Nếu Nguyễn Tuân còn, hãy mời ông làm đại sứ du lịch

21/04/2015 10:42 AM | Sống

Nghỉ lễ 30/4, 1/5 sắp tới sẽ là thời điểm vàng để các bạn có thể du lịch đó đây.

Tiềm năng của ngành công nghiệp không khói

Du lịch ngày càng trở thành ngành dịch vụ đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế. Trước năm 2014, tốc độ phát triển của ngành "công nghiệp không khói" này thường cao hơn tốc độ phát triển chung của GDP.

Năm 2014, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 7,8 triệu lượt người, tăng 4% so với năm trước, thấp hơn so với mức tăng 10,6% của năm 2013. Mặc dù vậy, tiềm năng du lịch của nước ta vẫn chưa được khai thác hết công suất, vẫn còn dư địa nhiều cho phát triển và nhiều điểm yếu cần khắc phục.

Ông Trần Thế Dũng, giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ cho rằng nền du lịch Việt Nam thiếu đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp đào tạo bài bản và chuyên sâu. Ở Thái Lan, Malaysia, mỗi hướng dẫn viên thường tập trung vào một địa phương nào đó vì thế họ có am hiểu sâu sắc tinh tế về vùng. Trong khi ở Việt Nam, hướng dẫn viên thường đảm nhận các tour khắp nước.

Ông Nguyễn Văn My , giám đốc du lịch Lửa Việt cho rằng Việt Nam còn thiếu các ý tưởng du lịch đột phá, hấp dẫn, giá cả các tour trong nước còn cao hơn các tour nước ngoài mặc dù tương quan so sánh cảnh quan và bề dầy văn hóa lịch sử, ẩm thực thì chúng ta không thua kém các nước. Vấn đề tắc đường, thiếu điện, an toàn thực phẩm, môi trường không trong sạch cũng là các nguyên nhân kìm hãm phát triển du lịch.

Nếu Nguyễn Tuân còn, hãy mời ông làm đại sứ

Philip Kotler, bậc thầy Marketing thế giới đã đến Việt Nam và khuyên Việt Nam hãy phát triển du lịch theo hướng trở thành bếp ăn của thế giới. Trong quá khứ, chúng ta từng có một bậc thầy về du lịch, ẩm thực và văn hóa đó chính là Nguyễn Tuân.

Nguyễn Tuân là đại diện cho chủ nghĩa xê dịch, một chủ nghĩa rất cần đối với ngành du lịch quảng bá và thúc đẩy để có thế giúp du lịch phát triển đột phá và đi vào chiều sâu. Nguyễn Tuân xê dịch vì muốn thả tâm hồn mình vào cõi tự do, phóng túng nơi phương trời xa xôi, “Đi khắp nơi để kiếm tìm sự mới mẻ, để cho mình có được men say của chén rượu mỗi tối tân hôn”. Tác phẩm "Một chuyến đi" là ví dụ điển hình

Phở Việt Nam đã được biết đến trên khắp thế giới. Nhưng ở Việt Nam không ai viết về Phở, tinh tế và đáng thèm muốn như Nguyễn Tuân. Nếu người dân nước ngoài được biết và được đọc về tác phẩm này ắt hẳn họ sẽ muốn tìm hiểu về phở của Việt Nam nhiều hơn. “Phở còn tài tình ở chỗ mùa nào ăn cũng thầy có ý nghĩa thâm thúy. Mùa nắng, ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt , qua lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt chợi thắm tươi lại. “

Chúng ta có một bề dầy về văn hóa lịch sử truyền thống. Không ai viết hay về những vẻ đẹp hoài cổ đó bằng Nguyễn Tuân qua tác phẩm "Vang bóng một thời". Văn hóa và lịch sử là những giá trị vững bền nhất đối với việc quảng bá và phát triển du lịch Việt Nam.

Thay cho lời kết, nếu Nguyễn Tuân còn, hãy mời ông làm đại sứ du lịch Việt Nam. Biết đâu, Nguyễn Tuân và những tác phẩm của ông có thể là một gợi ý hay cho phát triển du lịch.\

Minh Thanh

Nguyễn Minh Giang

Cùng chuyên mục
XEM