Bắc Triều Tiên và nhà viết kịch vĩ đại Kim Jong Il
Kịch Kim Jong Il được hệ thống tuyên truyền mô tả là “hay hơn bất cứ thứ gì trong lịch sử âm nhạc”.
Năm 1971, Kim Jong Il, khi đó 29 tuổi, được bổ nhiệm làm lãnh đạo Ủy ban văn hóa và nghệ thuật của Đảng Lao Động Triều Tiên. Đó là tín hiệu đầu tiên cho thấy ông sẽ trở thành người kế nghiệp cha, lãnh đạo đất nước.
Trong cương vị mới, Kim Jong Il trở thành một nhà biên kịch. Ông đã viết ra những vở nhạc kịch cách mạng mà sau này được hệ thống tuyên truyền mô tả là “hay hơn bất cứ thứ gì trong lịch sử âm nhạc”. Những vở nhạc kịch mà lãnh tụ Kim viết ra khi ấy nhanh chóng trở thành chính yếu trong hệ thống nhà hát của Bắc Triều Tiên. Trong suốt thập kỷ 70 và 80, gần như toàn bộ các buổi biểu diễn trên đất nước này đều xuất hiện những vở kịch của Kim Jong Il.
Ví dụ, như vở “Biển máu”, là câu chuyện về một người mẹ có con trai tham gia quân du kích chống Nhật trong thập kỷ 30, rồi sau đó, bà cũng đứng lên trở thành một người lính.
“Đứa con gái trung kiên” kể về một người nữ y tá anh hùng đã chống lại “Những tên đế quốc Mỹ” trong thời gian Chiến tranh Triều Tiên. Cô gái dũng cảm chỉ có một ước mơ duy nhất: được gặp gỡ chủ tịch Kim Nhật Thành vào một ngày nào đó. Tuy nhiên, giấc mơ của cô không thể trở thành hiện thực khi cô bị “bọn Mỹ” giết hại. Những lời cuối cùng của cô: “Tôi muốn nhìn thấy Đại tướng…”.
Vở kịch “Hoa thiếu nữ” là vở nổi tiếng nhất với phương Tây trong số những vở mà Kim Jong Il đã viết. Hồi đầu thập kỷ 90, vở nhạc kịch này trở thành tâm điểm của một cuộc tranh cãi giữa hai miền Triều Tiên. Năm 1991, trong một cuộc hội đàm song phương giữa miền Bắc và miền Nam, phía Bắc khẳng định rằng vở “Hoa thiếu nữ” sẽ được trình diễn tại Seoul trong một chương trình trao đổi văn hóa giữa hai miền. Phía Hàn Quốc từ chối ý tưởng này. Đoàn đại biểu Bắc Triều Tiên từ chối tiếp tục hội đàm nếu vở “Hoa thiếu nữ” không thể được trình diễn tại Seoul. Kết quả là cuộc đàm phán rơi vào bế tắc.
Những vở kịch như thế thường được trình diễn trên những sân khấu cực lớn, với số lượng diễn viên quần chúng đông đảo, các hiệu ứng sân khấu và ánh sáng công phu. Ví dụ, sân khấu của Nhà hát Mansudae ở Bình Nhưỡng có chiều sâu 100 mét và rộng 150 mét, nghĩa là lớn gấp rưỡi một sân bóng đá thông thường.
Theo một thống kê không chính thức, Nhà hát Mansudae đã trình diễn 1.300 lần vở “Hoa thiếu nữ” kể từ khi nó được lãnh tụ Kim Jong Il viết ra năm 1972 đến nay.
Đó là một ví dụ tiêu biểu cho những gì người dân Bắc Triều Tiên được khuyến khích xem, thay vì phim Titanic của Hollywood. Mặc dù Kim Jong Il là một người rất yêu thích điện ảnh thế giới, nhưng ông giữ sở thích đó cho riêng mình.
Còn lại, các bộ phim được sản xuất trong nước cũng chỉ mang cốt truyện giàu tính cách mạng tương tự như những vở nhạc kịch.
Theo Tần Hoài
Theo Depplus
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!