Startup làm snack từ dế muốn đưa sản phẩm vào chuỗi rạp Beta nhưng bị Shark Minh từ chối, Shark Erik vẫn quyết định "đầu tư vào người sáng lập"
Mặc dù trả lời một cách thuyết phục mọi câu hỏi từ các Shark, startup Rec Rec vẫn gặp khó khăn trong việc chốt deal. Sản phẩm snack dế sấy nguyên con bị đánh giá sẽ vấp phải rào cản tâm lý từ người tiêu dùng. Shark Erik để ý Shark Tuệ Lâm thậm chí chưa ăn thử.
Xuất hiện trong tập 9 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6, Bicky Nguyễn – Co-founder & CEO của Rec Rec kêu gọi số vốn đầu tư tối đa 250.000 USD để chuyển đổi cổ phần cho vòng gọi vốn tiếp theo, với mức định giá tối đa là 1,5 triệu USD.
Rec Rec là một startup mảng FoodTech (công nghệ thực phẩm) khai thác những giá trị của con dế để đưa vào các sản phẩm đồ ăn vặt (snack) có yếu tố độc lạ, ngon, thân thiện với môi trường, giàu dinh dưỡng, đặc biệt là cách chế biến tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Theo phần trình bày của chị Bicky, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng trong việc tìm kiếm các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường, tốt cho sức khỏe, nhưng không làm mất đi cảm giác thích thú khi ăn snack, Rec Rec đã cho ra mắt sản phẩm dế sấy nguyên con 3 vị. Với mỗi gói 25 g, người tiêu dùng sẽ nạp được 14 g đạm, tương đương khẩu phần đạm của một người lớn mỗi bữa ăn. Ngoài ra, Rec Rec còn sản phẩm bánh phồng dế.
"Thị trường có snack gì, chúng tôi có snack đó, nhưng chúng tôi ngon hơn, dinh dưỡng hơn, thân thiện với môi trường và mang lại giá trị bền vững cho xã hội", nữ CEO tự tin.
Sản phẩm "độc lạ", nhưng đã ghi nhận thành công từ "ông lớn" bán lẻ Muji
Shark Nguyễn Hòa Bình ngay lập tức thắc mắc rằng nguyên liệu dế có đắt hơn các nguồn thực phẩm thông thường như gà hay cá không. Để giải đáp, chị Bicky cho biết đạm dế ở dạng thể ướt rẻ hơn heo, bò, gà. Thêm vào đó, dế đã được khoa học chứng minh là nguồn nguyên liệu bổ sung đạm cho con người nhưng không để lại tác động tiêu cực lên Trái Đất.
Shark Bùi Quang Minh đặt ra một vấn đề khác là ngoài rào cản về tâm lý với người tiêu dùng, khi sử dụng côn trùng làm thực phẩm còn có rủi ro về an toàn thực phẩm, có thể gây ngộ độc hoặc các triệu chứng về dị ứng, thậm chí Bộ Y tế từng có khuyến cáo.
Chị Bicky thừa nhận có những người bị dị ứng một số loại thực phẩm, còn trách nhiệm của người sản xuất là đưa tất cả các thông tin khuyến cáo lên bao bì. Đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chị cho biết CricketOne – công ty chế biến, gia công cho Rec Rec có chứng nhận FSSC 22000. Trên thực tế, Rec Rec "chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc nào và tự tin là sẽ không có".
Trước một sản phẩm còn mới, Shark Minh muốn biết có ví dụ về sản phẩm tương tự mà thành công trên thế giới hay không. Chị Bicky nhanh chóng chỉ ra Muji – thương hiệu bán lẻ nổi tiếng của Nhật Bản cũng có dòng bánh phát triển từ dế, và họ liên tục bán hết hàng cả trên kênh online lẫn cửa hàng vật lý.
Shark Bình tỏ ra hoài nghi rằng trước hàng loạt snack tràn ngập trên thị trường, vì sao người tiêu dùng lại ăn snack của Rec Rec.
"Vì tràn ngập trên thị trường rồi nên phải có một yếu tố độc lạ, mới và dinh dưỡng cao là dế", chị Bicky trả lời.
"Thực ra người ta không quan tâm lắm về dinh dưỡng đâu, bởi vì ăn ngon là chính", Shark Bình tiếp tục
"Snack của tụi em vừa ngon mà vừa dinh dưỡng", nữ CEO đáp.
Rec Rec muốn đưa sản phẩm vào chuỗi rạp Beta, Shark Minh chỉ ra nhiều điểm bất khả thi
Shark Bình là người đầu tiên rút khỏi thương vụ. Ông "khuyến khích tinh thần nghĩ khác làm khác, đưa ra sản phẩm mới để người tiêu dùng có thêm lựa chọn", nhưng không hiểu biết về lĩnh vực của Rec Rec và cũng không hứng thú.
Shark Lê Hùng Anh cũng rút lui với lý do tương tự, đồng thời nhận định sản phẩm của Rec Rec thuộc thị trường ngách, khó tính. Ông cho rằng khó có thể đạt được con số 700.000 USD doanh thu dự kiến vào năm 2024 như nhà sáng lập đưa ra, trong khi doanh thu trung bình mỗi tháng hiện nay mới đạt 7.000 USD.
Đối với Shark Lê Hàn Tuệ Lâm, đứng từ góc nhìn khách hàng, khi có đến hàng trăm lựa chọn về snack, để người tiêu dùng chọn sản phẩm của Rec Rec thay vì thương hiệu khác là câu chuyện dài, đòi hỏi nhiều vốn. Còn dưới góc độ đầu tư, cô cũng không tham gia vì không phải lĩnh vực hiểu biết đủ sâu.
Cổ đông chính của Rec Rec là CricketOne – công ty có quy mô sản xuất và khả năng cung cấp nguyên liệu dế hàng đầu thế giới. Chị Bicky cũng là Co-founder của CricketOne. Do đó, Shark Erik đặt ra câu hỏi rằng nữ CEO đang gợi ý các Shark đầu tư vào Rec Rec hay CricketOne.
"CricketOne hiện nắm 50% cổ phần của Rec Rec và 50% từ một nhà bán lẻ thương mại điện tử. Nếu Shark muốn đầu tư, Shark sẽ đầu tư trực tiếp vào Rec Rec, không phải CricketOne, cũng không phải nhà bán lẻ. Tôi có thể nói CricketOne sở hữu 50% và trong số 50% đó, tôi sở hữu 25%", chị Bicky cho hay.
Shark Erik cho biết ông thích cách CEO của Rec Rec trả lời câu hỏi của các Shark, nên đề nghị đầu tư 100.000 USD với định giá 1 triệu USD. Tuy nhiên, do Rec Rec cần tổng cộng 250.000 USD cho vòng gọi vốn này, nên chị Bicky đã thuyết phục Shark Minh đồng hành với Shark Erik, bằng cách ngỏ ý đưa snack dế vào chuỗi rạp Beta.
Mặc dù vậy, Shark Minh chỉ ra rằng khách hàng của Beta Cinema khá khó tiếp cận loại snack này, bởi các bạn trẻ chưa phải độ tuổi quá cẩn trọng về lượng đạm hay dinh dưỡng khi ăn vặt. Cũng khó thuyết phục họ vượt qua rào cản tâm lý, vì thói quen đi xem phim là sẽ ăn bỏng ngô.
"Mình nghĩ mô hình kinh doanh này cũng tiềm năng, nhưng dữ kiện từ thị trường chưa rõ nét, nên rút lui", Shark Minh từ chối.
Về rào cản tâm lý với người dùng, Shark Erik chỉ ra thêm rằng Shark Tuệ Lâm chưa ăn thử snack của Rec Rec, nên việc đầu tư khá mạo hiểm.
"Thực ra đây là thương vụ đầu tư vào người sáng lập. Rõ ràng bạn là người thông thạo, nói chuyện rất hay và có tính thuyết phục. Tôi vẫn muốn đầu tư 100.000 USD với định giá là 1 triệu USD", Shark Erik đề nghị.
250.000 USD là tổng số vốn đầu tư mà Rec Rec muốn gọi tại thời điểm này. Do hiện tại đã có khoảng 150.000 USD từ một nhóm nhà đầu tư và quỹ mạo hiểm khác, chị Bicky quyết định chốt deal với Shark Erik.