Startup kiếm triệu đô mỗi tháng nhờ bán đồ đồng giá 1 USD
Cửa hàng 1 USD trực tuyến mới nghe thì giống như là một ý tưởng khởi nghiệp tồi tệ. Người mua hàng có lý do để nghi ngờ rằng “của rẻ là của ôi” và sẽ không mua hàng nếu không được “sờ tận tay”.
Điều chí tử là làm sao cửa hàng có thể có lợi nhuận khi phải bán hàng và giao hàng cho khách với những đơn hàng chỉ vài USD? David Yeom, cựu Phó chủ tịch của The Honest Company nghĩ rằng ông có câu trả lời. Do đó ông đã sáng lập Hollar, cửa hàng trực tuyến chuyên bán những món hàng giá 1 USD.
“Bạn hoàn toàn có thể kiếm tiền từ ý tưởng này” Yeom cho biết.
Sau 6 tháng, startup bán lẻ này đã có doanh thu bán hàng trực tuyến 1 triệu USD /tháng. Có những sản phẩm của Hollar đã bán được hơn 1.000 đơn vị mỗi ngày. Cửa hàng này không bán những món đồ nhái rẻ tiền để hút khách. Thay vào đó họ bán sản phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng như son bóng Revlon, bột ngũ cốc Cheerios hay ba lô Disney.
Yeom tin rằng khách hàng luôn luôn yêu thích các món hàng giá hời.
Kinh doanh là kiếm lợi nhuận
Ý tưởng sáng lập Hollar đến từ sự yêu thích của Yeom đối với mô hình cửa hàng 1 USD. Yeom có kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn bán lẻ eBay, HauteLook và The Honest Company. Ông thường mua hàng tại chuỗi cửa hàng giá thấp Daiso của Nhật Bản sau bữa trưa với người bạn thân, CEO Brian Lee của Honest Company.
Từ những bữa trưa đó, Yeom nhận ra rằng không có nhiều cửa hàng trực tuyến bán những món đồ giá thấp. Và ngay cả những cửa hàng hiện có cũng có rất nhiều vấn đề như xử lý đơn hàng rất chậm, khách không nhận được hàng hay chất lượng hàng nhận được quá kém.
Đầu năm 2015, Yeom cùng với Lee và 3 người khác bắt tay thực hiện ý tưởng này. Đến tháng 11, họ đã ra mắt ứng dụng Hollar trên thiết bị di động và cửa hàng Hollar trực tuyến.
Để đảm bảo có lợi nhuận, Hollar yêu cầu mỗi đơn hàng của khách hàng phải trên 10 USD. Đơn hàng trị giá trên 30 USD sẽ được giao hàng miễn phí.
Quy định giá trị tối thiểu của đơn hàng như vậy có vẻ sẽ làm khách hàng nản lòng. Nhưng thực tế trị giá trung bình của các đơn hàng hiện tại của Hollar là 30 USD. Đơn hàng lớn nhất mà họ đã nhận có trị giá tới 963 USD.
Họ không bán những món hàng cồng kềnh, kích thước lớn. Các mặt hàng dễ hư hỏng, dập nát như chuối và sữa cũng không xuất hiện trong cửa hàng.
Trở ngại tiếp theo mà Hollar phải vượt qua là làm sao để khách hàng tin tưởng những món hàng giá thấp họ bán không phải là hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Khách hàng vốn có thành kiến hàng hóa giá thấp là hàng kém chất lượng. Do đó Yeom đã phải lựa chọn rất cẩn thận từng nhà cung cấp trước khi quyết định hợp tác.
Nhiều mặt hàng họ nhập là hàng giảm giá thanh lý. Bánh Oreos, mỹ phẩm Revlon và L'Oréal, snack Cheerios và Kraft Mac được bán trên cửa hàng đều là hàng chính hãng.
Hướng tới tương lai
Từ khi Hollar thành lập, doanh thu của họ tháng sau đều cao hơn tháng trước. Phần lớn khách hàng của họ mua hàng qua ứng dụng trên điện thoại di động, và 80% đơn hàng đến từ bên ngoài California và New York.
Yeom xác định rằng đối tượng khách hàng chính của họ là những bà mẹ trẻ ở vùng trung tâm nước Mỹ.
“Những bà mẹ trẻ này chính là thượng đế mà chúng tôi cần phục vụ,” Yeom cho biết.
Mỗi đơn hàng đều mang cho họ lợi nhuận dương vì doanh thu từ mỗi đơn hàng đều cao hơn tổng giá nhập hàng và chi phí giao hàng. Nhưng công ty này vẫn đang lỗ vì họ đang đầu tư nhiều tiền cho việc mở rộng quy mô.
Trong năm nay, Hollar có kế hoạch bắt đầu sản xuất dòng sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình. Đây là cách họ học tập The Honest Company với dòng sản phẩm không chứa chất độc hại. Mong muốn của Yeom là Hollar sẽ có hơn 500 sản phẩm in nhãn của họ vào cuối năm 2016.
“Thành kiến của khách hàng vẫn còn tồn tại,” Yeom cho biết. “ Nhưng sự phát triển của chúng tôi sẽ chứng minh hàng giá thấp không đồng nghĩa với hàng kém chất lượng”.