn luôn là lĩnh vực cực kỳ khó khăn để dự đoán với chúng tôi", theo Giám đốc tài chính Tesla Zachry Kirkhorn. "Trong dài hạn, doanh thu bán tín chỉ khí thải sẽ không phải là một phần đóng góp doanh thu nữa và chúng tôi cũng không có kế hoạch kinh doanh gì với nó cả. Có thể là trong vài quý tới nó vẫn tiếp tục mang về doanh thu tốt hoặc cũng có thể không".
Hiện 11 bang yêu cầu các công ty phải mua tín chỉ khí thải gồm California, Colorado, Connecticut, Maine, Maryland, Massachusetts, New York, New Jersey, Oregon, Rhode Island và Vermont.
Điều đáng chú ý tiếp theo là Tesla dùng những phương thức tính lợi nhuận rất khác so với những công ty còn lại. Theo cách tính của họ, lợi nhuận sẽ đủ lớn để công ty không phụ thuộc vào doanh thu của việc bán tín chỉ khí thải.
Công ty báo cáo doanh thu điều chỉnh trong năm 2020 không gồm 1,7 tỷ USD (trong tổng 2,5 tỷ USD) tiền bồi thường trên cổ phiếu. Lợi nhuận gộp của họ so với tổng doanh thu từ việc kinh doanh ô tô với các chi phí liên quan trực tiếp đến việc chế tạo ô tô là 5,4 tỷ USD chưa gồm doanh thu bán tín chỉ khí thải. Và dòng tiền tự do của công ty đạt 2,8 tỷ USD, tăng 158% so với năm trước - mức thay đổi đáng kể so với năm 2018 khi Tesla đang đốt tiền rất nhiều và có khả năng hết sạch tiền.
Những người ủng hộ Tesla thì nói rằng cách tính này cho thấy Tesla đang kiếm được tiền sau nhiều năn thua lỗ dù cũng tính bằng những phương thức kế toán đó. Mức lợi nhuận này là một trong những lý do cổ phiếu công ty tăng tốt trong hơn 1 năm qua.
Tuy nhiên, tranh cãi nổ ra giữa những người ủng hộ và chỉ trích công ty là khả năng có lãi thực sự của công ty.
"Họ đang tranh luận 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau và sẽ không bao giờ có thể giải quyết được". Munster tin rằng các nhà phê bình đang tập trung quá nhiều vào việc tại sao doanh thu bán tín chỉ khí thải vẫn vẫn vượt lợi nhuận ròng của Tesla.
Ông cho rằng tỷ suất lợi nhuận gộp ngành ô tô, không bao gồm doanh số bán các khoản tín chỉ khí thải theo quy định mới là thước đo tốt nhất cho thành công về mặt tài chính của công ty. Ông nói: “Đó là chỉ số hàng đầu” để đánh giá lợi nhuận của Tesla. "Không có cơ hội để GM và VW kiếm tiền trên cơ sở đó dựa trên các dòng xe điện của họ."
Vậy tương lai Tesla ra sao?
Cổ phiếu Tesla đã tăng dữ dội trong năm vừa qua ở mức 743% - biến họ trở thành một trong những công ty giá trị nhất thế giới. Tuy nhiên, 500.000 xe ô tô điện được bán ra trong năm 2020 rất nhỏ so với con số 70 triệu chiếc xe hơi được dự đoán bán ra toàn cầu.
Vốn hoá Tesla hiện trị giá gần bằng 12 nhà sản xuất ô tô lớn nhất gộp lại, những công ty bán ra hơn 90% lượng ô tô toàn cầu.
Điều Tesla có mà các nhà sản xuất ô tô khác không có là tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Tuần trước, họ dự báo tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm đạt 50% trong vài năm tới và họ dự báo sẽ làm tốt hơn trong năm 2021 so với các nhà sản xuất ô tô khác đang gặp khó khăn vì đại dịch.
Toàn bộ ngành công nghiệp đang hướng tới một tương lai hoàn toàn bằng điện, vừa để đáp ứng các quy định môi trường khắt khe hơn trên toàn cầu vừa để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện, vốn đòi hỏi ít lao động hơn, ít bộ phận hơn và chi phí chế tạo thấp hơn so với xe ô tô chạy bằng xăng truyền thống.
"Điều mà hầu hết mọi người không thể phủ nhận đó là xe điện sẽ là tương lai," Munster nói. "Tôi nghĩ đó là một giả định an toàn".
Tuy nhiên dù hiện Tesla là nhà sản xuất xe ô tô điện hàng đầu nhưng họ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng khi hầu hết mọi nhà sản xuất ô tô đều tung ra những chiếc xe điện của riêng họ hoặc có kế hoạch làm như vậy. Volkswagen đã vượt qua Tesla về doanh số bán xe điện ở hầu hết các quốc gia châu Âu. Tuần trước, GM cho biết họ hy vọng sẽ chuyển hoàn toàn sang ô tô không khí thải vào năm 2035.
"Sự cạnh tranh đang khiến những chiếc xe của Tesla không còn phù hợp nữa," Johnson của GLJ 'Resarch cho biết. "Chúng tôi không xem đây là một mô hình kinh doanh bền vững".
Các nhà phân tích khác thì tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng giá cổ phiếu của Tesla là hợp lý khi họ có thể hưởng lợi từ việc chuyển sang xe điện.
Daniel Ives, nhà phân tích công nghệ của Wedbush Securities cho biết: "Tesla sẽ không giữ được 80-90% thị phần xe điện, nhưng họ có thể tiếp tục phát triển ngay cả với thị phần thấp hơn nhiều. Chúng tôi đang dự kiến có từ 3 triệu đến 4 triệu xe mỗi năm khi bước vào giai đoạn năm 2025-26, với 40% mức tăng trưởng đó đến từ Trung Quốc. Chúng tôi cũng tin rằng giờ đây Tesla đang đi trên quỹ đạo mà ngay cả khi không có tín chỉ khí thải thì công ty vẫn sẽ vẫn có lãi".
Nguồn: CNN