Nghệ thuật xin visa du lịch của một người ưa xê dịch (Phần 2)

17/04/2015 15:01 PM | Sống

Miễn là các bạn có một tâm hồn yêu "xê dịch" đủ lớn, mọi chuyện còn lại chỉ như ăn bánh.

(6) Bản sao kê tài khoản ngân hàng, giấy chứng nhận số dư tài khỏan ngân hàng, sổ tiết kiệm, và giấy chứng nhận nhà đất

Giải Thích Chung Về Giấy Tờ Chứng Minh Tài Chính Trong Trường Hợp Bạn Tự Chi Trả Cho Chuyến Đi Của Mình (không có người bảo lãnh về mặt tài chính)

Lưu ý là giấy tờ này cũng phải là song ngữ (Tiếng Việt và Tiếng Anh hoặc ngôn ngữ chung) nên bạn phải yêu cầu ngân hàng cho xin bản có tiếng Anh và dịch thuật giấy tờ nhà đất (nếu có).

Phần này thường là phần mọi người thường vướng mắc nhất vì người Việt Nam ít khi để ý tới chuyện chứng mình tiền bạc hoặc đôi khi chúng ta không có quá nhiều tiền. Nhưng không có quá nhiều tiền mà xin được thì mới tuyệt!

Nhìn chung, đại sứ quán/ lãnh sứ quán/ hoặc cơ quan ngoại giao tương đương đòi hỏi bảng sao kê tài khoản của khỏang 3 tháng hoặc 6 tháng gần đây nhất của bạn (tính từ ngày nộp đơn xin visa trực tuyến hoặc đơn xin visa viết tay) để:

(i) Chắc rằng hàng tháng bạn đều có một nguồn thu nhập ổn định, đều đặn --> Tài khoản ngân hàng mà bạn xin sao kê nên là tài khoản bạn nhân lương hoặc nhận thu nhập hàng tháng.

(ii) Tài khoản của bạn chi tiêu "lành mạnh", nghĩa là cũng phải có tiền để mà đi nhé! (Còn nếu không bạn cũng phải có một vài sổ tiết kiệm đẹp đẹp một chút có thời gian gửi từ 3 tháng tới 6 tháng trước ngày nộp đơn xin visa.)

(iii) Tránh các khỏan gửi tiền vào đột xuất "giả tạo" để kích số dư của tài khoản sao kê. Ví dụ, 2 tháng đầu tài khoản èo uột, tự dưng tháng gần đi bạn gửi vào đấy 100 triệu thì rất đáng khả nghi. Và một khi đáng khả nghi thì đây sẽ là lí do họ không cho bạn visa. Các cán bộ cấp thị thực, một khi có nghi ngờ, họ được quyền từ chối cấp visa cho bạn.

Ngoài ra, họ còn có thể yêu cầu chứng minh số dư tài khoản (thực ra trong sao kê tài khoản ngân hàng nó cũng sẽ hiên lên số dư tài khoản đó). Tuy nhiên, nêu bạn có một vài sổ tiết kiệm bé xinh xinh lâu ngày thì ngân hàng có thể cho hiển thị lên luôn chung trong một bản để bạn nhìn rõ ràng là nhiều tiền hơn, giàu có hơn, có khả năng đi du lịch hơn.

Giấy tờ nhà đất thì sao y và dịch thuật có dấu phòng công chứng như hộ khẩu thôi (rất đơn giản!)

Như vậy, bạn có thể chuẩn bị hồ sơ thật tốt trước ngày xin visa để xin đâu được đó.  Vấn đề chỉ là thời gian, 3 tháng hoặc 6 tháng trước, tùy theo nước bạn muốn xin visa.

Bạn nên kiểm tra trên trang web của nước muốn đi xem họ có yêu cầu bản sao kê tài khoản 3 tháng gần nhất, 6 tháng gần nhất hay thậm chí 12 tháng gần nhất. (Cứ Google là ra! và vào trang chuẩn của cơ quan ngoại giao được quyền cấp thị thực của nước đó, đùng vào mấy trang web của các công ty du lịch, đôi khi không được cập nhất thường xuyên theo thông tin mới nhất.)

Bạn cũng nên nhớ, họ yêu cầu thì bạn phải nộp đủ, và nộp hồ sơ tốt nhất/ "đẹp" nhất nếu có thể. Còn việc có cần yêu cầu bạn trình ra hay không thì tùy nước. Ví dụ: Mĩ, có trường hợp họ không hề yêu cầu cho xem giấy tờ chứng mình tài chính. Nhưng Anh, Nhật thì giấy tờ chứng mình tài chính nằm sẵn trong hồ sơ bạn phải nộp cho người ta. Hoặc Hàn Quốc, nếu đã từng có visa Anh, Mỹ, Úc, châu Âu thì miễn chứng mình tài chính. Hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, nếu còn visa châu Âu và Mỹ còn hiệu lực cho tới hết ngày bạn dự định đi Thỗ Nhĩ Kỳ và quay về thì bạn chỉ cần làm e-visa (chắc chắn được, coi như miễn hết các thủ tục phiền phức).

Chuẩn Bị Giấy Tờ Chứng Minh Tài Chính Như Thế Nào

(i) Lên trang web chính thức bởi cơ quan cấp thị thực của nước đó tại Việt Nam (đại sứ quán, lãnh sự quán, cơ quan ngoại giao tương đương) xem họ yêu cầu cụ thể những gì, và thời gian của bảng sao kê tài khoản ngân hàng cần có là mấy tháng gần đây nhất.

(ii) Nếu trước giờ bạn hay đi, hồ sơ đầy đủ, tốt thì bạn cũng không cần quá bận tâm.

Nhưng bài viết này dành cho những bạn chưa đi nhiều và biến cái in ít của mình thành cái thành công nên bạn cứ yên tâm, bạn sẽ được hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ tới tân chân răng! Nếu trước giờ bạn ít đi và tiền không nhiều thì bạn phải chịu khó sắp xếp một chút.

Bạn căn thời gian trước xin visa nhìeu hơn số tháng yêu cầu sao kê ngân hàng khỏang 1 tháng để chuẩn bị giấy tờ chứng mình tài chính. Ví dụ, Anh là 6 tháng (họ yêu cầu) + 1 tháng (dự phòng) = 7 tháng trước ngày dự định nộp đơn xin visa. Nhật Bản là 3 tháng (họ yêu cầu) + 1 tháng (dự phòng) = 4 tháng. Kể từ thời điểm đó, hãy chăm sóc tài khoản ngân hàng của bạn chu đáo, đảm bảo hàng tháng có nguồn thu đều đặn chuyển vào ngân hàng; tài khoản luôn có tiền rủng rỉnh trong đó (tiêu ít lại nhé, đừng có chi tiêu bậy bạ hết sạch tiền trong đó là xôi hỏng bỏng không!)

(iii) Tới ngày chuẩn bị đi nộp hồ sơ xin visa thì tới ngân hàng xin (a) Sao kê tài khoản trong vòng mấy tháng đó (phải đóng phí, chừng vài chục ngàn - Vietcombank là 33 ngàn; HSBC thì mắc hơn; (b) Chứng minh số dư tài khoản (nếu có sổ tiết kiệm tại ngân hàng đó thì nó sẽ hiển thị lên - và được chọn sổ tiết kiệm nào được hiển thị, sổ tiết kiệm nào không ---> cho ra một con số tiền trong tài khoản phù hợp với thu nhập bạn kê khai ở đơn (Mình chỉ chọn 1 vài sổ tiết kiệm be bé để tránh rắc rối về nguồn gốc thu nhập - ai mà biết họ sẽ hỏi gì <-- lại phải giải thích nữa thì mệt, không cho hiển thị hết tất cả những sổ tiết kiệm mà mình có) . Cả hai giấy tờ này cần có tiếng Anh và phải được đóng dấu của ngân hàng.

Còn những giấy tờ nhà đất khác, như đã nói trên, bạn chỉ cần sao y, dịch thuật có dấu của phòng công chứng.

(7) Giấy Mời 

Một số nước thì bạn có thể tự đi du lịch, có giấy mời thì tốt, mà không có giấy mời thì không sao. (chú ý: mời sang chơi khác bảo lãnh sang chơi nhé, mời sang chơi là chỉ đích danh người được mời, sang chơi từ thời gian nào tới thời gian nào; còn bảo lãnh người sang chơi thì người bảo lãnh phải chứng mình khả năng của mình có thể bảo lãnh được).

Một số nước không bắt buộc giấy mời, ngiã là đi tự túc được từ Việt Nam như: châu Âu, Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, ...

Một số nước bắt bụôc phải có giấy mời (của bạn bè, người thân hoặc công ty du lịch) như Nhật Bản, Trung Quốc. (Thực ra Trung Quốc có thể làm dịch vụ visa với giá khỏang USD 85, còn tự làm visa cũng đòi nhiều thứ giấy tờ, trong đó có cả giấy mời!).

(8) Đặt vé máy bay và đặt phòng khách sạn

Cách tốt nhất là có một travel agent "ruột" (công ty du lịch, lữ hành thân quen với bạn) để họ có thể cho bạn cái booking (giữ chỗ) có con dấu của văn phòng họ (hoặc in trên tờ giấy có letter head) về cả vé máy bay và giữ chỗ khách sạn.

Bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh ngày đi và về hoặc hủy chỗ đặt phòng sau khi có visa cho phù hợp với hành trình và thời gian biểu. Tuy nhiên, để hợp tác lâu dài thì nhớ ủng hộ agent của bạn như mua vé hoặc đặt phòng khách sạn qua họ để lần sau họ còn giúp bạn. Có đi có lại mới toại lòng nhau.

Thông thường thìcác nước đều chấp nhận cho bạn tự đặt vé máy bay và phòng khách sạn. Nhưng một số nơi bạn không thể tự đi du lịch một mình mà phải đi nguyên nhóm được dẫn dắt bởi tour guide có giấy phép (Tibet) hoặc phải qua agent của nước đó là hết thủ tục, xin visa, đặt khach sạn cho bạn với lộ trình xác định trước (Bhutan). Vì thế, vẫn phải quay lại vấn đề quan trọng nhất: bạn định đi đâu??!

(9) Đơn xin visa

Nếu phân loại đơn dựa trên công nghệ thì sẽ có cơ bản 2 loại: đơn xin visa trên giấy (hard coppy application form) và đơn xin visa trực tuyến (online application form).

Một số nước chấp nhận đơn xin visa trên giấy như: Nhật, Hàn Quốc, New Zealand, Schengen (khối cộng đồng chung châu Âu), Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập ... (Úc mình xin visa từ Singapore hồi còn là du học sinh nên không biết ở Việt Nam giờ ra sao).

Một số nước chỉ chấp nhận đơn trực tuyến như Anh, Mĩ, Thổ Nhĩ Kỳ (đối với trường hợp đủ tiêu chuẩn xin e-visa).

Nếu tiếng Anh bạn tốt thì đơn trên giấy hay đơn online thì cũng không khác biệt gì mấy. Có điều, điền đơn online thì phải tập trung cao, chuẩn bị kĩ lưỡng các thông tin các nhân để điền. Anh, Mỹ là những nước chỉ chấp nhận đơn xin thị thực trực tuyến và các câu hỏi thì dài lê thê, cần phải có hình thẻ dạng file để upload trong đơn, yêu cầu hình thẻ cũng phải tuân thủ nghiêm chỉnh ...

Nếu tiếng Anh của bạn không tốt thì cũng hơi hu...hu..., bạn phải nhờ người khác điền đơn giúp, lúc thì sẽ không bị vặn vẹo, lúc thì có thể có khả năng bị vặn vẹo này kia. Nên tốt nhất, cứ phòng thủ cho mình một ít tiếng Anh. Còn nếu bạn muốn đi du lịch quá rồi thì cứ chọn mấy nước gần Việt Nam, miễn visa mà phóng. Đi hết những nước đó cũng phải gần 20 nước. Chỉ sợ bạn không đủ đạn dược thôi! Chẳng hạn Angko Wat cũng tuyệt vời mà ở Campuchia gần xịch, bay vèo cái là tới hoặc đi bus từ Sài Gòn qua Phnom Penh rôi qua Siem Reap, vừa đi xe vừa ăn xoài quê, ngon bá cháy!

[Chú ý một số nước chấp nhận thị thực tại điểm đến (visa on arrival) như Nepal, Sri Lanka (nhưng phải điền đơn online trước), Kenya; và một số nước miễn thị thực (visa exemption) cho công dân Việt Nam nếu lưu trú dưới một số ngày nhất định như Thái, Singapore, Lào, Campuchia - 30 ngày, Brunei - 14 ngày, nhìn chung là những nước trong Đông Nam Á.]

(10) Những giấy tờ khác

Cứ theo nguyên tắc sao y, dịch thuật có dấu công chứng.

Chúc các bạn xê dịch thật nhiều và thật vui!

>> Nghệ thuật xin visa du lịch của một người ưa xê dịch (Phần 1)

AlexTu

Alex Tú

Cùng chuyên mục
XEM