Du lịch thăm dê ngắm cừu

10/01/2015 16:01 PM | Sống

Muốn chứng kiến những cảnh quan ngoạn mục, nếm thử những món ngon liên quan đến dê hay cừu, hãy ghé thăm những điểm đến nổi bật trong năm 2015 này.

Barbary là loài cừu hoang dã vùng Bắc Phi, được tộc người Berber gọi là aoudad. Sống trong vùng đồi núi khô cằn nhưng chúng vẫn có thể tìm thấy đủ nước từ thảm thực vật và sương mai để tồn tại.

Khi bị đe dọa, cừu Barbary có khả năng duy trì trạng thái bất động, nên hiếm khi bị phát hiện, cho dù cặp sừng nặng nề của chúng luôn thu hút thợ săn các nước.

Để thấy chúng trong tự nhiên, đòi hỏi phải có thời gian, sự kiên nhẫn và kiến thức tốt, tham gia tour du lịch của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đến sa mạc Sahara và dãy núi Atlas ở Ma-Rốc, là môi trường bản địa của loài này.

Xem trang worldwildlife.org/tours và tổ chức du lịch đối tác của WWF là Natural Habitat Adventures: nathab.com.

Lễ hội xén lông cừu (New Zealand)

Một số trang trại gần Queenstown, New Zealand cung cấp tour du lịch với các hoạt động như cho cừu ăn, chăm sóc và xén lông cừu. Muốn tìm những hoạt động sôi nổi hơn, hãy đến xem cuộc thi vô địch xén lông cừu Golden Shears ở Masterton.

Từ năm 1958, sự kiện hằng năm này được tổ chức trong 3 ngày cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, tranh tài ấn tượng qua các công đoạn xén lông, xử lý và ép thành khối, hoặc có thể thư giãn cùng bầy cừu trên đồng cỏ.

Trang phục lông cừu (Nepal)

Trong những năm 60, chiếc áo khoác lông cừu từng là thời trang của giới hippies. Ngày nay, chúng vẫn là trang phục mùa Đông của những người sống trên vùng núi châu Á.

Không như loại da bình thường, da thuộc cùng với lông cừu phủ bên ngoài được giữ nguyên vẹn, tạo nên một lớp cách nhiệt hiệu quả. Trong các làng ở Nepal, áo truyền thống của đàn ông Sherpa là một áo choàng dài tay gọi là chhuba, cùng chiếc khăn vải cột ngang thắt lưng gọi là kara.

Chhuba may bằng vải len thô dệt tại nhà và một biến thể khác bằng lông cừu gọi là lokpa. Trang phục truyền thống của phụ nữ là chiếc áo len dày dài phủ chân, tay dài, được gọi là tongkok. Bạn sẽ tìm thấy các sản phẩm từ lông cừu, thảm len và hàng dệt kim quanh khu vực chợ Thamel, thủ đô Kathmandu của Nepal.

Tiệc thịt cừu, Tân Cương (Trung Quốc)

Thịt cừu chiếm ưu thế tại hầu hết các khu vực người Hồi giáo. Món đặc trưng của người Duy Ngô Nhĩ sử dụng từ đầu đến đuôi con cừu là morxueke.

Một bữa tiệc đãi toàn thịt cừu, mỗi phần cơ thể là một món riêng cùng với món ha-ghi (dạ dày cừu nhồi tim gan phổi trộn yến mạch). Bạn có thể thưởng thức các món thịt cừu chế biến theo truyền thống Duy Ngô Nhĩ ở nhà hàng Xibo, Thượng Hải.

Cừu khổng lồ tại Wagin (Úc)

Tượng cừu ở Wagin

Bạn đã thăm New York, thành phố với biệt danh Big Apple (Trái táo lớn) nên năm 2015 hãy thử tìm đến Big Sheep (Con cừu lớn) tại Wagin, miền Tây nước Úc.

Chú cừu khổng lồ đầy ấn tượng này là một trong vài con cừu lớn trên khắp nước, cao 7m, dài 15m, một tượng đài của ngành công nghiệp len lông cừu Merino tại địa phương được thành lập vào năm 1889, đã giúp Wagin trong chặng đường lịch sử.

Từ thành phố Perth, lái xe khoảng 3 giờ về phía nam đến thăm thị trấn Wagin vào dịp Woolorama, một hội chợ triển lãm nông nghiệp lớn nhất, tổ chức hằng năm vào tháng 3.

Đầu dê trưng ở đâu?

Bay đến Barcelona, dạo mát trên La Ramblas, một phố đi bộ lừng danh thế giới, về hướng biển, nhìn sang bên phải, bạn sẽ thấy La Boqueria, một trong những khu chợ nổi tiếng nhất thế giới đã tồn tại qua nhiều thế kỷ.

Và tại đó, trên những gian hàng bày bán những món đặc sản của ẩm thực Tây Ban Nha chắc chắn phải có giăm-bông Iberico, rượu cherry và pho mát làm từ sữa dê.

Bạn sẽ thấy những đầu dê còn tươi và những hộp nhựa đựng từng bộ óc dê, óc heo... Chúng như mời gọi các bà nội trợ Tây Ban Nha hãy mang về nhà tạo nên các món ngon truyền thống.

Dê trên mái nhà

Dê trên mái nhà ở Vancouver Island

Vancouver Island, Canada chỉ là một hòn đảo nhỏ nhưng mỗi năm có khoảng một triệu du khách Bắc Mỹ và quốc tế tìm đến đây chỉ để thỏa mãn sự tò mò, được tận mắt chứng kiến hình ảnh những con dê ngự trị trên phố chợ Coombs Country Market.

Bốn thập niên về trước, khu chợ này do người Na Uy nhập cư xây dựng. Căn nhà làm bằng đất, rễ cây như ở bên Na Uy nên đến lúc trở thành khu vực màu mỡ cho cỏ dại, bụi gai.

Và chỉ có những con dê, dễ tính hơn con cừu ở khoản ăn uống, mới có thể đóng vai trò "máy cắt cỏ” tự nhiên trên nóc nhà. Chẳng ngờ chúng trở thành những ngôi sao thu hút hàng đoàn du khách khắp nơi tìm đến.

Dê ở chốn hoang vu

Bạn muốn tận mắt trông thấy những đàn dê thả rong trên vùng đất rộng lớn toàn cát đá với thật ít cỏ xanh nhưng rất nhiều bụi gai thì hãy tìm đến miền Tây-Nam đất nước Kenya.

Bạn sẽ tự hỏi ở chốn hoang sơ, khô cằn này sao lại có nhiều dê đến thế, chúng ăn gì để sống mà cho sữa, cho thịt, cho da và cho cả... máu?

Xin thưa rằng, đó là những đàn dê, dấu hiệu của sự giàu có của những gia đình thổ dân Maasai. Dê có thể ăn bất cứ thứ gì mọc trên đất cát đá và chúng cung cấp nguồn năng lượng quý báu cho các chiến sĩ Maasai (uống máu tươi của dê là một nghi thức đến tuổi trưởng thành, sẵn sàng thành chiến sĩ săn sư tử).

Đi du lịch ở đồng bằng Serengeti trải rộng sang phía Bắc đất nước Tanzania, bạn sẽ gặp vô vàn dê cụ, dê trẻ, dê đực, dê cái và dê con...

>> Những bức ảnh gây khó chịu nhất mà khách du lịch hay chụp

Theo Tuấn Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM