Squid Game 'hot' tới mức giới trẻ thi nhau học tiếng Hàn
Số liệu của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KFICE) cho thấy hiện có khoảng 77 triệu người nói tiếng Hàn trên toàn cầu.
Theo hãng tin Reuters, sự thành công của bộ phim "Trò chơi con mực" (Squid Game) thực hiện bởi Netflix đã thúc đẩy trào lưu học tiếng Hàn trên thế giới, qua đó cho thấy sự cuồng nhiệt ngày càng tăng với văn hóa Hàn Quốc của người dân toàn cầu, từ làm đẹp cho đến ẩm thực.
Cụ thể, ứng dụng học ngoại ngữ Duolingo cho biết bộ phim "Squid Game" đã khiến ngày càng nhiều người muốn học tiếng Hàn. Thậm chí những người đang theo học ngôn ngữ này cũng có động lực để hoàn thiện kỹ năng hơn nhờ danh tiếng của bộ phim.
Số liệu của Duolingo cho thấy số người đăng ký học tiếng Hàn Quốc tại Anh đã tăng 76%, con số này là 40% ở Mỹ trong 2 tuần kể từ sau khi bộ phim bắt đầu được trình chiếu.
Squid Game đóng góp thêm vào làn sóng văn hóa Hàn Quốc-Hallyu trên thế giới. Nguồn ảnh: Daily Vox
Câu chuyện này cũng dễ hiểu bởi Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á từ lâu đã định hình là một trung tâm văn hóa giải trí của thế giới với nhiều nhóm nhạc nổi tiếng như BTS hay những bộ phim đoạt giải Oscar như "Ký sinh trùng" (Parasite).
Trong tuần qua, Bộ từ điển tiếng Anh của Oxford (OED) đã thêm 26 từ có nguồn gốc Hàn Quốc vào danh sách của họ, ví dụ như "Hallyu"- ám chỉ làn sóng văn hóa Hàn Quốc từ phim ảnh, âm nhạc, thời trang cho đến ẩm thực.
Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã tự hào nhận định sự phổ biến ngôn ngữ Hàn Quốc là một dạng quyền lực mềm (Soft Power).
Đồng quan điểm, người phát ngôn Sam Dalsimer của Duolingo cũng cho rằng sự phổ biến văn hóa Hàn Quốc sẽ kích thích người dân quốc tế theo học ngôn ngữ này hơn.
Số liệu của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KFICE) cho thấy hiện có khoảng 77 triệu người nói tiếng Hàn trên toàn cầu. Trong khi đó ứng dụng Duolingo cho biết họ có khoảng 7,9 triệu người đang học ngôn ngữ này, mức tăng mạnh thứ 2 thế giới sau tiếng Hindi.
Viện King Sejong Institute thuộc Bộ văn hóa Hàn Quốc cũng cho biết họ có tới 76.000 sinh viên học ngôn ngữ từ khắp các chi nhánh ở 82 quốc gia tính đến năm 2020, một sự tăng trưởng ấn tượng so với chỉ 740 học sinh vào năm 2007.
Cô Milica Martinovic, một sinh viên của Sejong tại Nga cho biết mình theo học ngôn ngữ này để có thể xem phim và nghe nhạc Hàn Quốc mà không cần phiên dịch.
Cô Catarina Costa, một sinh viên khác đến từ Bồ Đào Nha nhưng sống ở Toronto-Canada thì cho hay tiếng Hàn đã dần trở nên phổ biến hơn so với thời cô bắt đầu học vào 2 năm trước, khi mọi người còn chẳng hiểu tại sao cô lại học ngôn ngữ đó.
"Giờ thì mọi người đều trầm trồ khi tôi nói rằng mình đang học tiếng Hàn", cô Costa nói.
Nguồn ảnh: Netflix
Trước khi đến với Viện King Sejong, cô Costa đã từng theo học nền tảng dạy ngoại ngữ TalkToMeInKorean (TTMIK). Nền tảng này hiện có khoảng 1,2 triệu học viên trên 190 nước.
"Có hàng nghìn người đang muốn học tiếng Hàn kể cả trước khi bộ phim ‘Squid Game’ hay nhóm nhạc BTS nổi tiếng, thế nhưng họ thường âm thầm đăng ký đi học. Giờ đây những người học tiếng Hàn đã trở thành một phần của trào lưu mới trên thế giới và việc trau dồi kỹ năng ngoại ngữ trở nên thú vị hơn bao giờ hết", nhà sáng lập Sun Hyun Woo của TTMIK nhận định.