Startup gọi xe Ấn Độ từ chối vốn đầu tư 1,1 tỷ USD từ SoftBank
Động thái này của người sáng lập Ola được cho là nhằm duy trì quyền kiểm soát tại công ty trước SoftBank...
Thông thường các startup sẽ huy động vốn đầu tư mạo hiểm để phát triển kinh doanh, bắt đầu với vòng gọi vốn Series A, sau đó là qua nhiều vòng khác tới Series E, F hay thậm chí là G trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, startup gọi xe Ola của Ấn Độ lại đi theo con đường hơi khác. Công ty này vừa hoàn thành vòng gọi vốn Series J và chuẩn bị hướng tới vòng Series K - điều hiếm thấy trong giới khởi nghiệp.
Theo Bloomberg, người đồng sáng lập của Ola, Bhavish Aggarwal, đang cố gắng để duy trì sự độc lập của startup này trước SoftBank Group Corp. Tập đoàn Nhật Bản, dưới sự điều hành của tỷ phú Masayoshi Son, là một trong những nhà đầu tư sớm vào Ola. Tuy nhiên, nguồn tin của Bloomberg cho biết Aggarwal ngày càng lo lắng về sự ảnh hưởng của SoftBank khi tập đoàn này thâu tóm cổ phần tại đối thủ Mỹ Uber Technologies Inc. và sau đó khuyến khích hai công ty sáp nhập.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Son đã đưa ra một thỏa thuận sơ bộ về việc rót thêm 1,1 tỷ USD vào Ola và nâng cổ phần tại công ty này lên hơn 40%. Tuy nhiên, Aggarwal đã cố gắng thêm vào thỏa thuận này các điều khoản nhằm đảm bảo quyền kiểm soát của mình đối với Ola. Những mâu thuẫn trên cuối cùng khiến thỏa thuận này thất bại.
Hiện Aggarwal đang cố gắng huy động các khoản vốn nhỏ hơn từ những nhà đầu tư khác. Từ đầu năm đến nay, Ola nhận được 300 triệu USD vốn đầu tư từ công ty Hàn Quốc Hyundai Motor Co. và khoảng 90 triệu USD từ Sachin Bansal - người đồng sáng lập của hãng thương mại điện tử Flipkart.
"Bhavish Aggarwal từ chối khoản đầu tư từ SoftBank bởi ông ấy không muốn quyền lực tại Ola của mình bị giảm", Mohandas Pai, nhà đầu tư mạo hiểm, cựu giám đốc tài chính của Infosys Ltd., nhận định. "Các nhà sáng lập trở thành nhân viên khi có ai đó ngồi vào ban lãnh đạo và nói họ phải điều hành công ty như thế nào".
Theo nguồn tin của Bloomberg, Aggarwal tránh các cuộc gặp gỡ với Son và các công ty được SoftBank đầu tư khi Son tới Ấn Độ. Đơn cử, Aggarwal không có mặt trong cuộc họp của những người sáng lập startup được SoftBank đầu tư, khi một đoàn đại biểu, trong đó có Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman, tới Ấn Độ vài tuần trước, theo tờ Economic Times. Quỹ đầu tư quốc gia của Saudi Arabia đã đóng góp gần một nửa số vốn vào quỹ Vision Fund 100 tỷ USD của SoftBank.
Aggarwal được cho là đã từng tìm lời khuyên từ các nhà sáng lập của startup thương mại điện tử Snapdeal. 5 năm trước, SoftBank cũng đầu tư vào Snapdeal và sau đó cố gắng thúc giục những người sáng lập công ty này bán mình cho đối thủ lớn hơn - Flipkart. Khi Snapdeal từ chối thương vụ đó, Son ngừng rót thêm vốn vào công ty và chuyển sang đầu tư 2,5 tỷ USD vào Flipkart.
Aggarwal, 33 tuổi, đồng sáng lập Ola, một thương hiệu của ANI Technologies Pvt, vào năm 2011 cùng với người bạn cùng lớp tại trường kỹ thuật - Ankit Bhati. Ola hiện có 1,3 triệu đối tác lái xe trên nền tảng của mình và hoạt động tại hơn 100 thành phố. Từ năm ngoái, công ty này đã mở rộng hoạt động sang Australia, New Zealand và Anh; đồng thời lấn sân sang lĩnh vực giao đồ ăn tại Ấn Độ.
Trong khi đó, tỷ phú SoftBank là nhà đầu tư sớm vào nhiều startup gọi xe tại châu Á. Ông rót nhiều tỷ USD vào startup Grab của Singapore, Didi Chuxing của Trung Quốc, bên cạnh khoản rót vốn đầu tiên vào Ola năm 2014. Đầu năm 2018, Tập đoàn SoftBank của ông hoàn tất thương vụ đầu tư khoảng 9 tỷ USD để trở thành cổ đông lớn nhất tại startup gọi xe Uber của Mỹ.
Tuy nhiên, Ola, đặt trụ sở tại Bangalore, Ấn Độ, phủ nhận có sự rạn nứt trong quan hệ với SoftBank.
"Softbank là một đối tác tuyệt vời trong quá trình chúng tôi phát triển công ty", một người phát ngôn của Ola nói trong một thông cáo. "Chúng tôi đang dự tính nhiều vụ hợp tác mới với SoftBank trong vài năm tới, khi chúng tôi tiếp tục mở rộng hoạt động ra quốc tế".
Phía SoftBank cũng khẳng định ""Chúng tôi hài lòng với quan hệ hợp tác thân thiết với tất cả các công ty trong danh mục đầu tư của mình, trong đó có Ola".