Đây là lý do khiến các tỷ phú không ngừng giàu lên

14/01/2016 14:12 PM | Sống

“Việc bạn sẽ trở thành người như thế nào quan trọng hơn so với những thứ mà bạn sở hữu. Tiền bạc không quyết định con người mà chính con người quyết định tiền bạc”.

Không bao giờ tiêu ngay số tiền kiếm được

Sinh năm 1930 tại Omaha, tiểu bang Nebraska của Mỹ, nhà đầu tư “huyền thoại” Warren Buffett bộc lộ tài năng kinh doanh ngay từ khi còn rất trẻ. Mới 6 tuổi, Buffett đã biết mua lại một giỏ 6 lon Coca Cola với giá 25 xu, rồi chia ra bán lẻ từng lon với giá 5 xu/lon.

Buffett bắt đầu chơi cổ phiếu từ năm 11 tuổi. Khi đó, chàng trai trẻ đã để dành tiền tiết kiệm mua cổ phiếu của một công ty có tên là Cities Service Preferred, với giá 38 USD/ cổ phiếu.

Và trong những chia sẻ gần đây, vị tỷ phú vĩ đại cảm thấy hối tiếc vì… đã có một sự khởi đầu quá muộn. “Ban đầu, mọi thứ đều rất rẻ. Vì thế, hãy khuyến khích con cái bạn đầu tư ngay khi chúng biết đến giá trị của đồng tiền”.

Năm 12 tuổi, Buffet đã nộp tờ khai thuế đầu tiên, bắt đầu công việc đi rao báo và mua những máy chơi bóng (pinball) đặt ở nhiều cửa hàng khác nhau, sau đó bán với giá cao hơn. Buffet nhận phát báo đến 5 vòng cùng một lúc, mỗi buổi sáng phát được đến 500 tờ báo và kiếm được số tiền bằng với mức lương làm toàn thời gian là 175 USD.

Lên 14 tuổi, Buffet đã mua hơn 160.000 m2 đất trang trại ở Nebraska và cho người khác thuê lại để canh tác. Hai nguyên tắc đầu tư quan trọng nhất đối với Buffett là: “Nguyên tắc số 1: Không bao giờ để mất tiền; nguyên tắc số 2: Không quên nguyên tắc số 1”.

“Hãy tham lam khi kẻ khác sợ hãi” - Câu nói nổi tiếng được trích từ lá thư gửi cổ đông của Buffett vào năm 2004 và được coi như một triết lý đầu tư kinh điển của “huyền thoại” chứng khoán Mỹ.

Hiện đã 86 tuổi và nắm trong tay khối tài sản khổng lồ khoảng 60,7 tỉ USD (theo thống kê của Bloomberg), Buffett vẫn miệt mài với hoạt động đầu tư, giữ lối sống giản dị và chưa bao giờ có tín hiệu dừng đầu tư.

Về kiếm tiền, ông khuyên đừng bao giờ phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất mà hãy đầu tư để tạo ra nguồn thứ hai.

Về tiết kiệm tiền, ông cho rằng không nên tiết kiệm những khoản còn lại sau chi tiêu, mà hãy tiêu những khoản còn lại sau khi tiết kiệm.

Đừng vung tay quá trán

Có lẽ ít người biết rằng, cha đẻ của thương hiệu nổi tiếng Thụy Điển IKEA- tỷ phú đồ gỗ Ingvar Kamprad còn được mệnh danh là “tỷ phú tiết kiệm”. Tuy liên tục được ghi tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới, nhưng tỷ phú người Thụy Điển vẫn chọn cho mình lối sống giản dị, bình dân.

Khi sắm ôtô, Ingvar Kamprad không chọn mua loại Ferarri, Porscher hay ít nhất cũng là chiếc Mercedes như các thương gia thành đạt khác. Ngược lại, người ta thấy ông vô cùng hài lòng với chiếc xe Volvo vào loại xoàng xĩnh.


Chiếc xe “xoàng xĩnh” của cha đẻ thương hiệu IKEA - Ingvar Kamprad

Chiếc xe “xoàng xĩnh” của cha đẻ thương hiệu IKEA - Ingvar Kamprad

Ngoài ra, ông vẫn đi máy bay với loại vé phổ thông và thường mua hàng giảm giá. Thậm chí, người dân làng Elmtary Agunnaryd, quê của Ingvar Kamprad vẫn luôn ấn tượng về việc mỗi lần ông về quê lại vào tiệm cắt tóc làng với giá 5 Euro như những người nông dân nghèo.

"Chúng tôi không cần những chiếc xe hào nhoáng, những danh hiệu hay trang phục ấn tượng. Chúng tôi dựa vào sức mạnh và ý chí của chính mình" - Kamprad từng viết trong cuốn hồi ký.

Trong khi đó, “ông trùm” bất động sản Mỹ Donald Trump cho rằng, nếu muốn có thật nhiều tiền, bạn cần biết cách quản lý việc chi tiêu của mình. Một sai lầm nhỏ trong chi tiêu cá nhân cũng có thể làm mất toàn bộ số tiền mà bạn cực khổ kiếm được.

"Hãy kiểm soát thật kỹ mọi nguồn chi tiêu bởi rất có thể bạn đang trả chi phí cho những việc vô bổ. Một vết rò rỉ nhỏ cũng có thể nhấn chìm một con tàu. Và tất nhiên, quản lý tiền bạc cũng như vậy" - ông Trump nói.

Với cách quản lý chi tiêu và tiêu tiền như vậy, Donald Trump luôn nằm trong top những tỷ phú giàu nhất thế giới. Ông không những nổi tiếng trong giới tỷ phú ở lĩnh vực bất động sản mà còn là một nhà diễn thuyết tài ba.

Không coi thường tiền lẻ

Tỷ phú người Mỹ Suze Orman cho rằng, không nên coi thường những đồng tiền lẻ hay những khoản chi phí nhỏ bởi một ngày nào đó bạn cộng dồn số tiền đó lại sẽ thành một khoản lớn.

Tất cả chúng ta thường cẩn thận với các khoản đầu tư và các vụ mua bán lớn. Tuy nhiên, chúng ta có xu hướng thiếu thận trọng với các khoản đầu tư nhỏ. Người giàu không bao giờ chi trả các khoản không cần thiết. Họ vẫn rất cẩn thận với các loại phí và hóa đơn có thể tránh được.

“Hãy xem xét mọi khoản bạn có thể cắt giảm chi tiêu một chút. Tất cả gộp lại sẽ thành một khoản lớn. Ngoài ra, bạn nên dành thời gian tìm kiếm cơ hội kiếm thêm tiền thay vì ngồi một chỗ đếm từng đồng tiền tiết kiệm được”- Suze Orman nói.

Suze Orman đã kiếm được cả một gia tài bằng cách tư vấn người khác làm giàu mặc dù bà không có bất kỳ kinh nghiệm gì trong việc này.

"Đừng bao giờ quên rằng Việc bạn sẽ trở thành người như thế nào quan trọng hơn so với những thứ mà bạn sở hữu. Tiền bạc không quyết định con người mà chính con người quyết định tiền bạc" – nữ tỷ phú chia sẻ.

Khánh Ly

Cùng chuyên mục
XEM