Hạnh phúc trong mắt người dân nước giàu khác nước nghèo ra sao?
Các nhà tâm lý học từ 12 nước khác nhau đã hợp tác để tìm ra câu trả lời trên phạm vi toàn cầu và kết quả từ nghiên cứu của họ được công bố trên tập san Frontiers in Psychology.
Bạn biết được khi nào mình hạnh phúc và khi nào thì không, nhưng thực ra hạnh phúc là gì, và điều gì khiến chúng ta hạnh phúc? Các nhà tâm lý học từ 12 nước khác nhau đã hợp tác để tìm ra câu trả lời trên phạm vi toàn cầu và kết quả từ nghiên cứu của họ được công bố trên tập san Frontiers in Psychology.
Các nhà nghiên cứu thực hiện khảo sát toàn diện và tiến hành trên 2799 người trưởng thành sống ở khu vực thành thị của các nước Argentina, Brazil, Croatia, Hungary, Ấn Độ, Italy, Mexico, New Zealand, Na Uy, Bồ Đào Nha, Nam Phi, và Hoa Kỳ, yêu cầu họ đưa ra định nghĩa về hạnh phúc.
Trong số 200 đến 220 người trong độ tuổi từ 30 đến 60 tham gia cuộc khảo sát ở mỗi quốc gia, lượng nam giới và phụ nữ tham gia là như nhau. Tỉ lệ người có con là 8/10. Hơn một nửa là người theo đạo Thiên chúa, 12,4% theo đạo Hindu, và 27,6% không theo tôn giáo nào.
Từ 7551 định nghĩa về hạnh phúc do những người tham gia cung cấp, các nhà nghiên cứu đã lọc ra được một số kết quả chủ yếu.
Nhìn chung, và ở 11 trên tổng số 12 nước được khảo sát, những người tham gia nói rằng gia đình và các mối quan hệ bền chặt góp phần nhiều nhất vào hạnh phúc, tiếp đó là sức khỏe tốt. Người ta thường cho rằng gia đình mang lại sự đồng nhất, gắn kết và tương trợ lẫn nhau, và sự mãn nguyện khi được thấy con gái trưởng thành khỏe mạnh. Các mối quan hệ thân thiết cũng được coi là một cách sẻ chia kinh nghiệm sống và giúp đỡ lẫn nhau.
Đa phần mọi người đều đưa ra định nghĩa về hạnh phúc thiên về tâm lý. Trong số những định nghĩa này, khái niệm hòa hợp nổi trội hơn cả, bao gồm các yếu tố như sự tĩnh tâm, cân bằng nội tại, trạng thái viên mãn và sự ổn định về tâm sinh lý.
Điều này khiến các nhà nghiên cứu hết sức ngạc nhiên vì ý tưởng về sự hòa hợp thường bị bỏ qua trong các nghiên cứu tâm lý về hạnh phúc, đặc biệt là ở các nước phương Tây. Sự hòa hợp thường được những người tham gia mô tả là có được sự ổn định về cảm xúc, “đồng điệu với vũ trụ”, và đạt được sự cân bằng giữa những gì muốn có và những gì có được.
Có một số khác biệt văn hóa đáng chú ý trong các định nghĩa được đưa ra. Người Mỹ mô tả hạnh phúc như một trạng thái “không có cảm xúc tiêu cực” và có liên quan đến “sự lạc quan” nhiều hơn bất kỳ nước nào khác, trong khi những người Na Uy lại đặc biệt chú ý đến “tự do ý chí” và có được sự thành thạo ở một số kỹ năng hoặc các khía cạnh của cuộc sống.
Ở Croatia, nước nghèo nhất tham gia nghiên cứu, các câu trả lời ít tập trung vào các định nghĩa mang tính tâm lý và chủ yếu mô tả hạnh phúc đơn giản là khỏe mạnh và thỏa mãn trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên nghiên cứu này cũng có một số hạn chế. Những người tham gia đều ở khu vực thành thị, vì thế nhận định của những người sống ở nông thôn về hạnh phúc không được tính đến. Ngoài ra, các nền văn hóa ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin không có nhiều người tham gia nghiên cứu, và gần như không có tiếng nói của những người theo đạo Hồi.
Các nhà khoa học hy vọng rằng nghiên cứu của họ sẽ mang lại hạnh phúc nhiều hơn trên toàn thế giới: “Vì đa phần mọi người đều đang sống trong xã hội đa văn hóa, hiểu biết sâu hơn các ý nhiệm văn hóa về hạnh phúc sẽ rất có ích cho việc củng cố mối quan hệ hài hòa và tốt đẹp ở mọi nhóm văn hóa khác nhau trong cùng một quốc gia”.