Ngắm bon sai đu đủ giá chục triệu chơi Tết
Lần đầu tiên quất ghép trên cây cần thăng, đu đủ bon sai, khế cảnh... được tung ra thị trường Tết đã thu hút được sự chú ý của nhiều dân chơi cây cảnh.
Nhưng ngày cận Tết, ông Trương Ngọc Xuân (phường Đức Thắng, Bắc Từ Liêm) vẫn đang miệt mài chăm sóc vườn cây cảnh đáng giá tiền tỷ của gia đình.
Những cây đủ đủ chĩu quả, vườn quất bon sai vàng ươm của gia đình ông đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của thực khách.
Ông quan niệm, đu đủ thể hiện một cuộc sống đủ đầy, không thừa cũng chẳng thiếu. Năm nay là năm đầu tiên ông mạnh dạn đầu tư trồng đu đủ bonsai để chơi Tết.
Theo ông, việc quan trọng nhất để tạo thành công được một cây đu đủ bon sai chính là việc trồng và chăm sóc sao cho đu đủ ra quả đúng dịp Tết.
Sai lệch một chút là coi như hỏng cây. Để tạo thế bonsai, ngay từ lúc cây nhỏ được đưa vào chậu cần phải tiến hành uốn cây ngay theo hướng đã định.
Năm đầu tiên thử nghiệm trồng, ông đã mạnh dạn ươm trồng 20 cây nhưng chỉ thành công 4 cây để bán vào dịp Tết Bính Thân 2016.
Hiện tại, số đủ đủ bonsai trong vườn nhà ông Xuân đã có người đặt mua hết, chỉ chờ trời khô ráo là chuyển. Giá của mỗi cây dao động từ 3-4 triệu đồng tùy thuộc vào số lượng hoa, quả trên cây.
Không chỉ có đu đủ bonsai, hơn 50 gốc quất ghép trong vườn cũng được khách hàng đặt mua gần hết. Bà Phượng (vợ ông Xuân) cho biết: “Quất ghép trên cây cần thăng là loại cây mới, năm nay mới có nhưng rất nhiều người đến hỏi mua. Vì là năm đầu tiên thử nghiệm nên gia đình chỉ dám ghép vài chục gốc, ai ngờ cháy hàng”.
Được biết, quất ghép cây cần thăng được ông Trương Ngọc Xuân vẫn gọi với cái tên nửa đùa nhưng mà thật “đời cây đi mượn”. Những gốc quất ghép phát triển tốt, trĩu quả, vàng ươm có giá từ 2-3 triệu đồng, thậm chí có gốc lên đến cả chục triệu.
Trong khi cây quất tượng trưng cho sự trù phú, hứa hẹn một năm mới được mùa ăn nên làm ra thì cây cần thăng biểu trưng cho sự “cần cù” và “thẳng tiến”.
Bản thân cây thăng luôn thể hiện nỗ lực không ngừng vươn tới vượt qua mọi khó khăn trở ngại để thành công trong cuộc sống.
Chính vì ý nghĩa đó, ông Trương Ngọc Xuân đã ghép hai cây làm một để tạo ra một loài cây mang ý nghĩa hoàn toàn mới: mọi việc đều có khó khăn, chỉ cần ta kiên trì, nhẫn lại ắt sẽ được trời phú, thành công.