Biến đổi khí hậu làm tăng tỷ lệ sinh con gái?
Theo nghiên cứu do tạp chí Fertility and Sterility tiến hành, khí hậu ấm lên tại Nhật khiến tỷ lệ sinh con gái cao hơn con trai. Từ đó, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết: Biến đổi khí hậu có thể thay đổi tỷ lệ giới tính.
Ở một số loài vật, đặc biệt là lớp bò sát, giới tính con non phụ thuộc vào nhiệt độ, nghĩa là giới tính của thế hệ con sẽ do độ ấm môi trường ấp trứng quyết định.
Con người dựa vào gen để phân biệt giới tính. Tuy nhiên, tại khu vực nhiệt đới, nơi có khí hậu ấm áp, tỷ lệ nữ giới vẫn nhiều hơn so với các vùng cực. Còn về vấn đề sinh sản, sự việc có vẻ phức tạp hơn. Chỉ đến 4 năm trước, khoa mới phát hiện ra một loài động vật sử dụng nhiệt độ để quyết định giới tính trong một số trường hợp nhưng lại dùng gen trong những tình huống khác.
Tiến sĩ Misao Fukuda đến từ Viện M&K Health tại Nhật đã tìm ra bằng chứng ủng hộ giả thuyết tỷ lệ giới tính khi sinh của con người cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, dù theo một cơ chế khác tinh vi hơn.
Năm 1968, tại Nhật, cứ 1,07 bé trai thì lại có 1 bé gái được sinh ra. Đến năm 2012, con số này giảm xuống còn 1,05. Sự thay đổi tương tự cũng diễn ra ở nhiều nơi khác. Tuy nhiên, quy mô cũng như nguyên nhân dẫn đến xu hướng này vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.
Tiến sĩ Fukada cũng quan sát dữ liệu liệu liên quan đến tỷ lệ tử vong thai nhi giữa con trai với con gái. Ông tìm hiểu về các ca sảy thai sau 12 tuần đầu tiên trong cùng một thời kỳ. Theo đó, tỷ lệ chênh lệch nam nữ rõ ràng hơn, từ 1,3 tăng lên thành 2 vào cuối giai đoạn nghiên cứu.
“Hai thái cực khí hậu - mùa hè nóng bức năm 2010 và mùa đông rét buốt tháng 1/2011 cho thấy không chỉ tỷ lệ giới tính của trẻ sơ sinh 9 tháng sau (tháng 6/2011 và tháng 10/2011) giảm đáng kể mà số lượng các ca sảy thai cũng tăng cao”, Fukada báo cáo.
Số thai nhi nam tử vong so với nữ tăng không hẳn là nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh con trai giảm. Đây có thể là dấu hiệu chứng minh xu hướng này đã xảy ra vào giai đoạn sớm hơn trong thời kỳ mang thai, khi chưa có dữ liệu cụ thể.
Theo tạp chí Fertility and Sterility, thai nhi nam rất dễ bị tổn thương bởi những nhân tố bên ngoài, trong đó có biến đổi khí hậu.
Thông tin thai nhi nữ có khả năng tồn tại cao hơn đã được nhiều chuyên gia khẳng định. Cũng có một số bằng chứng cho thấy các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến thai nhi nam nhiều hơn. Tuy nhiên, việc các nhà nghiên cứu không ngờ tới là nhiệt độ lại có sức ảnh hưởng lớn đến thế ở đất nước sử dụng nhiều điều hòa không khí như Nhật Bản.
Không như loài bò sát, những thay đổi trong tỷ lệ sinh này quá nhỏ để trở thành mối đe dọa đến sự tồn tại của con người. Tuy nhiên, việc các ca sảy thai ở cả hai giới đang tăng có thể là một hậu quả của biến đổi khí hậu.
>> Chuyện gì xảy ra trong những phút giây chào đời đầu tiên của con người
Thu Thảo