Sóng đấu giá bất động sản đổ về Mê Linh, thị trường khu vực đang diễn biến ra sao?

19/05/2022 09:39 AM | Kinh doanh

Mấy năm qua, thị trường bất động sản tại Mê Linh (Hà Nội) trở thành điểm sáng trong mắt nhà đầu tư. Tuy nhiên, lịch sử của khu vực này có nhiều dự án nằm “đắp chiếu” nhiều năm. Do đó, nhà đầu tư “đặt chân” vào khu vực này sẽ ưu tiên bất động sản đã có pháp lý rõ ràng như đất đấu giá.

Sóng đấu giá bất động sản đổ về Mê Linh, thị trường khu vực đang diễn biến ra sao? - Ảnh 1.

Mới đây, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Công ty trách nhiệm hữu hạn thông báo về việc mở bán 202 căn nhà thấp tầng hình thành trong tương lai thuộc Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Theo đó, 202 căn nhà thấp tầng xây thô hoàn thiện mặt ngoài hình thành trong tương lai gắn liền với quyền sử dụng đất ở đã có hạ tầng. Trong đó, 56 căn biệt thự đơn lập, tổng diện tích đất 21.087m2, tổng diện tích sàn 18.711,6 m2; 26 căn biệt thự song lập, tổ diện tích đất 6.577m2, tổng diện tích sàn 8.136,6 m2; 120 căn nhà vườn, tổng diện tích đất 13.675m2, tổng diện tích sàn 28.342m2.

Loại hình nhà vườn diện tích 102 - 159m2, giá khởi điểm dao động từ 4,188 - 8,327 tỷ đồng; biệt thự song lập diện tích từ 210 - 305,5 m2, giá khởi điểm dao động từ 7,716 - 13,123 tỷ đồng; biệt thự đơn lập diện tích từ 362 - 410m2, giá khởi điểm dao động 11,988 - 18,894 tỷ đồng.

17 thửa đất tại điểm X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh cũng được đấu giá tới đây. Cụ thể, tổng diện tích 1.858,9 m2, diện tích từ lô dao động từ 87,75 - 171,67 m2, giá khởi điểm từ 27,1 - 35,2 triệu đồng/m2. Tiền đặt cọc trước từ 450 - 650 triệu đồng/hồ sơ tham gia đấu giá.

Sóng đấu giá bất động sản đổ về Mê Linh, thị trường khu vực đang diễn biến ra sao? - Ảnh 2.

Kể từ đầu năm 2021 tới nay, bất động sản Mê Linh đảo chiều liên tục. Hồi đầu năm 2021, nhiều môi giới nhà đất lan truyền thông tin Mê Linh sắp đón hàng loạt dự án "khu đô thị tỷ đô". Điều này khiến thị trường bất động sản huyện Mê Linh tăng giá chóng mặt.

Cụ thể, trong giai đoạn đó, tại xã Tiền Phong, xung quanh khu vực dự án Cienco 5, giá đất thổ cư tăng từ 15 - 23 triệu đồng/m2, tăng lên 21 triệu - 40 triệu đồng/m2.

Ngay cả những dự án đã “đắp chiếu” nhiều năm, cỏ dại mọc um tùm, thế nhưng, nhờ có tin đồn về quy hoạch, giá trị cũng tăng từ 40% - 70%. Đơn cử như tại các dự án nhà liền kề tại Diamond Park, Mê Linh New City, Mê Linh Vista… tăng lên 20 - 23 triệu đồng/m2 (tháng 10/2021), đến nay cũng đã tiếp tục tăng lên tới 30 triệu đồng/m2, tương đương 40 - 50%.   

Sau thời gian thị trường bất động sản khu vực này im ắng thì đến tháng 10/2021, Mê Linh nằm trong kế hoạch lên thành phố trong 5 năm tới của Hà Nội, thị trường lại được dịp nổi sóng. Mới đây, tại Nghị quyết 15 mới của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, đáng chú ý là nội dung xác định sẽ xây dựng thành phố trực thuộc thủ đô Hà Nội ở vùng phía bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai).

Do đó, thị trường khu vực Mê Linh đang trở thành tâm điểm trong mắt các nhà đầu tư. Theo anh Nguyễn Thành - môi giới khu vực này cho biết, 3 ngày nay, số lượng nhà đầu tư tìm đến, hỏi thăm thông tin các dự án tại Mê Linh tăng vọt.

“Giá những lô đất mặt đường hiện tại đã lên đến 50 triệu đồng. Trong đó, các lô đất trên mặt đường Đại Thịnh cũng có giá từ 45 – 50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, dân cũng muốn hưởng lợi nên giữ đất để đẩy giá lên cao”, anh Thành cho hay.

Theo lời người môi giới này này, hiện nay, đất trên trục đường qua xã Thanh Lâm, xã Kim Hoa và trục đường lên khu công nghiệp Quang Minh - thị trấn Chi Đông cũng được nhà đầu tư hỏi nhiều.

Sóng đấu giá bất động sản đổ về Mê Linh, thị trường khu vực đang diễn biến ra sao? - Ảnh 3.

Theo khảo sát, hiện nay đất dự án tại Mê Linh đang dao động khoảng từ 20 - 40 triệu đồng/m2. Trong mấy năm gần đây, thị trường này lại ghi nhận điểm sáng là đất đấu giá khi nhiều lô đất giá trúng cao gấp 2, thậm chí 3 lần so với giá khởi điểm. Bởi lẽ ở thị trường này có nhiều dự án đã nằm “đắp chiếu” nhiều năm, nên khi “đặt chân” vào Mê Linh nhà đầu tư rất cẩn thận trong việc pháp lý.

Giá đất nền của một số dự án ở xã Tiền Phong giao động khoảng 20 - 30 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Đơn cử, một lô đất trong dự án Cienco 5 tại xã Tiền Phong, lô đất 100m2 được chào bán chỉ 24 triệu/m2, nhưng cạnh đó, khu đô thị Hà Phong có hạ tầng và pháp lý ổn hơn đang có giá 30 - 40 triệu đồng/m2.

Theo anh Nguyễn Trung - môi giới bất động sản tại Mê Linh cho biết, từ khi có thông tin để xuất lên phố (10/2021) tới nay lượng người đổ về huyện này hỏi mua đất cũng tăng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ giao dịch thành công vẫn không có nhiều.

Còn về giá đất, anh Trung cho hay, từ sau Tết Nguyên đán ở Mê Linh cũng chưa có nhiều biến động, chủ yếu tăng ở những dự có pháp lý rõ ràng và đất dân sinh.

“Thực tế, đất tại Mê Linh đã rất nhiều lần tăng giá, cứ mỗi lần có thông tin gì mới, giới đầu tư lại kéo nhau về đây hỏi nhiều, tự nhiên giá đất lại biến động một chút”, anh Trung nhận định.

Sóng đấu giá bất động sản đổ về Mê Linh, thị trường khu vực đang diễn biến ra sao? - Ảnh 4.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - Lê Hoàng Châu nhìn nhận, trong câu chuyện TP. Hà Nội dự định đưa 3 huyện trong đó có Mê Linh lên thành phố khá tương đồng với câu chuyện của TP. Thử Đức (TP.HCM) giai đoạn trước.

Ông Lê Hoàng Châu phân tích, thời điểm khoảng giữa năm 2020 thị trường bất động sản tại Thủ Đức (trước khi lên thành phố) xuất hiện tình trạng đầu cơ đẩy giá lên cao khiến nhiều người ôm mộng rồi vỡ mộng.

“Thủ Đức hiện nay mới vừa được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung, nghĩa là vẫn đang trong quá trình lập quy hoạch chứ chưa có quy hoạch được phê duyệt, vì vậy chưa thể có hình hài tích hợp của TP. Thủ Đức trong tương lai, nhưng nhiều người đã vội vàng đổ tiền vào đầu tư dù chưa nắm rõ bức tranh quy hoạch cụ thể”, ông Châu cho hay.   

Sóng đấu giá bất động sản đổ về Mê Linh, thị trường khu vực đang diễn biến ra sao? - Ảnh 5.

Còn đối chiếu với những địa phương không phải từ quận lên thành phố, mà đi thẳng từ huyện lên, điều này cho thấy cơ sở hạ tầng của những khu vực này chưa đạt chuẩn đô thị nên mới gọi là huyện. Để xây dựng theo đúng kế hoạch của thành phố vẫn là một quá trình dài.

Khi lên thành phố thì tính tất yếu là giá đất sẽ tăng lên vì đất đô thị bao giờ cũng cao hơn đất nông thôn, đó là quy luật tất yếu. Nó dễ bị giới cò lợi dụng để gây sốt đất, ít nhất là sốt đất cục bộ tại các địa phương ấy.

Theo ông Châu, các địa phương trong diện quy hoạch cần công tác tuyên truyền để người dân hiểu, tránh bị hút vào những cơn sốt đất cục bộ. Nếu để xảy ra tình trạng sốt đất sẽ gây tác động không tốt, vì sốt đất được xem là chướng ngại của quá trình phát triển. Bởi lẽ khi giá đất tăng, tiền đền bù cho các dự án hạ tầng cũng sẽ tăng theo, ngoài ra cũng là áp lực với người dân khi chi phí cho đời sống sẽ đắt đỏ hơn. Nếu không tính toán kỹ lưỡng và ngăn chặn từ sớm sẽ gây áp lực không nhỏ cho ngân sách thành phố.

Trước làn sóng mới từ bất động sản đang manh nha tại các địa phương như Mê Linh, ông Châu khuyến nghị nhà đầu tư cần tỉnh táo và phải khảo sát kỹ lưỡng về hạ tầng.

“Muốn đón đầu phải căn cứ vào quy hoạch, còn nếu chưa nắm rõ về quy hoạch thì cũng cần phải biết định hướng tại khu vực muốn đầu tư sẽ là như thế nào. Không nắm được việc đó thì các nhà đầu tư sẽ dễ dàng trở thành người mù đi đêm”, ông Châu đưa ra lời khuyên.

Theo Minh Tâm

Cùng chuyên mục
XEM