Sử dụng điện thoại thâu đêm, tắm đêm có gây đột quỵ? Chuyên gia trả lời và hướng dẫn cách phòng bệnh tốt nhất

30/12/2020 15:00 PM | Sống

Theo các chuyên gia, hiện nay chưa phát hiện ra nguyên nhân mới gây ra đột quỵ. Tuy nhiên, đột nguỵ ở người trẻ ngày nay gia tăng có liên quan tới lối sống.

Thời gian gần đây, xuất hiện một số thông tin cho rằng tắm đêm và xem điện thoại thâu đêm gây ra đột quỵ.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, trong các nguyên nhân gây ra đột quỵ,  tắm đêm chưa được coi là yếu tố nguy cơ. Cho tới nay chưa có bằng chứng tắm đêm làm tăng đột quỵ.

Tuy nhiên, tắm đêm nếu bằng nước lạnh đôi khi sự thay đổi về nhiệt độ tạo ra cú số nhẹ. Nếu cú sốc đó trên nền một bệnh nhân tăng huyết áp, dị dạng mạch máu có thể làm tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ.

Sử dụng điện thoại thâu đêm có đột quỵ hay không? PGS.TS Thắng cho hay, chưa có bằng chứng việc sử dụng điện thoại thâu đêm tăng nguy cơ đột quỵ.

 Sử dụng điện thoại thâu đêm, tắm đêm có gây đột quỵ? Chuyên gia trả lời và hướng dẫn cách phòng bệnh tốt nhất - Ảnh 1.

Thức thâu đêm xem điện thoại không có bằng chứng làm tăng nguy cơ gây đột quỵ, ảnh minh hoạ.


Trước đây, khi nhắc tới đột quỵ người ta thường nghĩ ngay bệnh lý ở người lớn tuổi. Tuy nhiên hiện nay, số người trẻ dưới 40 tuổi gặp đột quỵ chiếm tới 10-15%. Gánh nặng của đột quỵ không phải là tử vong mà là tàn phế.

Theo số liệu của WHO tại phương Tây tỷ lệ đột quỵ giảm 40% mỗi năm. Trong khi đó, ở các nước có kinh tế eo hẹp như: Đông Nam Á đột quỵ mắc cao hơn đáng kể từng năm.

Nguyên nhân gia tăng đột quỵ ở người trẻ là do lối sống như: hút thuốc lá, uống bia rượu, sử dụng chất gây nghiện... nhiều hơn. Bên cạnh đó, cuộc sống bận rộn, công việc quá tải, stress.

PGS.TS Thắng cho hay: "Đột quỵ vô căn (không có nguyên nhân) rất hiếm. Đa phần đột quỵ xảy ra đều có nguyên nhân.

Ví dụ, người bị tăng huyết áp lâu năm nhưng không kiểm soát, người tiểu đường nhưng không kiêng đồ ngọt, người có bệnh lý tim mạch không dùng thuốc… sớm muộn sẽ dẫn tới đột quỵ".

Cách phòng đột quỵ theo chuyên gia tốt nhất là phải kiểm soát chặt chẽ nguyên nhân: Bệnh nhân huyết áp phải kiểm soát được huyết áp; Bệnh nhân tiểu đường phải đặt được mục tiêu đường huyết về bình thường.

PGS.TS Thắng khuyến cáo, tỷ lệ hút thuốc lá quá cao, người Việt hút bất cứ đâu. Hút thuốc lá sẽ gây hại cho thành mạch máu. Có tới 70% số bệnh nhân đột quỵ có hút thuốc lá. Thậm chí có những bệnh nhân đã đột quỵ nhưng vẫn hút thuốc.

"Người trẻ khoẻ mạnh có lối sống lành mạnh đột quỵ sẽ không xảy ra nếu không có yếu tố nguy cơ. 

Đột quỵ sẽ xảy ra ở nhóm đối tượng có nguy cơ: tăng huyết áp, rối loạn nhịp, bất thường mạch máu… Những đối tượng này phải theo dõi sức khoẻ kỹ lưỡng thường xuyên đi khám bác sĩ. Nếu chú ý tới sức khoẻ, kiểm soát các yếu tố nguy cơ thì khả năng xảy ra đột quỵ ở nhóm này sẽ rất thấp", PGS.TS Thắng nói.

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM