Chân dung tỷ phú "không tiền" của Mỹ: Ở nhà thuê và đeo đồng hồ 15 USD
Với phương châm “Sống để làm việc, chứ không phải để làm giàu”, tỷ phú “không tiền” người Mỹ - Chuck Feeney luôn là một trong những tấm gương sáng về lối sống giản dị và tiết kiệm.
Sinh ra ở New Jersey trong một gia đình viên chức Ireland - Mỹ, Chuck Feeney cùng với một người bạn học tại Trường Đại học Cornell bắt đầu sự nghiệp bằng nghề bán rượu miễn thuế cho thủy thủ Mỹ từ đầu những năm 1950. Sau đó hai người bán xe hơi cho lính Mỹ đồn trú ở châu Âu và châu Á.
Nhân cơ hội du lịch bùng nổ sau chiến tranh, họ xây dựng thương hiệu cửa hàng miễn thuế (DFS) ở các cửa khẩu và trở thành hệ thống bán lẻ rượu, thuốc lá cũng như những mặt hàng xa xỉ phẩm số một thế giới.
Doanh số của DFS ước đạt 3 tỉ USD/năm. Tuy bán những sản phẩm đắt đỏ như vậy nhưng ông Feeney không bao giờ thắt cà vạt Hermes hay mang giày Gucci.
Chuck Feeney thường nói ông quý trọng tiền bạc và rất ghét phung phí nó. Quan niệm sống này ông đã cố gắng truyền lại cho 5 người con từ lúc chúng còn bé. Mặc dù có tiền, ông vẫn làm việc chăm chỉ và không muốn con ông trở thành “những đứa con nhà giàu hư hỏng”.
Ông yêu cầu con trai đi làm hầu bàn, con gái làm bồi phòng khách sạn hoặc thu ngân trong các kỳ nghỉ hè. Điều đáng nói là các con ông không bao giờ than phiền về chuyện ông “phung phí” tiền bạc vào các hoạt động từ thiện.
Ông Feeney từng có 6 căn hộ sang trọng ở Côte d’Azur (Pháp), Mayfair và đại lộ Park (New York). Ông đã bán tất cả và giờ đây ông thuê lại một căn hộ nhỏ chỉ có hai phòng ở San Francisco để sống cùng với người vợ thứ hai. Người vợ đầu của ông sau khi ly dị đã được chia 7 căn nhà và 60 triệu USD.
Trong khi đó, Chuck Feeney vẫn đeo đồng hồ giá 15 USD, đi máy bay vé hạng bét và cũng chẳng có xe hơi riêng.
Tỷ phú “rỗng túi”
Chuck Feeney từng chia sẻ rằng, ông thích kiếm tiền nhưng không muốn sở hữu chúng, nên nhiều năm liền đã bí mật làm từ thiện phần lớn khối tài sản khổng lồ trị giá hàng tỷ USD.
Trong suốt 30 năm qua, Feeney đã đi khắp thế giới để trao tặng số tài sản 7,5 tỉ USD. Quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies do ông sáng lập đến nay đã rót 6,2 tỉ USD vào giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế, bảo vệ nhân quyền… tại Mỹ, Úc, Việt Nam, Nam Phi và Ireland. 1,3 tỉ USD còn lại sẽ được chi hết vào năm 2016 và Quỹ sẽ đóng cửa vào năm 2020.
Trong khi những đại gia lo tích góp tài sản thì ông lại cố gắng hết sức để cho mình… rỗng túi. Feeney bắt đầu sứ mệnh “làm rỗng túi” vào năm 1984 khi ông chuyển toàn bộ 38,75% cổ phần sở hữu trong DFS cho Quỹ Atlantic Philanthropies.
Quỹ này là nơi ông thực hiện ước mơ cả đời của mình: Làm những điều có thể tạo ra sự thay đổi lớn cho cuộc sống của người khác như mang lại hòa bình cho Bắc Ireland, hiện đại hóa hệ thống chăm sóc y tế của Việt Nam hay bơm 350 triệu USD để biến Roosevelt Island của New York trở thành một trung tâm công nghệ.
Một điều đặc biệt ở Feeney là ông cho đi một cách rất lặng lẽ. Trong 15 năm đầu tiên, Feeney luôn giấu tên. “Tôi đã phải thuyết phục ban ủy thác rằng tiền Feeney quyên tặng là trong sạch” - Frank Rhodes, nguyên Chủ tịch Đại học Cornell, nhớ lại.
Mãi cho đến năm 1997, những hoạt động từ thiện của Feeney mới bị “đưa ra ánh sáng” sau khi ông bán cổ phần trong Duty Free Shoppers cho hãng thời trang cao cấp của Pháp LVMH.
Hai tỷ phú hàng đầu thế giới - Bill Gates và Warren Buffett, đã gọi ông là nguồn cảm hứng cho cả Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation lẫn Quỹ Giving Pledge, nơi có tới hơn 90 người giàu nhất thế giới cam kết tặng 50% tài sản của mình để làm từ thiện.
Để nói về những điều tâm huyết của mình, Feeney luôn tâm đắc câu ngạn ngữ của người Xentơ “Không có túi đựng tiền trong tấm vải liệm”.