Đồng tiền đầu tiên - Ản: ST
Ngược dòng lịch sử
Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta giành được độc lập nhưng lâm vào tình thế khó khăn, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng. Do chưa phát hành được tiền tệ độc lập khiến tài chính của ta gặp rất nhiều khó khăn. Trong lúc đó, quân Tưởng ở miền Bắc đã tung tiền “quan kim” nhằm cạnh tranh với đồng tiền Đông Dương và phá hoại nền kinh tế của ta.
Chính quyền cách mạng đã khắc phục bằng cách kêu gọi nhân dân tích cực sản xuất và ủng hộ cho “Quỹ Độc lập”, “Tuần lễ vàng”…, nhưng phía thực dân Pháp luôn tìm cách phá hoại, gây khó khăn cho ta về tài chính. Trước tình hình đó, việc phát hành đồng tiền độc lập của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhu cầu bức thiết.
Tháng 10/1945, đồng chí Phạm Văn Đồng - Bộ trưởng Bộ Tài chính được Trung ương chỉ đạo, điều hành toàn bộ việc chuẩn bị, in và phát hành đồng tiền mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vấn đề khó khăn nhất là cơ sở vật chất kỹ thuật cần dùng cho việc sản xuất đồng tiền Việt Nam bởi trước năm 1945 cả Đông Dương chỉ có 2 nhà máy in lớn là Nhà in Viễn Đông và Nhà in Tô-panh.
Nhưng tại thời điểm này, cả hai nhà máy in đều do quân Tàu Tưởng và Pháp chiếm đóng, ta không thể sử dụng. Ông Đỗ Đình Thiện - một nhà tư sản Việt Nam yêu nước đã đứng tên và bỏ tiền ra mua lại Nhà in Tô-panh của Pháp sau đó hiến cho Chính phủ để lập nhà in tiền.
Ngày 3/2/1946, theo chủ trương của Chính phủ, đồng tiền (giấy bạc) Việt Nam được tung ra ở hầu hết khắp các tỉnh miền Nam Trung bộ và được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh. Đó là những đồng tiền đầu tiên của ta đại diện cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, chủ quyền thiêng liêng của quốc gia và trên đồng tiền mới có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1946, cơ sở nhà máy in tiền Tô-panh bị lộ, Chính phủ quyết định sơ tán một bộ phận của nhà in lên đồn điền Chi Nê. Đồn điền Chi Nê được xây dựng cuối thế kỷ XIX, rộng hơn 7.300 ha. Tại đây, chủ đồn điền Bô-ren (người Pháp) đã xây dựng nhiều khu nhà kiên cố, khu chế biến cà phê, chuồng trại trâu bò.
Năm 1943, Bô-ren bán lại đồn điền cho gia đình ông Đỗ Đình Thiện với giá hai nghìn lượng vàng. Tại đây, gia đình ông Thiện đã dành một địa điểm thích hợp, đồng thời cho mượn nhà xưởng, máy điện, nước của đồn điền Chi Nê cùng một số cơ giới kho tàng để đặt nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tờ giấy bạc có mệnh giá lớn nhất lúc bấy giờ là tờ giấy bạc 100 đồng, còn được gọi là tờ bạc “con trâu xanh” vì trên tờ bạc có hình con trâu màu xanh, kịp thời phục vụ nhu cầu kháng chiến. Ở nhà máy in tiền Chi Nê, công nhân làm việc chủ yếu từ 16h chiều đến 3h sáng hôm sau. Mặc dù làm đêm vất vả, mệt nhọc nhưng với tinh thần yêu nước, anh chị em công nhân dốc toàn tâm lực, tạo được “dòng máu” cung cấp đều đặn cho chiến trường, cho mọi nhu cầu kháng chiến, kiến quốc.
Ngày 31/11/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp kỳ thứ hai, quyết định phát hành đồng tiền Việt Nam và tổ chức thu hồi, đổi tiền Đông Dương trên toàn quốc với mệnh giá 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng và tiếp đó là loại 200 đồng, 500 đồng.
Nhà tư sản yên nước Đỗ Đình Thiện - Ảnh: LĐ
Nhà tư sản Đỗ Đình Thiện (1904-1972) sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Năm 1927-1932, ông du học tại trường canh nông ở Toulouse (Pháp) và gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Cuối năm 1931, ông bị bắt trong một lần chuyển tài liệu bí mật của Đảng cho các thủy thủ người Việt đưa về Việt Nam. Sau khi trở về Đông Dương, ông kết hôn với bà Trịnh Thị Điền. Năm 1941, ông bà Thiện mua lại Nhà máy dệt Gia Lâm của ông Hương Ký - một tư sản nổi tiếng thời bấy giờ với giá 3 vạn đồng Đông Dương, với chủ đích tạo ra những sản phẩm có giá thấp để chiếm lĩnh thị trường.
Trải qua nhiều thành công và không ít sóng gió, tuy nhiên gia đình nhà tư sản Đỗ Đình Thiện đã hiến hết của gia tài của mình cho sự nghiệp cách mạng.
>> Thăm nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam