Vì sao golf là môn thể thao dành riêng cho giới siêu giàu?
Không chỉ Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, người ta vẫn gọi golf bằng những cái tên như “thú chơi quý tộc” hay “môn thể thao của người giàu”.
Nội dung nổi bật:
- Golf ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 15 tại Scotland. Ban đầu, đây là môn thể thao dành cho mọi tầng lớp. Tuy nhiên, cùng với sự hoàn thiện trong luật chơi và các dụng cụ chơi, golf dần trở thành môn thể thao quý tộc.
- Trang phục chơi golf đúng quy định thường là áo có cổ, quần short hoặc quần dài chuyên dụng. Các dụng cụ chơi golf cơ bản gồm bộ gậy, bóng, túi golf, cọc đặt bóng, găng tay và giày chơi golf.
- Golf là môn thể thao của doanh nhân và người giàu vì “văn hóa câu lạc bộ”, tính hấp dẫn của hệ thống điểm chấp cùng chi phí đắt đỏ.
Golf được du nhập về Việt Nam từ những năm 1920 nhờ vua Bảo Đại. Thời điểm đó, golf là môn thể thao xa xỉ của vua chúa mà hiếm người Việt nào biết đến. Phải tới những năm 1990, bộ môn này mới thực sự nổi tiếng. Tuy nhiên, nổi tiếng không có nghĩa là trở nên “bình dân”. Từ lúc mới xuất hiện tại Việt Nam cho tới nay, golf vẫn luôn là môn thể thao đẳng cấp dành cho giới thượng lưu giàu có.
Không chỉ Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, người ta vẫn gọi golf bằng những cái tên như “thú chơi quý tộc” hay “môn thể thao của người giàu”.
Vậy golf ra đời như thế nào? Tại sao bộ môn này lại trở nên phổ biến đến thế trong giới thượng lưu? Chắc hẳn không ít người sẽ đưa ra những thắc mắc như vậy về thú chơi xa xỉ đang ngày càng nổi tiếng này.
Lịch sử hình thành
Theo phần đông các nhà nghiên cứu, golf ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 15 tại Scotland. Trong thời gian vài thế kỷ đầu, dù là thành viên hoàng tộc hay nông dân bình thường cũng đều có thể thoải mái chơi bộ môn này. Những người Scotland nghèo chơi golf trên các bãi đất công cộng với dụng cụ tự chế. Khi đó, golf là trò tiêu khiển còn khá lộn xộn và thường đi kèm với các cuộc nhậu nhẹt.
Năm 1457, Scotland phải ra lệnh cấm golf (cùng với bóng đá) vì nó phổ biến đến mức họ không còn thời gian luyện tập bắn cung – kỹ năng rất cần thiết với Scotland lúc đó để bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, chỉ đến năm 1500, lệnh cấm đã được gỡ bỏ.
Câu lạc bộ golf đầu tiên soạn thảo luật chính thức của trò chơi và tổ chức thi đấu hàng năm ra đời năm 1744 với tên “Honourable Company of Edinburgh Golfers”. Đến giữa những năm 1800, các tổ chức tư nhân tận lực dành thời gian nâng cao mức độ phổ biến của bộ môn golf. Các dụng cụ chơi cần thiết như bóng và gậy cũng dần được hoàn thiện.
Golf xuất hiện từ khá sớm và được nhiều người yêu thích
Trang phục và dụng cụ chơi golf
Nhiều sân golf đề ra những quy định khá cụ thể về trang phục. Tuy nhiên, cũng có những nơi thả lỏng vấn đề này. Độ nghiêm ngặt của các quy định phụ thuộc vào chính sách mỗi sân golf đề ra. Bạn có thể đoán xem một sân golf có quy định trang phục không dựa vào phí sân cỏ. Giá càng cao thì càng có khả năng sân golf đó đặt ra những yêu cầu nhất định cho trang phục của người chơi.
Thông thường, bạn chỉ cần diện một chiếc áo phông có cổ và quần short kiểu Docker hoặc quần slack là đủ để đặt chân vào hầu hết các sân golf. Phụ nữ có thể mặc áo cùng với váy chơi golf. Nhiều sân giá rẻ còn cho phép người chơi diện quần jeans. Tuy nhiên, đa số các sân golf không chấp nhận jeans, thậm chí một số sân cao cấp còn yêu cầu người chơi không mặc quần short mà phải là quần dài chuyên dụng.
Trang phục chơi golf thông thường
Để chơi golf, bạn cần những dụng cụ cơ bản như: bộ gậy, bóng, túi golf, cọc đặt bóng, găng tay và giày chơi golf. Ngoài ra, bạn có thể sắm thêm cho mình kính râm, mũ, bình nước hoặc hộp sơ cứu.
Bộ gậy chơi golf
Môn thể thao của doanh nhân và người giàu
Ngày nay, golf đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới và thường được giới siêu giàu chọn làm thú tiêu khiển. Thậm chí trong việc làm ăn, người ta cũng thấy các doanh nhân giàu có đưa đối tác đến sân golf bàn công chuyện. Có nhiều cách để lý giải cho điều này.
Theo Juliet Lapidos – biên tập viên cho tạp chí New York Times, thứ nhất là do “văn hóa câu lạc bộ”.
Vài thế kỷ trước, khi golf bắt đầu phổ biến, các doanh nhân cùng một số người thuộc tầng lớp trung lưu nảy ra ý tưởng đến vùng ngoại ô rộng rãi để xây dựng một địa điểm chơi golf chuyên biệt dành riêng cho họ và những người “cùng đẳng cấp”. Ở các nơi khác, người ta vẫn tiếp tục chơi golf như cũ. Tuy nhiên, phiên bản golf của câu lạc bộ với hội phí đắt đỏ, luật chơi rõ ràng, dụng cụ và sân tiêu chuẩn dần dần áp đảo.
Bên cạnh hiện tượng câu lạc bộ, có một giả thiết khác cho rằng hệ thống điểm chấp (điểm chấp được giao tùy vào khả năng và thành tích của người chơi) khiến môn thể thao này đặc biệt hấp dẫn với các doanh nhân.
Việc điểm được điều chỉnh dựa trên kỹ năng của người chơi trở nên thông dụng khi Câu lạc bộ Golf Royal Wimbledon đề ra các quy tắc áp dụng vào năm 1898. Nhờ đó, những người chơi có kỹ năng, trình độ và thể chất không tương đương có thể cùng tham gia thi đấu. Thậm chí người chơi kém cũng có thể thắng nếu thể hiện tốt. Có lẽ các doanh nhân cảm thấy tính chất hào hiệp và bình đẳng này của golf sẽ giúp họ đạt được thỏa thuận với đối tác dễ dàng hơn.
Nhiều doanh nhân chọn sân golf làm nơi đàm phán với đối tác.
Một điều hiển nhiên nữa biến golf trở thành môn thể thao quý tộc là chi phí vô cùng đắt đỏ.
Ở Việt Nam, phí sân cỏ hiện nay cho một vòng chơi 18 hố dao động khoảng 1 - 3 triệu đồng đối với khách lẻ. Phí thuê xe golf khoảng vài trăm đến 1 triệu đồng. Đó là chưa kể các khoản khác như phí caddie (nhân viên kéo bao gậy), phí thuê gậy, thuê giày hay thuê bóng. Còn nếu muốn sắm riêng cho mình một bộ đồ chơi golf thì bạn cần chuẩn bị sẵn vài chục, thậm chí vài trăm triệu nữa. Tất nhiên, phí hội viên của các câu lạc bộ golf cũng ở mức “ngất ngưởng”.
Sân golf Shadow Creek (Mỹ) – một trong những sân golf đắt nhất thế giới với mức giá 500 USD/ người/ vòng (khoảng 10,7 triệu đồng/ người/ vòng).
Ngoài những điều trên, golf còn thu hút người chơi nhờ tính an toàn, ít gây chấn thương, khu vực sân chơi cực rộng với cảnh quan thiên nhiên đẹp và luật chơi độc đáo, khó dự đoán kết quả. Vì vậy, dù mang tiếng “xa xỉ” nhưng đây vẫn là bộ môn được nhiều người yêu thích và đánh giá cao.
>> Lướt ván: 'Thú chơi golf' mới của các đại gia công nghệ Silicon
Thu Thảo