Đi tàu điện ngầm ở Nhật không hề đơn giản, bạn phải thuộc 5 quy tắc này
Không hút thuốc, không sử dụng điện thoại di động là 2 quy tắc bất di bất dịch khi bạn đi tàu ở Nhật Bản.
1. Không hút thuốc trên tàu/tàu điện ngầm
Phòng hút thuốc.
Hút thuốc ở những nơi công cộng là bất hợp pháp ở hầu hết các vùng của Nhật Bản. Bạn có thể bị phạt tiền (số tiền không quá lớn) nếu hút thuốc trong khi đi bộ trên đường hoặc khu vực có biển cấm hút thuốc. Những địa điểm như ga tàu, bệnh viện, trường học việc cấm hút thuốc được thực hiện rất nghiêm ngặt và bạn sẽ gặp rắc rối lớn nếu cố tình vi phạm luật lệ này.
Ở ga tàu, gần như tất cả các nhà ga đều có bảng hiệu “phòng hút thuốc” hoặc “bên ngoài khu vực hút thuốc” được dán rất rõ ràng. Nếu bạn không nhìn thấy ký hiệu nào nói rằng bạn được phép hút thuốc thì có nghĩa việc này bị cấm trong khu vực bạn đang đứng.
Tại các khu vực công cộng cũng có phòng hút thuốc dành cho những người nghiện thuốc. Ngay cả khuôn viên trường đại học rộng khoảng 607m2 cũng chỉ có vài điểm được phép hút thuốc. Ngoại lệ duy nhất (theo quan điểm cá nhân) là các câu lạc bộ, một số quán bar, và hầu hết các buổi hoà nhạc ngoài trời là được hút thuốc thoải mái.
Vì vậy, một cách nghiêm túc, không hút thuốc trên tàu ở Nhật Bản.
2. Không nói chuyện điện thoại trên tàu/tàu điện ngầm
Quy tắc này rõ ràng hơn một chút, ban quản lý tàu/tàu điện ngầm đề những bảng hiệu yêu cầu không nói chuyện điện thoại trên tàu ở khắp mọi nơi và có cả dịch vụ nhắc nhở qua loa bằng tiếng Nhật và tiếng Anh vài phút một lần.
Nếu có ai đó gọi điện cho bạn và bạn đang trên tàu thì chỉ cần nói: “Xin lỗi, tôi đang trên tàu, tôi sẽ gọi lại cho bạn khi tôi xuống bến”, rồi tắt máy. Bạn không nhất thiết phải bỏ qua cuộc gọi đó. Tương tự như vậy, nếu bạn đang trò chuyện điện thoại trong khi đợi tàu đến thì hãy cố gắng kết thúc cuộc trò chuyện trước khi lên tàu. Nếu bạn nói chuyện điện thoại quá lâu sẽ khiến những hành khách khác khó chịu với bạn chứ chưa nói đến việc bạn nói quá to như thể muốn cả khoang tàu nghe thấy cuộc trò chuyện của bạn.
3. Cài đặt điện thoại vào chế độ “Manner Mode" [マ ナ ー モ ー ド] (hay còn gọi là chế độ im lặng)
Điện thoại ở Nhật Bản có một nút “Manner Mode” tương đương với chế độ im lặng trong các dòng điện thoại chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày. Chỉ cần ấn và giữ “Manner Mode” để bật hay tắt chế độ im lặng này.
Hãy cài đặt “Manner Mode” khi bạn đi tàu để không gây ảnh hưởng đến người khác khi bạn có cuộc gọi hay tin nhắn đến. Cứ 5 phút một lần bạn sẽ nghe thấy thông báo trên loa yêu cầu hành khách để điện thoại vào “Manner Mode” bằng cả tiếng Nhật lẫn tiếng Anh.
Trên tàu rất yên tĩnh do đó một tiếng “bíp” của tin nhắn hay chuông điện thoại reo sẽ trở nên rất to và ồn ào. Tất nhiên sẽ chẳng có ai đá đít bạn xuống tàu nếu điện thoại của bạn chưa để im lặng nhưng cảm giác bạn gây ảnh hưởng đến bầu không khí yên tĩnh giống như bạn là học sinh bị ghét nhất lớp. Chẳng ai quan tâm đến bạn nhưng bạn sẽ thấy cô độc và lúng túng.
4. Nhường chỗ cho người già, người khuyết tật, người bị thương, phụ nữ mang thai hay các em nhỏ
Trên tàu ở Nhật có những khu vực ghi “chỗ ngồi ưu tiên” nhưng vì lý do nào đấy mà những người có đủ điều kiện để ngồi vào vị trí đó lại chọn chỗ ngồi thông thường và bạn chẳng còn sự lựa chọn nào khác là ngồi vào ghế ưu tiên đó. Thế nhưng nếu người lên sau bạn mà trông họ có vẻ mệt mỏi hay mang theo một đứa trẻ thì hãy vui vẻ đứng lên nhường chỗ đó cho người ta. Rất đơn giản.
Nếu bạn ngồi ghế thường mà có người già đang phải đứng thì cũng hãy đứng dậy nhường ghế. Thường thì họ sẽ giao tiếp bằng mắt với bạn để bạn nhận thấy họ muốn ngồi vào chỗ của bạn. Một vài người trẻ thường cố tình dán mắt vào màn hình điện thoại để lảng tránh những cái nhìn của người già – người đang đứng mệt mỏi trước mặt họ.
Ngay cả khi những người thuộc diện ưu tiên không có ý muốn bạn nhường chỗ thì cũng hãy lịch sự hỏi họ có muốn ngồi không. Ban đầu có thể họ sẽ nói “ồ không, tôi đứng được mà.”, “không sao, tôi ổn.” nhưng hãy cứ thể hiện ý tốt của mình và mời họ ngồi xuống. Những người đó sẽ rất cảm kích và biết ơn bạn vì lời từ chối ban đầu là cách họ tỏ ra lịch sự.
Có những trường hợp khá khó xử như này. Tạm gọi 3 người là A,B và C. A muốn nhường ghế cho B vì B bị thương ở chân phải chống nạng. A vừa đứng lên thì C tiến tới và ngồi ngay xuống chỗ của A. Cả A và B đều bối rối và khó xử. Trong trường hợp này thì C cố tình làm như thế.
Hay một tình huống khác. A đứng lên nhường ghế cho B nhưng khoảng cách 2 người quá xa nên A phải đi đến gần B để nói với B hãy tiến lại và ngồi xuống ghế. C không thấy B nên khi A đứng lên đã nghĩ A chuẩn bị xuống bến nên ngồi xuống ghế của A. A và B quay lại chỗ ngồi thì C đã ở đó. Trường hợp này C vô tình làm thế nhưng cũng gây khó chịu và bất tiện cho A và B.
Hãy cẩn trọng, đừng để điều đó xảy ra. Nếu bạn thấy ai đó đứng lên rời khỏi chỗ của mình thì hãy chú ý xem họ đang đi đến đâu trước khi bạn ngồi xuống. Nếu họ xuống tàu thì chỗ đó thuộc về bạn. Nhưng nếu họ đang tiến đến giúp đỡ một người già hay phụ nữ mang thai thì hãy để nguyên chỗ ngồi đó cho họ.
5. Hãy cẩn thận với mùi cơ thể
Hãy tưởng tượng bạn bị mắc kẹt trên một chuyến tàu chật kín người là người và đủ thứ mùi cơ thể không mấy thơm tho toả ra trong không gian chật chội. Chắc chắn đó là địa ngục trần gian.
Có một sự thật là người Nhật Bản không hề bị mùi cơ thể! Vì thế những mùi “hơi ghê” bạn ngửi thấy trên tàu hầu hết là của khách du lịch, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.
Hãy thương những người xung quanh bạn nếu bạn có mùi cơ thể không được thơm cho lắm. Sử dụng các chất khử mùi ở những nơi dễ ra mồ hôi như nách, gan bàn chân sẽ giúp bạn hạn chế được mùi khó chịu đồng thời thể hiện sự tôn trọng của bạn với những hành khách khác trên cùng chuyến đi.
Chuyện này rất nghiêm túc vì thế hãy chuẩn bị thật chu đáo trước khi bạn ra khỏi nhà và đi tàu ở Nhật.