Startup sợi lá dứa của nữ giảng viên chinh phục dàn cá mập Shark Tank mùa 5 giờ ra sao: Nên duyên với 2 cá mập ngoài bể, doanh thu tăng hàng chục lần, xuất khẩu tới Nhật, Mỹ, Châu Âu…
“Mỗi năm có vài triệu tấn lá bị loại bỏ sau mùa vụ thu hoạch dứa. Lá dứa từng bị coi là phế phẩm, chất thải nông nghiệp cần được xử lý. Mình đau đáu nhiều với việc biến thứ bị coi là rác đó thành tài nguyên đặt đúng chỗ… ”, Vũ Thị Liễu - CEO Ecosoi chia sẻ với chúng tôi về những ý tưởng sơ khai ngày đầu khởi nghiệp.
Nhà sáng lập Ecosoi Vũ Thị Liễu đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành môi trường với vai trò là giảng viên khoa Môi trường (trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội). Thay vì chỉ nghiên cứu đơn thuần như một thạc sỹ ngành môi trường trên giảng đường đại học, các thông tin đáng ngại về môi trường thôi thúc chị Liễu trực tiếp bắt tay vào thực tế để giải quyết các vấn đề môi trường.
Chị Liễu chia sẻ, Việt Nam đang có hơn 47.000 ha dứa đang được trồng để lấy quả. Bà con nông dân thu hoạch hơn 1 triệu tấn quả dứa đồng thời thải bỏ vài triệu tấn lá dứa mỗi năm. Tuy nhiên, lá dứa được xử lý chủ yếu bằng cách đốt trên cánh đồng. Ước tính mỗi lần đốt lá sẽ thải ra hàng nghìn tấn CO2.
Điều đáng lo ngại hơn là việc bà con nông dân sử dụng thuốc phun cháy lá để đẩy nhanh quá trình xử lý lá dứa khiến có nguy cơ tác động đến môi trường cao hơn khi những chất độc trong thuốc có thể làm vi sinh vật trong đất chết và có thể gây ô nhiễm nguồn nước ngầm ở địa phương đó.
“Mỗi năm có vài triệu tấn lá bị loại bỏ sau mùa vụ thu hoạch dứa. Lá dứa từng bị coi là phế phẩm, chất thải nông nghiệp cần được xử lý. Mình đau đáu nhiều với việc biến thứ bị coi là rác đó thành tài nguyên đặt đúng chỗ”, chị Liễu trăn trở. Thời điểm đó, bản thân chị vẫn chưa có ý định sẽ thành lập công ty hoặc khởi nghiệp từ nguyên liệu được cho là “rác” này.
“Khi nghiên cứu trong phòng lab mình mới nhận ra là lá dứa có thể biến thành sợi vải. Có thể kéo sợi vải từ những lá dứa tưởng chừng bỏ đi. Phải mất mấy tháng việc nghiên cứu sợi lá dứa mới hoàn thành. Lúc này, ý định trở thành một startup mới bắt đầu nhen nhóm trong mình” , Thạc sĩ Vũ Thị Liễu cho biết.
Những ngày đầu, chị Liễu chỉ đơn giản nghĩ làm sao để giải bài toán về việc bà con nông dân đốt lá dứa sau mỗi mùa vụ. Sau khi kết nối với anh Nguyễn Văn Hạnh (người sáng lập ra hợp tác xã nông sản Hạnh Phúc) cùng nhau nghiên cứu và phát triển máy tách sợi từ lá dứa. Lúc này cái tên Ecosoi mới bắt đầu hình thành.
“Công ty Cổ phần nghiên cứu sản xuất và phát triển sợi Ecosoi được thành lập vào năm 2021 cùng với Hạnh và một người bạn đồng hành khác đang ở nước ngoài. Người này là Chủ tịch tổ chức “Keep It Beautiful Vietnam” chuyên khôi phục những làng nghề truyền thống đang bị mai một. Thời điểm mới thành lập, Ecosoi có số vốn thực góp là 1 tỷ nhưng đã tiêu hết 800 triệu để phát triển sản phẩm và cơ sở hạ tầng.
Sau khi sản xuất thành công máy tách sợi dứa, Ecosoi tiếp tục đẩy nhanh tốc độ bằng cách chuyển giao công nghệ và đặt hàng các hợp tác xã, đơn vị có sẵn vùng nguyên liệu, nguồn lao động là người dân địa phương… để các tổ chức chủ động sản xuất và bán lại sợi thô cho công ty”.
Đáng chú ý, thời điểm Ecosoi ra đời cũng vào lúc dịch bệnh Covid-19 căng thẳng. Người dân từ thành phố lúc đó đổ dồn về quê tránh dịch, nhưng thời điểm đó kinh tế khó khăn, việc người dân không có việc khi quay trở về chính quê hương mình.
“Ecosoi ra đời không chỉ nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị cây dứa mà còn tạo sinh kế cho người dân nông thôn và những người yếu thế trong xã hội nhất là những người phụ nữ vùng nông thôn” , Thạc sĩ Vũ Thị Liễu kể.
Vùng nguyên liệu của Ecosoi hiện tại đang tập trung ở vùng Thanh Hoá, Nghệ An và Ninh Bình. Kho và xưởng của công ty đặt tại Quỳnh Lưu (Nghệ An) do anh Nguyễn Văn Hạnh đứng ra chịu trách nhiệm chính. Chia sẻ với chúng tôi, chị Vũ Thị Liễu cho biết Ecosoi đang bao tiêu khoảng 5.000ha ở Thanh Hóa và hơn 2.000 ha vùng trồng dứa ở Nghệ An.
“Một chiếc máy tách sợi giá từ 45 - 50 triệu đồng, một ngày máy có thể xử lý 250 - 300kg lá tươi và cho ra trung bình khoảng 4 - 5kg sợi khô thành phẩm cuối cùng. Một hộ dân trồng dứa thông thường rơi vào 3 - 5ha dứa, cho ra 1,5 - 2,5 tấn sợi. Như vậy thay vì đốt lá gây ô nhiễm môi trường, người nông dân có thể kiếm thêm tới 200 - 350 triệu đồng tiền sợi dứa mỗi năm. Ecosoi cũng đã chuyển giao máy móc về Tây Nguyên cụ thể là Đắk Lắk để giúp bà con dân tộc thiểu số có thể có thêm một nghề trong thời gian nông nhàn ”, CEO Ecosoi cho biết.
Tuy nhiên sau khi nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm sợi dứa thô, chị Vũ Thị Liễu cho biết khó khăn bây giờ mới thực sự bắt đầu khi hầu hết các đơn vị kéo sợi đều lắc đầu.
“Sản phẩm mới, các đơn vị kéo sợi đặt câu hỏi liệu nó có kéo sợi thành công thật không hay sẽ chỉ tốn công vô ích? Một lý do khác nữa là người ta ngại thử, nếu kéo sợi từ sợi dứa mà không may xảy ra trục trặc có thể đi tong cả một dàn máy hàng trăm tỷ” , chị Liễu chia sẻ.
Trước thực tế này, những nhà sáng lập Ecosoi tiếp tục nghiên cứu và làm sao để đưa sản phẩm sợi thô thành sợi bông và kéo sợi được từ đó. Đến đầu năm 2023 những cuộn sợi làm từ lá dứa ra đời. Sau khi đã kéo sợi thành công, chị Liễu tiếp tục với công tác nghiên cứu biến những cuộn sợi dứa thành vải thời trang.
“Mình không phải là người từ dệt may nên ban đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng phải cảm ơn những người đi trước trong ngành đã chỉ bảo để Ecosoi sản xuất thành công những tấm vải thô và sau này là cuộn vải công nghiệp”, chị nhớ lại.
Hơn 2 năm trước, từ những thành công bước đầu về sản phẩm, chị Liễu đăng ký tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 5, với mong muốn kêu gọi đầu tư 100.000 USD cho 20% cổ phần. Sau khi đàm phán, Ecosoi đã thành công “chốt deal” với Shark Hùng Anh, 100.000 USD cho 30% kèm sự hỗ trợ về các công tác quản trị, tái cấu trúc doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thương vụ bạc tỷ này sau đó chưa thể đi đến bước cuối cùng là ký kết đầu tư. “Lúc đó chính mình cảm thấy Ecosoi vẫn nhỏ bé và chưa đủ “duyên” nên đã xin phép dừng deal với Shark Hùng Anh. Có lẽ trong tương lai Ecosoi lớn mạnh hơn, nếu có cơ hội công ty vẫn muốn hợp tác với các Shark. Shark Tank đã mở ra một con đường mới cho Ecosoi khi trước khi đến với Shark Tank chỉ có một khách hàng nhưng sau thương vụ đã có hơn 20 khách hàng tìm đến với Ecosoi” , chị Liễu tiết lộ.
Hiện tại, Ecosoi đã xuất khẩu đến nhiều nước như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hungary, Mỹ,… và được mời đi triển lãm tại các sự kiện thời trang xanh tại nhiều nơi trên thế giới.
Đáng chú ý, sau “bể cá mập” Ecosoi đã có 2 vòng gọi vốn thành công nữa.
“Một nhà đầu tư cá nhân đã tìm đến Ecosoi sau khi đơn vị lên Shark Tank. Họ nói chuyện với mình qua zoom sau đó dành một ngày làm việc tại công ty và chốt deal chuyển tiền luôn chỉ sau một ngày với 1,5 tỷ cho 15 % cổ phần. Sau vòng gọi vốn này, Ecosoi cũng đã có thêm sự đầu tư từ một nhà đầu tư người Việt” , CEO Ecosoi cho biết.
Về lợi thế cạnh tranh trên thị trường, chị Liễu đánh giá: “ Ecosoi có điểm vượt trội công nghệ khi sản xuất trung bình được 4kg sợi/ngày. Thêm vào đó, trong quá trình thu hoạch lá, các đối thủ khác sản xuất 1kg sợi từ 67kg lá thì Ecosoi chỉ cần 55kg lá dứa. Bên cạnh đó, đơn vị bình thường để sản xuất ra 1 mét vải thì phải sử dụng đến 65 lít nước nhưng Ecosoi chỉ cần 30 lít khi tuốt và rửa để giữ được màu sắc và chất lượng sợi.
Nhìn nhận từ thực tế, sợi bông vẫn sẽ chiếm lĩnh thị trường trong thời gian tới vì thời gian phát triển của sợi bông đã trải qua hàng ngàn năm lịch sự trong khi đó sợi dứa vẫn đang được định vị là sản phẩm mới. Sợi dứa của Ecosoi sinh ra không phải để trở thành đối thủ cạnh tranh của sợi bông mà chỉ góp phần để người dùng có thêm lựa chọn. ”
Theo nhà sáng lập, 80% doanh thu của Ecosoi đến từ xuất khẩu và thị trường nội địa chỉ chiếm 20%. Chị Liễu cho biết bản thân mong muốn phát triển sản phẩm ở thị trường trong nước để người Việt Nam được dùng những sản phẩm từ nguyên liệu Việt và do người Việt làm.
“Sau khi Ecosoi sản xuất thành công vải từ sợi dứa thì có nhiều nhà thiết kế thời trang đã tìm đến để hợp tác. Dù con số ban đầu vẫn còn khiêm tốn nhưng đó cũng là tín hiệu đáng mừng khi Ecosoi có thể góp phần đưa sản phẩm “made in Việt Nam” ra thế giới” , CEO Vũ Thị Liễu kể.
Sợi vải dứa của Ecosoi hiện đã góp mặt trong nhiều bộ sưu tập của các nhà thiết kế như bộ sưu tập tập mang tên “Bình Minh” thiết kế bởi NTK Vũ Việt Hà trình diễn tại Tokyo nhân dịp kỷ niệm 50 năm hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.
Nhìn lại hành trình khởi nghiệp của bản thân, chị Vũ Thị Liễu đúc kết ngắn gọn với hai từ: “Liều” và “Làm”.
“Nếu không liều theo đuổi sợi lá dứa đến cùng thì cái tên Ecosoi đã không có mặt trên thị trường. Và làm việc không ngừng nghỉ để biến những thứ không thể thành có thể. Mình chỉ mới startup hơn ba năm nên chưa thể đưa ra lời khuyên hay bài học gì cho các bạn trẻ đặc biệt là những người phụ nữ đang muốn đứng lên khởi nghiệp nhưng một điều mà mình luôn tâm đắc và nhắc nhở bản thân là phải kiên trì đến cùng với cốt lõi mà mình đặt ra ngay từ đầu”, CEO Ecosoi Vũ Thị Liễu cho biết.